Mỗi độ tháng ba sang, hoa gạo lại nở rực trời. Không biết tự bao giờ, màu đỏ của bông hoa năm cánh ấy trở thành tâm thức văn hóa Việt.
Hoa gạo tiếng Hán là mộc miên. Cây gạo (danh pháp hai phần: Bombax ceiba), tương tự như các loài cây khác trong chi Bombax, còn có tên gọi khác là mộc miên, hồng miên hay pơ lang. Trong một số hệ thống phân loại cũ, người ta đưa nó vào họ Gạo (Bombacaceae).
Tháng ba, hoa gạo rực trời
Là loài cây ở vùng nhiệt đới với thân cây cao và thẳng với lá rụng vào mùa đông. Các hoa đỏ với 5 cánh hoa mọc vào mùa xuân trước khi cây ra lá non. Quả nhỏ chứa các sợi tương tự như sợi bông. Thân cây có các gai để ngăn cản sự tấn công của động vật. Mặc dù bề ngoài thân cây có vẻ tốt cho mục đích khai thác gỗ, nhưng gỗ của nó quá mềm để có thể sử dụng vào những việc như vậy.
Hoa gạo trở thành biểu tượng của làng quê
Thế nhưng do vị trí đứng của cây gạo thường là ở đầu làng, ngay cạnh dòng sông hoặc bên đình chùa nên trong tâm thức người Việt hoa gạo trở thành biểu tượng của làng quê, là hình ảnh của đất nước. Cây gạo gắn với nét quê thanh bình, ngay từ tấm bé mọi người đã nô đùa, nghỉ ngơi uống nước dưới tán cây.
Chính vì án ngữ ở vị trí đắc địa nên cây gạo giống như cột mốc, một nỗi nhớ khôn nguôi của những người xa quê. Cây gạo cứ đứng đó cả vài trăm năm, bền gan với thời gian như một nhân chứng cho mọi sự diễn ra trong làng.
Vị trí đứng đắc địa, cây gạo như nhân chứng của làng
Những bông hoa gạo vẫn biết đó là loài hoa của miền quê mang một vẻ đẹp thật thà, dung dị, không hề kiêu sa mỹ miều như nhiều loài hoa khác nhưng nó lại có được một sức hút đặc biệt đến kì lạ. Không chỉ vậy hoa, vỏ thân và rễ của loài cây này đều được dùng trong y học để hỗ trợ điều trị rất nhiều các căn bệnh khác nhau.
Hoa gạo tùy từng nơi mỗi khác, có khi đỏ rực như gọi nắng về. Chẳng hạn như cây gạo trăm năm tuổi ở bên dòng sông Nông Giang (xã Đông Tân, TP Thanh Hóa). Mỗi khi hoa gạo rơi xuống như những đốm lửa buông mình một cách nhẹ nhàng được dòng nước đỡ lấy. Có khi hoa gạo lại nhàn nhạt như sự tương tư, nhớ thương không dứt như cây gạo nằm trên QL10 thuộc xã Nga An (Nga Sơn, Thanh Hóa).