Góp ý Dự thảo Luật Báo chí: Xây đựng hành lang pháp lý để báo chí phát triển đúng hướng

Quốc Huy| 02/07/2015 22:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo Luật Báo chí đang trong quá trình góp ý để hoàn thiện. Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Báo do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 1/7 cũng đã đề cập đến nhiều nội dung mà bạn đọc, các cơ quan báo chí quan tâm.

Cần có chế tài để quản lý thông tin trên mạng xã hội

Về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, Điều 16 của Dự thảo Luật quy định: “Cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (cơ quan, tổ chức). Các tổ chức khác của Nhà nước do Chính phủ quy định”. Về vấn đề này hiện đang có hai luồng ý kiến khác nhau. Về vấn đề này, Bộ Thông tin & Truyền thông cho rằng, sự phát triển của lĩnh vực báo chí ngày càng nhanh đòi hỏi phải có những quy định điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thực tế, có một số Tổng Công ty Nhà nước đã có báo chí để phổ biến kinh nghiệm hoạt động, thành tựu khoa học, kỹ thuật. Một số Viện nghiên cứu dân lập cũng có nhu cầu xuất bản tạp chí khoa học, kỹ thuật… Vì vậy, Bộ Thông tin & Truyền thông đồng tình với dự thảo luật.

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay, với sự phát triển nhanh của báo chí thì loại hình báo chí tư nhân không nên là đối tượng nằm ngoài sự điều chỉnh của Luật này. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có một thực tế rất đáng quan tâm đang diễn ra hiện nay là ngày càng có nhiều cơ quan báo chí liên kết với tổ chức, cá nhân ra các ấn phẩm phụ của báo in, sản xuất các chương trình, kênh giải trí trên đài phát thanh, truyền hình. Điều 46 Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi đã thừa nhận sự liên kết này bằng quy định: “Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật sau khi được sự đồng ý của cơ quan chủ quản.” 

 GS. Nguyễn Minh Thuyết băn khoăn, hiện có hàng nghìn trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện… và một số lượng lớn blog cá nhân trên website rất khó kiểm soát. Nhiều trang tin điện tử, blog không chỉ đưa lên mạng những thông tin riêng của tổ chức, cá nhân sở hữu chúng mà còn cung cấp cho người đọc tin tức từ nhiều nguồn khác nhau và trình bày quan điểm riêng về nhiều vấn đề thời sự không khác gì một tờ báo điện tử. Tình hình này đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết trong hoạt động quản lý Nhà nước về thông tin và truyền thông. Đã đến lúc cần phải có những ứng xử thích hợp với loại hình thông tin này, GS. Thuyết nhấn mạnh.

Góp ý Dự thảo Luật Báo chí: Xây đựng hành lang pháp lý để báo chí phát triển đúng hướng

GS. Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại Hội thảo

Trong một cuộc hội thảo mới đây góp ý về Luật này do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức cũng đã có nhiều ý kiến lo ngại về “sự trỗi dậy lớn của báo chí công dân” hiện nay mà nếu không có luật riêng hoặc một chương riêng trong Luật Báo chí điều chính để quản lý là điều rất đáng lo ngại. Ông Nguyễn Thành Phong, Tổng Biên tập Báo Lao động xã hội cũng đề nghị cần luật hóa, đưa ra chế tài để quản lý thông tin trên mạng xã hội.

Luật đi theo quy hoạch là ngược

Điều 5 Dự thảo quy định về chức năng, nhiệm vụ của báo chí, có cụm từ “báo chí là diễn đàn của nhân dân”. Các ý kiến cho rằng cần bỏ quy định này vì rất khó hiểu, chỉ cần quy định “thực hiện quyền tự do ngôn luận, là phương tiện thông tin đại chúng” là đủ. Ông Nguyễn Minh Quang, Tổng Biên tập Báo Khoa học & Đời sống cho rằng, quy định tại Điều 19 về điều kiện hoạt động báo chí nêu hoạt động báo chí phải phù hợp với quy hoạch báo chí toàn quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là không phù hợp. “Quy hoạch báo chí phải đi theo Luật, chứ không phải luật đi theo quy hoạch”, ông Quang nhấn mạnh.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là xác định báo chí là doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp có thu để quy định trong Dự thảo Luật hiện nay?

 Các ý kiến cho rằng, không nên quy định loại hình hoạt động cơ quan báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, vì dễ dẫn đến xu hướng thương mại hóa, trong khi các cơ quan quản lý báo chí cũng đang tích cực chống xu hướng này.

Tổng Biên tập Báo Đời sống & Pháp luật Nguyễn Tiến Thanh cho rằng: Báo chí nên là đơn vị sự nghiệp có thu, bởi nếu quy định là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện thì cần gì đến cơ quan chủ quản, cứ góp vốn là thành lập nên tờ báo. Các ý kiến khác cũng đồng tình và cho rằng, cách tiếp cận hoạt động báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện là không hợp lý. Vì nhiều tờ báo, tạp chí không thể gọi là doanh nghiệp được vì chẳng có gì ngoài giấy phép hoạt động báo chí và không có ai đầu tư vốn.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và phát triển, chức năng của báo chí không chỉ là thông tin, bởi đằng sau thông tin là giáo dục, định hướng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Do vậy, không thể quy định báo chí hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện mà hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu.

Ngoài ra, các ý kiến cũng phân tích nên quy định chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Biên tập và chỉ một số cơ quan báo chí đặc thù có nhiều loại hình báo chí thì mới có chức danh Tổng Giám đốc. Vì, nếu có cả Tổng Giám đốc và Tổng Biên tập thì sẽ khó trong giao dịch, nên giữ quy định Tổng Biên tập vì đây là chức danh đặc trưng của nghề báo - nhiều đại biểu đề nghị.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Dự thảo Luật Báo chí: Xây đựng hành lang pháp lý để báo chí phát triển đúng hướng