Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế

Phương Nam| 02/10/2014 21:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh vừa họp đánh giá tình hình 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.

Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững

Trong bài viết nhân dịp năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững”. Tiếp đó Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng: Năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu hồi phục, đi lên sau những năm trầm lắng, giảm sút kể từ 2008, đây cũng là thời điểm, đúng hơn là đã đến “giới hạn” để chúng ta nhận diện đầy đủ hơn, chính xác hơn hạn chế, bất cập và nguyên nhân nội tại dẫn đến những hạn chế bất cập này. Quan trọng hơn, là những hành động kiên quyết và hiệu quả mà Chính phủ cần thực hiện cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế

Phiên họp Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn dàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2013-2014, đã xếp Việt Nam đứng hạng 70/148 quốc gia được xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh (NLCT), tăng 5 bậc so với năm trước, song vẫn ở mặt bằng thấp, chậm cải thiện và thua sút so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhận định: “Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại, xã hội có không ít vấn đề bức xúc”. GS.Kenichi Ohno, người đã có trên 20 năm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam cho rằng, “bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi, mà đã trở thành thực tế ở Việt Nam”.

Những phân tích và nhận định trên cho thấy, nâng cao năng lực cạnh tranh, đã trở thành nhiệm vụ “sống còn” đối với cả nền kinh tế và đối với mỗi doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Đổi mới tư duy về vai trò của Nhà nước

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, sau 6 tháng ban hành nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cơ quan này đã nhận được kế hoạch hành động của 12 Bộ và cơ quan. Trong đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư chịu trách nhiệm cải thiện 2 chỉ số gồm “khởi sự doanh nghiệp” và “Bảo vệ nhà đầu tư”. Khởi sự doanh nghiệp giảm còn 5 thủ tục (hiện nay là 10 thủ tục). Do đó, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam dự kiến tăng 50 thứ hạng từ vị trí 109 lên khoảng vị trí 60. Về chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đảm bảo nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông.

Trong thời gian tới, xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam dự kiến tăng lên vị trí 60 so với vị trí 157 hiện nay. Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch hành động, đặt mục tiêu đơn giản hóa, cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục hành chính nộp thuế, rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ theo yêu cầu của Nghị quyết; đơn giản hóa, cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu xuống còn 14 ngày và hàng nhập khẩu là 13 ngày. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan, địa phương chưa tích cực triển khai hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản và cấp thiết. Thứ  nhất, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế là nhân tố cơ bản, có tính bức thiết và là giải pháp đột phá không thể chậm trễ ở nước ta hiện nay. Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ: “Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại” và “Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”.

Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, điều kiện tiên quyết là phải đổi mới tư duy về vai trò của Nhà nước, từ “Nhà nước quản lý” sang “Nhà nước kiến tạo phát triển”, theo đó cần: Giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế, phát huy vai trò tích cực của cơ chế thị trường; Các DNNN cần trở về đúng chức năng “tiên phong”, “kiến tạo” và là “bà đỡ” trong nền kinh tế, không nên sử dụng DNNN như là công cụ can thiệp, điều tiết vĩ mô, vì điều đó sẽ vi phạm luật thị trường và phát sinh các hệ lụy ngoài ý muốn; Cần luật hóa và thể chế hóa việc quản lý, giám sát nợ công và đầu tư công, trên nguyên tắc minh bạch, hiệu quả và hội nhập các chuẩn mực quốc tế. Trước mắt việc hoàn thiện và ban hành Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư và Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phải tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp cải thiện được năng lực cạnh tranh; xác định rõ danh mục những công việc, nhiệm vụ mà Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải làm để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện những chỉ số có thứ hạng thấp theo xếp hạng quốc tế; gắn việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, địa phương, doanh nghiệp và từng sản phẩm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Trong thời gian tới cần có chính sách cải thiện năng suất lao động, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và có những chính sách khuyến khích để giúp cho các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới, cải thiện trình độ công nghệ để áp dụng đổi mới, sáng tạo trong doanh nghiệp. Đây là cách thiết thực để nâng cao năng suất lao động. Vấn đề giáo dục đào tạo cũng là vấn đề vô cùng quan trọng, nếu muốn nâng cao năng suất lao động mà không thay đổi hệ thống giáo dục đào tạo chú trọng hơn về các yêu cầu cụ thể trong xã hội thì không được.

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế