Thủ tướng: Mekong và Việt Nam là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư

Xuân Lan| 10/10/2018 11:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính phủ Việt Nam tin tưởng rằng khu vưc Mekong nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư Nhật Bản”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng: Mekong và Việt Nam là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Mekong-Nhật Bản

Tiếp tục các hoạt động tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 tại Tokyo, chiều 9/10 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn đầu tư Mekong-Nhật Bản do JETRO tổ chức bên lề Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản với chủ đề “Trung tâm chuỗi giá trị mới của châu Á”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã dự diễn đàn. Cùng dự còn có đại diện JETRO,đại diện Chính phủ Nhật Bản và hơn 600 doanh nghiệp Nhật Bản, các nước Mekong.

Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giữa các Chính phủ và doanh nghiệp, tạo nên những liên kết, hợp tác thực chất cho phát triển thịnh vượng của khu vực Mekong.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các nước Mekong có tổng dân số là 240 triệu người, tổng GDP là 800 tỷ USD. Nếu coi khu vực Mekong là một quốc gia thì đây sẽ là nước đông dân thứ 6 trên thế giới và có nền kinh tế nằm trong nhóm các nước G20, lớn thứ 19 trên thế giới. Với tổng giá trị xuất khẩu đạt 466 tỷ USD, khu vực Mekong cũng là nhà xuất khẩu lớn thứ 9 toàn cầu. Mekong cũng là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới, với mức bình quân trong khu vực năm 2017 là 6%.

“Nằm ở trung tâm châu Á phát triển năng động, khu vực Mekong đang trỗi dậy với tất cả quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh của mình”, Thủ tướng nói. Các nước Mekong đã thống nhất tầm nhìn về một khu vực phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng, phát triển bền vững, bao trùm. Trong thực thi, cùng với vai trò kiến tạo phát triển của các Chính phủ, sự hỗ trợ hợp tác quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm - nơi khởi nguồn những ý tưởng sáng tạo mới, phát huy nội lực, góp phần quyết định vào quá trình tăng trường kinh tế.

Giới thiệu về Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa thương mại chiến lược, quan trọng trong khu vực và cả trên thế giới. Thị trường chứng khoán thuộc nhóm thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là công xưởng mới của thế giới, là trung tâm công nghiệp mới với độ mở thương mại cực lớn, 200% GDP. Việt Nam có 16 FTA đang và sắp có hiệu lực. Kỳ vọng đến 2020 Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 nước, trong đó có 15 nước thuộc Nhóm G20. Với những tiềm năng và lợi thế của mình, Việt Nam là cơ hội để các tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa, làm mới và tạo ra sự khác biệt cho chuỗi cung ứng của mình.

Quy mô dân số của Việt Nam đang tiệm cận con số 100 triệu dân, tức là gần bằng Nhật Bản, nhưng Việt Nam có dân số trẻ, độ tuổi trung bình là 31, đa phần được đào tạo tốt, có kỹ năng, khéo léo và khả năng thích ứng cao. Theo WB, trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và dự kiến đạt mức 33 triệu người, tương đương 33% dân số vào năm 2022. Hiện tại có 70% thuê bao di động đang sử dụng 3G hoặc 4G. 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 68% người Việt Nam xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động. Tỷ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người. Số người truy cập các trang thương mại điện tử thông qua smartphone chiếm 72%. Tỷ lệ mua hàng online qua điện thoại chiếm 53%.

Nhấn mạnh chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp để Việt Nam tạo dựng môi trường đầu tư, kỉnh doanh thuận lợi, Thủ tướng cho biết, thực hiện các cam kết tiêu chuẩn cao trong các FTA thế hệ mới làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và mở ra cơ hội tiếp cận nhiều thị trường lớn của thế giới.

Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng; công nghiệp chế tạo; nông nghiệp chất lượng cao; tài chính, ngân hàng; y tế chất lượng cao; thành phố thông minh... “Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên về chất lượng của các dự án đầu tư hơn là số lượng”, Thủ tướng nêu rõ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản luôn được Chính phủ Việt Nam ghi nhận và giải quyết khá kịp thời. Việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản được khởi xướng năm 2003 đã tác động nhiều mặt, được cộng đồng các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Đây cũng là một trong những kênh thông tin hữu hiệu cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách và giúp cho các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ.

Thủ tướng dẫn số liệu, năm 2017, Nhật Bản đã trở lại vị trí nhà đầu tư số một tại Việt Nam với tổng vốn FDI đạt 9 tỷ USD. Thương mại hai chiều đạt hơn 33 tỷ USD. Tới thời điểm hiện tại, có gần 4.000 dự án của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn trên 55 tỷ USD. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác phát triển cho các doanh nghiệp Mekong và Nhật Bản.

“Chính phủ Việt Nam tin tưởng rằng khu vưc Mekong nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư Nhật Bản”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng: Mekong và Việt Nam là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tọa đàm với các doanh nghiệp bất động sản của Nhật Bản

Sau khi tham dự Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư Mekong-Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Tọa đàm với các doanh nghiệp hạ tầng hàng đầu Nhật Bản và Tọa đàm với các tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Hạ tầng và Bất động sản Nhật Bản và Thời báo kinh tế Nikkei tổ chức.

Tại buổi toạ đàm về chủ đề đầu tư trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) và hạ tầng ở Việt Nam, Thủ tướng đánh giá cao trình độ quy hoạch, xây dựng đô thị của Nhật Bản, hoan nghênh các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư phát triển BĐS và hạ tầng ở Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất về chính sách, trong đó sẽ ban hành luật đầu tư theo hình thức công-tư và tạo điều kiện về tín dụng tài chính cho các DN đầu tư trong lĩnh vực này.

Thủ tướng cũng đề nghị các DN Nhật Bản ưu tiên đầu tư BĐS đi đôi với phát triển hạ tầng; chú trọng đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người nghèo; phát triển các khu đô thị hiện đại, thông minh, có quy mô lớn; thực hiện tốt từ khâu quy hoạch để sử dụng quỹ đất một cách tối ưu, sử dụng công nghệ và các vật liệu tiên tiến để xây dựng các công trình chất lượng cao.

Các DN BĐS Nhật Bản đánh giá thị trường BĐS Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc; bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này, cam kết phát triển các dự án đi đôi với phát triển hạ tầng, áp dụng công nghệ cao, quan tâm đến những dự án sử dụng kiến thức mới nhất để hỗ trợ Việt Nam quy hoạch đô thị tổng thể.

Cùng với đó mở rộng các khu đô thị, các siêu thị quy mô lớn ra các địa phương; kết nối hệ thống đường sắt với xe buýt cho các đô thị; xây dựng nhà ở xã hội an toàn cho người thu nhập thấp… và nêu một số đề xuất chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn cho các DN.

Dự toạ đàm với các DN tài chính lớn của Nhật Bản, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam nhất quán thúc đẩy hội nhập, liên kết kinh tế; xây dựng những chính sách quyết liệt nhằm tạo điều kiện tốt nhất và bình đẳng cho các DN.

Thủ tướng cũng kêu gọi các DN Nhật Bản Thủ tướng: Mekong và Việt Nam là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư trở thành đối tác chiến lược trong quá trình tái cơ cấu DN Nhà nước, xây dựng các DN có khả năng cạnh tranh toàn cầu; sử dụng lợi thế về công nghệ tham gia phát triển các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng mới; tham gia tiến trình cải cách, hiện đại hóa hệ thống tài chính và ngân hàng của Việt Nam, trong đó, Chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư mua lại các ngân hàng yếu kém để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Các DN tài chính Nhật Bản bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế trong năm 2018 của Việt Nam, đặc biệt là sự ổn định kinh tế vĩ mô; đánh giá cao sự điều hành và những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về thể chế, cơ chế và cắt giảm thủ tục hành chính.

Các DN cũng nêu nhiều câu hỏi về quá trình cổ phần hoá DN Nhà nước, các kế hoạch phát triển hạ tầng của Chính phủ và các ưu tiên đầu tư cụ thể trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Mekong và Việt Nam là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư