Thủ tướng: Không thể bàn trên bàn giấy mà phải sát thực tiễn

Xuân Lan| 09/07/2020 14:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cần có chính sách đặc thù phù hợp, không thể bàn trên bàn giấy mà phải sát thực tiễn, phản ánh được hơi thở, yêu cầu của nền kinh tế và của người dân và doanh nghiệp, Thu tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Không thể bàn trên bàn giấy mà phải sát thực tiễn

Thủ tướng: Cần có quyết sách mới, chủ động hơn nữa, tích cực, trách nhiệm hơn nữa trước Đảng, trước nhân dân. 

Sáng ngày 9/7, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng phân tích điều kiện trong và ngoài nước, từ đó đề nghị các thành viên Hội đồng kiến nghị những biện pháp cụ thể để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. “Cần có chính sách gì mới để thúc đẩy lĩnh vực xuất nhập khẩu”.

Các gói chính sách phục hồi kinh tế phải mang tính dài hạn

Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nhận định tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh chưa kết thúc trong năm nay mà có thể kéo dài trong thời gian tới.

Do vậy, có ý kiến cho rằng, gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn, cho cả năm 2021, 2022, chứ không chỉ trong năm nay với tinh thần tiến công kinh tế trong khi phòng thủ dịch bệnh.

Theo TS. Võ Trí Thành, phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỷ đồng…

TS. Trần Du Lịch cho rằng, điều đáng sợ nhất hiện nay là dịch bệnh quay lại; đồng thời ông Trần Du Lịch nhìn nhận, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, cần đẩy mạnh hơn. Các gói chính sách phải mang tính dài hạn bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý III/2020 mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng.

Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Đức Thụ góp ý, cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho doanh nghiệp không thể chỉ làm trong 1 năm. Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của COVID-19, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn, không chỉ tái cơ cấu thị trường đầu vào, đầu tư mà cả lao động, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

TS. Trần Đình Thiên cho rằng, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Trong tình thế khó khăn này, cần tính tới các biện pháp xử lý nợ xấu. Nhất trí giải ngân đầu tư công phải ráo riết hơn, TS. Trần Đình Thiên đề nghị Chính phủ, Nhà nước phải là “người mua hàng lớn nhất” đối với các sản phẩm “made in Việt Nam”.

Một số thành viên kiến nghị, so với các nước thì gói hỗ trợ tài khóa của chúng ta là ít nhất, do đó cần tập trung vào gói này nhiều hơn, cũng như tăng quy mô các gói hỗ trợ, nhất là cho ngành hàng không. Kích cầu nội địa cũng nên hướng vào kích cầu du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Trách nhiệm hơn nữa trước Đảng, trước nhân dân

Phát biểu kết luận, ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng xu hướng các nước là tiếp tục thực hiện giải pháp kích thích kinh tế, cả về tài khóa và tiền tệ. Thủ tướng cũng lưu ý, nguy cơ tiếp theo là khủng hoảng nợ công, khủng hoảng hệ thống tài chính, tiền tệ và nợ xấu có thể xảy ra và nếu xảy ra thì cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục đẩy thế giới lún sâu vào suy thoái nặng nề hơn. Việt Nam là nước hội nhập quốc tế sâu rộng, Thủ tướng cho rằng cần lưu ý cảnh báo này trong điều hành cụ thể.

Thủ tướng: Không thể bàn trên bàn giấy mà phải sát thực tiễn

Theo Thủ tướng, chúng ta có cơ hội lớn trong phát triển, đó là sớm khống chế dịch bệnh, nền tảng vĩ mô ổn định, môi trường thuận lợi. Chúng ta quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, đưa nền kinh tế vượt lên, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội đi liền với phòng thủ dịch bệnh, Thủ tướng nêu rõ. “Hội đồng thống nhất quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành thời gian tới như sau: Cần có quyết sách mới, chủ động hơn nữa, tích cực, trách nhiệm hơn nữa trước Đảng, trước nhân dân. Điều đầu tiên là phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh trở lại. Đây coi là điều kiện tiên quyết”.

Cần điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để đạt 2 mục tiêu: Kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống; giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì niềm tin chỉ đạo điều hành.

Thủ tướng cho biết, sẵn sàng nhận các ý kiến, khuyến cáo của các chuyên gia, thành viên Hội đồng khi cần thiết để điều hành chính sách. Thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường quốc tế, thị trường trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời. Muốn vậy, phải có hệ thống phân tích, dự báo và năng lực chính sách tốt.

Về kịch bản tăng trưởng, lạm phát, với bối cảnh hiện nay, Hội đồng thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3-4%, Thủ tướng kết luận. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Kiên quyết không để mất niềm tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, đây là yếu tố quan trọng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng theo từng quý, kể cả lạm phát. Thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện và có đối sách đối với vấn đề cấp bách, phát sinh.

Không để mất thị trường quốc tế 

Thủ tướng cho biết, Hội đồng đề xuất Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị 11, Nghị quyết 42, Nghị quyết 84 của Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống của người dân. Đây là những biện pháp đúng, trúng nhưng chưa được triển khai đến nơi đến chốn.

Hai là, nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế, xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các ngành, lĩnh vực ngắn hạn, trung hạn trong đó có vấn đề tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và đời sống, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ theo phương châm chủ động, tích cực hỗ trợ tăng trưởng là rất quan trọng.

Mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4 % GDP để có thêm nguồn lực, chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết bảo vệ hệ thống doanh nghiệp, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.

Tiếp tục xem xét giảm lãi suất. Ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp.

Ngành tài chính tiếp tục xem xét giảm, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí.

Các bộ, các ngành, các địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung kích cầu nội địa, phát triển mạnh mẽ thị trường 100 triệu dân, đặc biệt không để mất thị trường quốc tế bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn, nhất là nghiên cứu những thị trường mới, đẩy mạnh thanh toán điện tử, kinh tế số…

“Đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong khu vực và quốc tế nhằm mục tiêu thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đặc biệt là không để đi sau thu hút nguồn dịch chuyển đầu tư khu vực quốc tế, đang có sự dịch chuyển lớn trên toàn cầu”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đề nghị, các ngành có liên quan phải lắng nghe, phải thường xuyên đối thoại, giải quyết các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh. 

“Các đồng chí đều đề nghị hoàn cảnh đặc biệt hiện nay đòi hỏi phải có những chính sách đặc biệt, nhất là đối với những lĩnh vực mới, xu hướng sản xuất kinh doanh mới, xu hướng tiêu dùng mới để có chính sách đặc thù phù hợp, không thể bàn trên bàn giấy mà phải sát thực tiễn, phản ánh được hơi thở, yêu cầu của nền kinh tế và của người dân và doanh nghiệp”, Thu tướng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Không thể bàn trên bàn giấy mà phải sát thực tiễn