Thủ tướng lên đường dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 2

10/01/2018 12:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (10/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội, lên đường sang Thủ đô Phnom Penh, Campuchia dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 2.

Thủ tướng lên đường dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 2

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 2 tổ chức vào ngày 10/1/2018 tại Phnom Penh, Campuchia.

Đây là Hội nghị mang tính định kỳ, được tổ chức 2 năm 1 lần luân phiên giữa các nước thành viên. Hội nghị lần này do Campuchia và Trung Quốc chủ trì tổ chức.

Tham gia Đoàn có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công; Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng;  Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Hoàng Văn Thắng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh; Trợ lý Thủ tướng Chính phủ  Bùi Huy Hùng.

Trước đó, năm 2016, Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất chính thức khởi động giữa 6 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và thống nhất các định hướng lớn cho cơ chế hợp tác. Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của hợp tác Mekong-Lan Thương đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Tiểu vùng Mekong, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia ngay từ giai đoạn đầu quá trình hình thành cơ chế hợp tác này.

Trước Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất, Việt Nam đã tham dự và có đóng góp quan trọng tại các hội nghị cấp bộ trưởng và hội nghị các quan chức cao cấp.

Những đóng góp của Việt Nam về nguyên tắc, cơ chế hợp tác, lĩnh vực trọng tâm, trong đó có các đề xuất về hợp tác nguồn nước, kết nối kinh tế, đã được các nước ủng hộ, khẳng định trong Tuyên bố Tam Á và các văn kiện liên quan của hợp tác Mekong-Lan Thương.

Việt Nam đã tham gia tích cực vào hợp tác Mekong-Lan Thương với nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác, góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương đi vào thực chất.

Việt Nam đã đề xuất các dự án và đã được các nước nhất trí đưa vào danh sách dự án thu hoạch sớm để triển khai giai đoạn đầu của hợp tác Mekong-Lan Thương. Các dự án này đều có lợi ích thiết thực, phù hợp với ưu tiên của hợp tác Mekong-Lan Thương, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt, hạn hán trong lưu vực sông Mekong-Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng.

Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc và các nước Tiểu vùng Mekong triển khai dự án chung về thành lập Trung tâm Hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực về quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong, trong đó có việc đóng góp tài chính, chuyên gia làm việc tại Trung tâm này.

Ngày 23/3/2016, Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất chính thức khởi động giữa 6 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và thống nhất các định hướng lớn cho cơ chế hợp tác.

Mục tiêu bao trùm của hợp tác Mekong-Lan Thương là thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung ở tiểu vùng. Ngoài ra, hợp tác Mekong-Lan Thương còn hướng tới mục tiêu khác bao gồm củng cố lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, duy trì hòa bình và ổn định; thúc đẩy phát triển bền vững, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, hội nhập toàn diện vào kinh tế khu vực và toàn cầu; tăng cường tình hữu nghị, quan hệ láng giềng tốt giữa nhân dân các nước.

Theo đó, 6 nước sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và phát triển bền vững, văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Các nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp, tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp, chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Hợp tác Mekong-Lan Thương sẽ đặt trọng tâm vào 5 lĩnh vực ưu tiên là quản lý tài nguyên nước, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Hợp tác Mekong-Lan Thương có cơ chế làm việc, gồm: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao được tổ chức định kỳ thường niên; Hội nghị Cấp cao tổ chức 2 năm 1 lần và luân phiên theo thứ tự chữ cái các nước.

Theo đó, Hội nghị ủng hộ Campuchia đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 2. Các nhóm công tác chuyên ngành sẽ sớm được thành lập sau Hội nghị để xây dựng, triển khai các dự án hợp tác.

Đến nay, hợp tác Mekong-Lan Thương đã triển khai một số hoạt động bao, gồm: Thành lập các nhóm công tác chuyên ngành về nguồn nước, giảm nghèo, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất; triển khai một số dự án thuộc danh sách dự án “thu hoạch sớm” được thông qua tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất (tổ chức tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc tháng 3/2016) như: Chương trình giao lưu cán bộ, chương trình mổ mắt nhân đạo, diễn đàn hợp tác phụ nữ, diễn đàn hợp tác các thành phố du lịch Mekongg - Lan Thương; đưa vào sử dụng Quỹ Hợp tác đặc biệt Mekong- Lan Thương; thành lập Ban Thư ký, cơ quan điều phối quốc gia hợp tác Mekong-Lan Thương tại mỗi nước… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng lên đường dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 2