Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2014

Đỗ Huyền| 25/12/2014 20:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ Tài chính, vấn đề thu chi ngân sách năm qua đã được công bố, cũng như nêu rõ nhiệm vụ đặt ra cho năm tài chính 2015.

Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2014

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Năm 2014 thu ngân sách vượt dự toán

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015, Bộ Tài chính cho biết, thu NSNN tính đến ngày 22/12/2014 là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán, bằng 98,2% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội. Trong đó: thu nội địa đạt 105% dự toán, bằng 98,6% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 118,4% dự toán, bằng 94,3% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 104,5% dự toán, bằng 100,1% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội. Ước tính cả năm thu NSNN đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846,4 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.

Chi NSNN đảm bảo theo dự toán được giao. Trong điều hành, đã đảm bảo nguồn theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán được giao; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: khắc phục hậu quả thiệt hại do bão lũ, thiên tai, dịch bệnh gây ra; bổ sung kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh. Công tác huy động vốn được triển khai quyết liệt, nhờ đó đảm bảo nguồn bù đắp bội chi NSNN, đáp ứng nhu cầu cho đầu tư phát triển và các nhu cầu khác của NSNN. Khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành tăng 39%, kỳ hạn dài hơn.

Bên cạnh nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, Bộ Tài chính tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo khả năng trả nợ. Cụ thể, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Tình hình thực hiện vay, trả nợ năm 2013 và kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ năm 2014; hạn mức vay thương mại nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh năm 2014; Phê duyệt phương án tái cơ cấu nợ gốc trái phiếu quốc tế. Trên cơ sở đó đã tổ chức phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm, với lãi suất 4,8%/năm, thấp hơn khoảng 2%/năm so với mức lãi suất của các trái phiếu cũ.

Một số nhiệm vụ trọng tâm khác cũng đã được toàn ngành Tài chính tập trung thực hiện và phối hợp thực hiện trong năm 2014, đó là: Tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát; Tái cơ cấu nền kinh tế. Đảm bảo an sinh xã hội; Công tác xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính; Đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách.

Năm 2015, phục hồi kinh tế còn khó khăn

Năm 2015, ngành tài chính đặt mục tiêu hoàn thành dự toán thu cân đối NSNN là 911,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 18,9% GDP. Quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Dự toán chi NSNN năm 2015 được Quốc hội quyết định là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, tăng 140,1 nghìn tỷ đồng (13,9%) so dự toán năm 2014 (song chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tăng chi tối thiểu). Điều hành bội chi NSNN không quá 5% GDP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2015 có vị trí rất quan trọng, nhưng tình hình hiện nay cho thấy, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2015 còn rất khó khăn, nguy cơ suy giảm tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển là rất lớn do ảnh hưởng của các xung đột vũ trang và bất ổn chính trị. Giá cả hàng hoá thị trường thế giới biến động mạnh, đặc biệt là dầu thô và các mặt hàng năng lượng khác. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành chỉ tiêu của ngành tài chính năm 2015, Bộ trưởng nhấn mạnh ngành tài chính tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội và NSNN trên tinh thần tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2%, cao hơn năm 2014, tạo đà để tăng trưởng đạt mức cao hơn trong giai đoạn 2016-2020; yêu cầu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 5%, ổn định tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư.

Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2014

Thu thuế tại Hải quan

Các Bộ và địa phương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới theo đúng quy định, bảo đảm không thấp hơn so với dự toán được giao; phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô.

Công khai chi phí đi nước ngoài

Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, bên cạnh đó, công tác chi sẽ tiếp tục được quản lý chặt chẽ, triệt để tiết kiệm và đảm bảo chi đúng dự toán. Cùng với đó tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính hơn nữa trong năm 2015, gắn với việc công khai minh bạch các khoản chi NSNN. Ví dụ như: Hạn chế mua xe ôtô phục vụ chức danh riêng, các xe đặc chủng theo quy định. Đồng thời tiết kiệm triệt để các khoản chi hội nghị, hội thảo, lễ hội… đặc biệt là chi cho công tác nước ngoài.

Tới đây, Bộ sẽ công khai các khoản chi cho công tác nước ngoài của các ngành, các địa phương.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các thể chế và đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực mà ngành Tài chính đang quản lý như thuế, hải quan, kho bạc chứng khoán để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, về hải quan để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cùng với các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt chủ trương của Quốc hội, TW và Chính phủ là đẩy mạnh hơn nữa thể chế kinh tế thị trường, trong đó có vấn đề quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nếu đẩy mạnh thực hiện được giá theo cơ chế thị trường thì sẽ thu hút thêm được nguồn lực để cải cách tiền lương, để đầu tư, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh của các thành phần kinh tế tham gia vào sự nghiệp công.

Riêng nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính Bộ Tài chính đã rút ngắn 54% số giờ nộp thuế. Ước tính có khoảng 95% số doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế điện tử; đã thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử ở 18 địa phương.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2014