Chính trị

Thống nhất 3 lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở

Duy Tuấn 27/10/2023 06:15

Hôm nay (27/10), các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở. Theo Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo, luật này sẽ thống nhất Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và tổ trưởng, tổ phó dân phòng thành một lực lượng có tên gọi là "lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở".

Theo Ban soạn thảo, ngoài Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và tổ trưởng, tổ phó dân phòng, nguồn nhân sự của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở còn được tuyển chọn. Tiêu chuẩn để được xem xét, tuyển chọn là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên (không giới hạn độ tuổi tối đa), đảm bảo sức khỏe, lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ văn hóa phù hợp…

anttcs(1).jpeg
Nguồn nhân sự của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở còn được xem xét, tuyển chọn.

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ được bố trí thành tổ bảo vệ ANTT, với các chức danh tổ trưởng, tổ phó và tổ viên. Địa bàn phụ trách của tổ có thể là một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Theo dự thảo, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu; hồ sơ, sổ sách, phương tiện, thiết bị cần thiết… để thực hiện nhiệm vụ được giao. UBND cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng này tại nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố hoặc bố trí chung tại nơi làm việc của UBND cấp xã, Công an cấp xã hoặc tại địa điểm khác phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bộ Công an cho biết, quá trình xây dựng luật, có ý kiến đề nghị quy định khung tối đa số lượng tổ và khung tối đa số lượng các chức danh của tổ bảo vệ ANTT. Tuy nhiên, theo Bộ này, nếu quy định "cứng" về số lượng tổ, số lượng các chức danh của tổ bảo vệ ANTT sẽ không phù hợp với tình hình thực tiễn, không sát với nhu cầu của từng thôn, tổ dân phố, vì mỗi vùng miền, khu vực thành thị, nông thôn có sự khác nhau.

Do đó, dự thảo luật quy định theo hướng "mở", tức là để chính quyền địa phương căn cứ vào yêu cầu bảo đảm ANTT, điều kiện kinh tế - xã hội của mình quyết định số lượng tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở và số lượng người tham gia hoạt động. Như vậy sẽ phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Chế độ, quyền lợi phù hợp với điều kiện địa phương

Về chế độ và quyền lợi, theo dự thảo luật, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Các mức hưởng sẽ do HĐND cấp tỉnh quyết định, trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ mà bị thương thì được xét hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh thì được xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

can_thiet-1678323599281.jpg
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế

Theo Bộ Công an, tính đến hết tháng 12/2022, cả nước có hơn 84.700 thôn, tổ dân phố. Mức lương cơ sở từ ngày 01/07/2023 đã điều chỉnh tăng lên là 1,8 triệu đồng. Nếu tất cả thôn, tổ dân phố đều thành lập tổ bảo vệ ANTT, mỗi tổ có 3 người, thì tổng số nhân lực là hơn 254.000 người.

Với số lượng như trên, tổng kinh phí cần có để bảo đảm cho lực lượng hoạt động như dự thảo luật là 3.505 tỉ đồng/năm. Tính trung bình, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bảo đảm khoảng 55,6 tỉ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,6 tỉ đồng/tháng. Tuy nhiên, do dự thảo luật quy định mỗi tổ bảo vệ ANTT có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố nên khi triển khai thi hành luật thì tổng số tổ bảo vệ ANTT có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm theo.

Bộ Công an khẳng định, trước mắt, nếu thành lập tổ bảo vệ ANTT trên cơ sở kiện toàn 3 lực lượng (bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng) thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia, cũng không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay.

Về lâu dài, tổng số lượng thôn, tổ dân phố có thể tiếp tục giảm do sáp nhập, các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn nữa cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Không có căn cứ để nói tăng biên chế, phát sinh ngân sách

Theo dự thảo, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ có 6 nhóm nhiệm vụ. Điển hình là hỗ trợ Công an cấp xã nắm tình hình vi phạm pháp luật về ANTT, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách; trường hợp phát hiện, tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật thì phải báo ngay và kịp thời có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, hướng dẫn của Công an cấp xã.

lstrang1.jpeg
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang - Giám đốc Công ty Luật Viên An, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Ngoài ra, lực lượng sẽ hỗ trợ Công an cấp xã trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội (nắm thông tin nhân khẩu, kiểm tra nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng, giấy tờ tùy thân của người đến làm ăn, sinh sống trên địa bàn phụ trách…); hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tuần tra bảo đảm ANTT ở cơ sở, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.

Từng chứng kiến bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã giúp dân trong đại dịch Covid-19 tại TP. HCM, Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang - Giám đốc Công ty Luật Viên An, Đoàn Luật sư TP.HCM - cho biết, việc dự thảo luật thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo bà Trang, việc xây dựng luật đã “một công đôi việc”, thuận lợi trên nền tảng đã có, đưa hoạt động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào khuôn khổ. Đặc biệt, luật quy định chế độ, chính sách đãi ngộ cho lực lượng này sẽ giúp họ toàn tâm, toàn ý, có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

pham-van-hoa.jpeg
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp.

Tán thành với việc lập lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp thống nhất với sự cần thiết ban hành luật. Theo đại biểu, dự thảo Luật đã được rà soát về nhiệm vụ của lực lượng này bảo đảm tính khả thi, phù hợp với năng lực, trình độ, không chồng chéo, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và các lực lượng khác ở cơ sở.

“Dự thảo Luật quy định kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh thành một đầu mối sẽ góp phần giảm chi ngân sách, bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng hiện nay”, ông Hoà nói.

Trước lo lắng về tăng biên chế và phát sinh chi phí, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương cho biết: “Phân tích sâu thì đây không phải lực lượng mới, mà trên cơ sở hợp nhất các lực lượng có sẵn. Ba lực lượng này vẫn đang hoạt động ở cơ sở, vẫn hưởng phụ cấp từ ngân sách, nhưng đầu mối quản lý phân tán. Chính vì thế, khi lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là hợp nhất 3 lực lượng lại, giúp thống nhất quản lý, tránh chồng chéo. Hiểu là một lực lượng nhưng tham gia nhiều nhiệm vụ, xét cho cùng ngân sách chi ra lại tiết kiệm hơn. Thay vì để 3 lực lượng phân tán nhỏ lẻ, khó quản lý”.

nguyen-thi-viet-nga.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương.

Đặc biệt, theo bà Nga, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, “điều này không có căn cứ để nói phát sinh thêm chi phí vì các xã ít đi, lực lượng này cũng được tinh gọn. Hiểu theo nghĩa này thì lực lượng sẽ bớt đi, kèm với đó chi phí giảm đi”.

“Năm nào cũng nói tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, ở cơ sở còn rất phức tạp. Nếu không làm tốt việc nhỏ ở cơ sở, sẽ thành vụ việc lớn, phức tạp và phát sinh điểm nóng, trả giá rất đắt. Việc bổ sung lực lượng như cánh tay nối dài của Công an xã là rất quan trọng. Đặc biệt là nông thôn, vùng sâu vùng xa, việc nắm bắt địa bàn, phong tục, truyền thống phải là người địa phương, lực lượng này sẽ làm tốt hơn”, bà Nga phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống nhất 3 lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở