Thủ tướng: Tăng trưởng dương, đạt các chỉ số cần thiết trong 4 tháng cuối năm

Xuân Lan| 04/09/2020 11:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tập trung thảo luận về các giải pháp, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong 4 tháng còn lại để phấn đấu không chỉ tăng trưởng dương mà còn đạt con số cần thiết, Thủ tướng đề nghị tại phiên họp ngày 4/9.

Thủ tướng: Tăng trưởng dương, đạt các chỉ số cần thiết trong 4 tháng cuối năm

Sáng nay, 4/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình tháng 8 có chuyển biến rất đáng mừng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt. Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỷ USD, như vậy, tăng nhiều lần so với mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ.

CPI tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước, CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá ổn định. Lãi suất có xu hướng giảm để hỗ trợ sản xuất.

Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu giữ được mức tăng trưởng 2,6-2,8%, đặc biệt là nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỷ USD. Trong đó, nguồn cung thịt lợn tăng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hiện nay trung bình từ 77.000 - 83.000 đồng/kg, giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất.

Thủ tướng cho rằng, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%. Xuất siêu trên 11,9 tỷ USD.

Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét, tăng so với cùng kỳ gần 31%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Nhiều địa phương đã tuyên bố giải ngân đạt 100% trong năm nay.

Phát triển doanh nghiệp đạt một số kết quả tích cực. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 30%.

Đời sống nhân dân ổn định, số hộ thiếu đói giảm 75,3%. Tai nạn giao thông giảm trên 3 tiêu chí. Các lĩnh vực văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng, trong đó, đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các tồn tại, khó khăn, cần tập trung chỉ đạo khắc phục. Đó là sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, IIP tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; 8 tháng chỉ tăng 2,2%. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm do dịch COVID-19 quay trở lại. Trên góc độ chung, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, nguy cơ nhiều việc làm bị mất, nhất là đô thị. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải sớm có giải pháp hỗ trợ phù hợp, Thủ tướng nói. Tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là mùa mưa bão đang đến.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận về các giải pháp, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong 4 tháng còn lại để phấn đấu không chỉ tăng trưởng dương mà còn đạt con số cần thiết, giữ được các cân đối lớn, giữ ổn định đời sống nhân dân.

Thứ nhất là thảo luận chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các khu vực kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, FDI, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. “Các đồng chí cho ý kiến, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, cả về thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tín dụng ngân hàng…”. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc thảo luận chính sách hỗ trợ người lao động khi trước đó “đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất cụ thể về chính sách tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập. Đây là việc xã hội rất mong”.

Thủ tướng đề nghị thảo luận về chính sách tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, cần giải pháp, chính sách đủ mạnh, cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để huy động các nguồn lực xã hội, góp phần tạo động lực phát triển.

Nhấn mạnh tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế, Thủ tướng nêu rõ, phải kích thích kinh tế mạnh mẽ, đồng thời cả phía cung và phía cầu vì cung và cầu hiện nay còn yếu. Cho nên, các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ phải phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng cao năng suất, sức cạnh tranh, áp dụng những mô hình, phương thức mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong trạng thái bình thường mới.

Nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng dương

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về ước kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh rất khó khăn, song nền kinh tế nước ta không rơi vào tình trạng suy thoái, vẫn giữ được mức tăng trưởng dương trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng âm.

Ước thực hiện 12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 vẫn có 5 chỉ tiêu đạt và 2 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Chính phủ nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng chủ yếu, gồm: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", kiên quyết phòng, chống đại dịch COVID-19, đồng thời tranh thủ cơ hội, phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, trong đó tăng trưởng cả năm đạt khoảng 2%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%.

Bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận nêu trên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế tích tụ trong quá trình phát triển do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được chỉ ra tại báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội qua nhiều kỳ họp, như: Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn chậm. Kinh tế tư nhân chưa thực sự mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tham gia chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực và toàn cầu còn hạn chế. Các vấn đề xã hội còn một số bất cập, chênh lệch về mức sống, mức độ thụ hưởng các dịch vụ xã hội của người dân giữa các vùng, địa phương. An toàn xã hội như an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng không khí, xử lý rác thải,… còn một số bất cập gây bức xúc. Tình hình tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, diễn biến phức tạp...

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Đại dịch COVID-19 trên thế giới tuy có dấu hiệu dịu lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường và khả năng cao sẽ kéo dài cả năm 2021.

Triển vọng kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, các nước đối tác lớn suy thoái, dự báo khó phục hồi trong ngắn hạn và khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra sẽ cần thời gian khoảng 2-4 năm tùy thuộc mức độ tác động.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu dự kiến tăng trưởng GDP năm 2021 đạt khoảng 6,7% với mục tiêu tổng quát là: “Tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế, tận dụng thời cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất dự kiến xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng về số lượng chỉ tiêu so với các năm trước của giai đoạn 2016-2020 (khoảng 12 chỉ tiêu) để bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa Kế hoạch hàng năm và Kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2021-2025), tạo thuận lợi và gắn kết việc đánh giá kế hoạch hằng năm với đánh giá giữa kỳ và 5 năm.

Đồng thời, dự kiến xây dựng 5 cân đối lớn để phù hợp với dự kiến định hướng xây dựng các cân đối lớn của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Tăng trưởng dương, đạt các chỉ số cần thiết trong 4 tháng cuối năm