Thảo luận Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nhận được nhiều ý kiến đồng tình của Đại biểu Quốc hội

03/06/2014 21:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều nay 3/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Thảo luận Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nhận được nhiều ý kiến đồng tình của Đại biểu Quốc hội

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Văn Độ phát biểu ý kiến tại Hội trường. Ảnh: TTXVN

Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với quan điểm chỉ đạo việc soạn thảo dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi đã cơ bản thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 quy định “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; làm rõ hệ thống, cơ cấu, tổ chức của các TAND; và cơ cấu, tổ chức bộ máy trong từng TAND cũng như cơ chế quản lý TAND về tổ chức để bảo đảm tính độc lập của hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Nên thành lập TAND sơ thẩm khu vực

Thảo luận về vấn đề thành lập TAND sơ thẩm khu vực, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 (Điều 32) của dự thảo Luật. Theo các đại biểu, việc thành lập như vậy sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập về việc tổ chức TAND cấp huyện hiện nay, đồng thời tăng cường tính độc lập của TAND sơ thẩm khu vực trong xét xử cũng như tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tránh dàn trải…

Thảo luận Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nhận được nhiều ý kiến đồng tình của Đại biểu Quốc hội

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước)

Thảo luận Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nhận được nhiều ý kiến đồng tình của Đại biểu Quốc hội

Đại biểu Vi Thị Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên)

Theo các đại biểu Trần Văn Độ (An Giang), Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Đặng Công Lý (Bình Định), Vi Thị Hương (Điện Biên): Việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực sẽ góp phần khắc phục được những hạn chế, bất cập về việc tổ chức TAND cấp huyện hiện nay. Mặt khác, việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực sẽ không tạo ra nhu cầu quá lớn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cũng như không gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án. Ngoài ra, việc tổ chức TAND  sơ thẩm khu vực là tiền đề để đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự giám sát của HĐND đối với tổ chức, hoạt động của TAND theo hướng thực chất, hiệu quả hơn, qua đó tạo điều kiện bảo đảm để Tòa án thực hiện tốt công tác xét xử, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.

Cần xây dựng và phát triển án lệ

Liên quan việc xây dựng và phát triển án lệ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao cho Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) xây dựng án lệ như trong Dự thảo luật.

Thảo luận Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nhận được nhiều ý kiến đồng tình của Đại biểu Quốc hội

Đại biểu Đặng Công Lý (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)

Các đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Đặng Công Lý (Bình Định),... cho rằng: Để phù hợp với truyền thống pháp luật Việt Nam thì án lệ được xác định là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về một vụ việc cụ thể có nội dung lập luận, làm rõ những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau, đánh giá những sai lầm nghiêm trọng về việc áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án, trên cơ sở đó chỉ ra việc áp dụng thống nhất và đường lối xử lý đối với vụ việc cụ thể đó, được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn làm chuẩn mực để các Tòa án nghiên cứu, làm theo trong công tác xét xử, nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật và bảo đảm công lý theo nguyên tắc các vụ việc có tình tiết giống nhau thì phải được phán quyết như nhau.

Cũng theo các đại biểu, án lệ không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, TANDTC có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật. Việc quy định về án lệ theo hướng nêu trên sẽ đáp ứng yêu cầu phải kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật. Hơn nữa, việc công bố án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích của họ. Về phía Tòa án, tham khảo án lệ, phân tích thiếu sót trong những vụ án xét xử trước đó cũng sẽ giúp Thẩm phán rút kinh nghiệm, hạn chế việc kết án oan, sai.

Chỉ nên có hai ngạch Thẩm phán

Góp ý về nhiệm kỳ của Thẩm phán, nhiều ý kiến nhất trí với phương án 1 (Điều 57) về nhiệm kỳ của Thẩm phán là "Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn. Nhiệm kỳ của Thẩm phán khác là 10 năm".

Thảo luận Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nhận được nhiều ý kiến đồng tình của Đại biểu Quốc hội

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc)

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) và nhiều đại biểu khác cho rằng: Nhiệm kỳ của Thẩm phán theo quy định hiện hành (5 năm) là ngắn và chưa phù hợp, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm làm việc của Thẩm phán. Mặt khác, việc quy định này là quá khắt khe trong khi đó quy trình tái bổ nhiệm rất phức tạp và phải qua nhiều khâu cũng như mất nhiều thời gian. Đồng thời quy định như vậy gây áp lực tâm lý cho Thẩm phán và ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong công tác xét xử. Hiện nay, ở nhiều đơn vị, do nhiệm kỳ bổ nhiệm Thẩm phán ngắn (5 năm), nhiều Thẩm phán phải "ngồi chờ" để được tái bổ nhiệm trong khi đó án nhiều mà không được xét xử.

Thảo luận về ngạch Thẩm phán, một số ý kiến tán thành với quy định chức danh Thẩm phán sẽ được chia theo 4 ngạch, gồm: Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp. Quy định này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức và các ngạch công chức. Đồng thời bảo đảm phân hóa đội ngũ Thẩm phán một cách rõ ràng về tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác. Thẩm phán giữ ngạch càng cao thì tiêu chuẩn càng phải cao; phù hợp với cơ chế tuyển chọn khi được bổ nhiệm lần đầu hoặc nâng ngạch Thẩm phán và tổ chức TAND 4 cấp.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, chỉ nên quy định có 2 ngạch Thẩm phán, gồm: Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán. Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.Hồ Chí Minh), quy định chức danh Thẩm phán theo 4 ngạch vừa gây tâm lý không thoải mái, vừa khó khăn cho công tác điều động cán bộ. Vì vậy, chỉ nên chia làm 2 ngạch là Thẩm phán và Thẩm phán TANDTC.

Chiều nay, cũng thảo luận về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), đa số các đại biểu đã tán thành về việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức TAND; tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán…

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình: Ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại hội trường rất sâu sắc, cụ thể, làm rõ được nhiều vấn đề quan trọng. Trên cơ sở này, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện để sớm trình Quốc hội thông qua nhằm đổi mới tổ chức bộ máy, hoạt động để hệ thống TAND có đầy đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân giao phó.

Quốc Minh 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nhận được nhiều ý kiến đồng tình của Đại biểu Quốc hội