Việt Nam-Nhật Bản: Thúc đẩy tăng cường liên kết giữa hai nền kinh tế

Trọng Bằng| 07/01/2020 09:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu, Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản hợp tác thúc đẩy tăng cường liên kết giữa hai nền kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đa dạng hơn nữa trong hợp tác hai nước Việt Nam-Nhật Bản

Ngày 6/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp; đánh giá kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt đẹp. Ông cam kết nỗ lực hết sức mình đóng góp vào việc phát triển quan hệ ngoại giao hai nước. Bộ trưởng cho biết, với các vai trò quan trọng của Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm trong năm nay.

Việt Nam-Nhật Bản: Thúc đẩy tăng cường liên kết giữa hai nền kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước tăng cường, củng cố tin cậy chính trị thông qua các chuyến thăm cấp cao. Việt Nam mong Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN.

Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản hợp tác thúc đẩy tăng cường liên kết giữa hai nền kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo; tạo điều kiện thuận lợi để nông, thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản.

Đánh giá cao quan hệ giữa các địa phương hai nước thời gian qua, nhất là các Thống đốc Nhật Bản thường xuyên thăm Việt Nam, Thủ tướng mong muốn Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong cải cách hành chính, Chính phủ điện tử, đào tạo cán bộ cấp chiến lược. Những kinh nghiệm cải cách của Nhật Bản rất quý báu với Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao Nhật Bản và Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, đánh giá cao quan điểm của Nhật Bản và mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 trên Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản khẳng định, Nhật Bản cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ, ủng hộ Việt Nam thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong hợp tác hai nước, Bộ trưởng đánh giá cao và cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy các vấn đề hợp tác hai nước trong nhiều lĩnh vực như ODA, các dự án mà Nhật Bản đang triển khai tại Việt Nam. Nhật Bản đang thúc đẩy để tăng cường tiếp nhận nhiều thực tập sinh Việt Nam.

Nhật Bản tin tưởng với sự nỗ lực của Việt Nam, Hiệp định RCEP sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ thời gian tới, đồng thời tin tưởng Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được triển khai mạnh mẽ, nhất là đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam. Nhật Bản hoan nghênh và sẽ nỗ lực tìm giải pháp để thúc đẩy hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng khẳng định, hai nước có đồng quan điểm về vấn đề Biển Đông cũng như các vấn đề khác trong khu vực, trong đó Nhật Bản luôn ủng hộ quan điểm giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Trong vấn đề này, cần coi trọng vai trò của ASEAN cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế. Để thúc đẩy hợp tác Nhật Bản và các nước Mekong, Nhật Bản quyết định viện trợ, hợp tác phòng, chống rác thải nhựa trong khu vực. 

Đánh giá cao các vấn đề Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí quan điểm cần đa dạng hơn nữa trong hợp tác hai nước, thúc đẩy ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; nỗ lực hợp tác chặt chẽ giữa hai nước cũng như với các nước khác để bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng đón tiếp các đoàn doanh nghiệp quy mô lớn Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh.

Việt Nam đồng ý để Nhật Bản mở Văn phòng Lãnh sự tại Đà Nẵng

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu 

Việt Nam-Nhật Bản: Thúc đẩy tăng cường liên kết giữa hai nền kinh tế

Quang cảnh hội đàm. Ảnh BNG

Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp, hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua, trao đổi sâu rộng về phương hướng và các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, đối thoại ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác hiện có.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ những ưu tiên về đối nội, đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, mời Bộ trưởng Motegi Toshimitsu thăm Việt Nam, dự các hội nghị liên quan ASEAN trong năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Motegi khẳng định Nhật Bản coi trọng và mong muốn đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng và thực chất hơn nữa, khẳng định Nhật Bản ủng hộ và sẽ hợp tác chặt chẽ  để Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, ODA, phát triển nguồn nhân lực, chống biến đổi khí hậu… Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tích cực đưa các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…, sớm cho phép nhập khẩu quả nhãn của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên nhất trí phối hợp trong lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh, lao động, loại bỏ những công ty phái cử/tiếp nhận lao động, tổ chức môi giới du học không lành mạnh nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của lao động, thực tập sinh, lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thông báo việc Chính phủ Việt Nam chấp thuận đề nghị của Nhật Bản về việc mở Văn phòng Lãnh sự tại Đà Nẵng, đồng thời đề nghị Chính phủ Nhật Bản đơn giản hóa hơn nữa thủ tục cấp thị thực cho công dân Việt Nam.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, trao đổi về việc thúc đẩy các liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có việc triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sớm ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Hai bên cũng trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Nhân dịp này, hai bên đã tổ chức Lễ ký kết Công hàm trao đổi của các Dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long sử dụng vốn vay ODA trị giá 11,891 tỷ yen giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu và Dự án Tiếp nhận trang thiết bị phân tích dioxin và môi trường sử dụng viện trợ không hoàn lại trị giá 2,7 triệu USD giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam-Nhật Bản: Thúc đẩy tăng cường liên kết giữa hai nền kinh tế