Dự thảo Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi): Đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo

Quốc Huy| 12/03/2015 23:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 12/3, UBTVQH tiếp tục thảo luận và cho ý kiến vào Dự án BLTTDS (sửa đổi). Tham dự phiên họp còn có Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cùng đại diện nhiều bộ ngành có liên quan.

Chuẩn bị công phu

Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào đã trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Theo đó, thực tiễn 10 năm thi hành BLTTDS cho thấy nhiều quy định của Bộ luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các vụ việc dân sự. Chẳng hạn các quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án chưa hợp lý; quy định về chứng cứ, cung cấp chứng cứ và quyền tiếp cận chứng cứ, thủ tục xét xử sơ thẩm, phúc thẩm chưa đảm bảo tranh tụng trong xét xử; căn cứ, thẩm quyền kháng nghị trong thủ tục giám đốc thẩm chưa thực sự phù hợp.

Thẩm tra dự án Luật này, UBTP đánh giá dự án Luật chuẩn bị công phu, có nhiều quy định mới cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Về đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, UBTP tán thành với loại ý kiến thứ nhất như đã quy định trong dự thảo, đồng thời đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử... nâng cao tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, vì đây được coi là khâu đột phá trong cải cách tư pháp. Đối với quy định về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, UBTP đề nghị cân nhắc kỹ quy định này để đảm bảo phù hợp với các Luật về tổ chức vừa được ban hành. UBTP đề nghị cần thực thi cơ chế phân quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với Chánh án TANDTC.

Dự thảo Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi): Đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm phát biểu ý kiến (Ảnh: An Đăng - TTXVN)

 

Về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, đa số các ý kiến của UBTP tán thành với quy định trong dự thảo về việc mở rộng thẩm quyền của HĐXX giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Tuy nhiên, việc sửa bản án phải rất thận trọng, cần quy định chặt chẽ những trường hợp cụ thể như chứng cứ trong hồ sơ đã được thu thập đầy đủ, rõ ràng hoặc việc sửa bản án, quyết định đó không gây thiệt hại về tài sản, không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các bên đương sự...

Về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục kế thừa quy định hiện hành và dự thảo Luật đã thể hiện tại Điều 343 cho phép HĐTP TANDTC tự xem xét lại quyết định của mình. UBTP đồng tình và cho rằng, vấn đề này đã được Quốc hội khóa XII xem xét kỹ lưỡng khi thông qua BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011. Đây là cơ chế đặc biệt nhằm khắc phục thiếu sót, bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng dân sự đối với trường hợp qua giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cũng như giải quyết khiếu nại của TANDTC mà có căn cứ khẳng định Quyết định của HĐTP TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Việc quy định cơ chế này cho phép HĐTP TANDTC tự xem xét lại quyết định của mình, không trái với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND năm 2014, nhằm khắc phục những sai lầm, vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Qua tổng kết thực tiễn thi hành các quy định hiện hành thì cũng chưa phát sinh bất cập về quy định này.

Nên hay không có thủ tục phúc thẩm lần 2?

Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự là một trong những thủ tục được đánh giá khá quan trọng, TANDTC đề xuất hai phương án để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới. UBTP tán thành với việc bổ sung quy định thủ tục rút gọn vào dự thảo Luật. Thủ tục này được áp dụng ở cả giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án dân sự. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định thủ tục này ở giai đoạn sơ thẩm là chưa phù hợp. Mặt khác, dự thảo Luật cũng chưa làm rõ được sự khác biệt giữa thủ tục rút gọn và thủ tục thông thường cũng như các điều kiện áp dụng chưa bao quát hết các vụ án dân sự.

Thủ tục phúc thẩm lần 2 cũng là nội dung có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, quá trình xây dựng Luật có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định này để áp dụng giải quyết đối với trường hợp sau khi xét xử phúc thẩm mà đương sự vẫn tiếp tục kháng cáo hoặc VKS kháng nghị trong thời hạn theo quy định thì Tòa xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm lần 2. Bản án, quyết định phúc thẩm lần 2 chỉ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có sai lầm nghiêm trọng.

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, quy định này nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án dân sự nhanh chóng, liên tục, tránh trường hợp khiếu kiện kéo dài. Và đây cũng là vấn đề Tòa án đặt ra để xin ý kiến của Quốc hội.  Một số nước trên thế giới như Nhật Bản đã áp dụng thành công thủ tục này. Khi xét xử phúc thẩm rồi mà đương sự vẫn khiếu nại thì yêu cầu phải nộp án phí tiếp và trong thời gian nhất định (3 tháng) án chưa thi hành, Tòa mở phiên phúc thẩm lần 2 nhưng  ở cấp khác cao hơn và phiên tòa này quyết luôn nội dung, phúc thẩm nhưng cũng là chung thẩm và thi hành án luôn. Như vậy để cho vụ án có điểm dừng và không lặp đi lặp lại. Đó là chiến lược cần nghiên cứu nên Ban soạn thảo đã thể hiện quan điểm này để xin ý kiến Quốc hội.

Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý nhận định đây là một bộ luật lớn, với nhiều vấn đề mà vấn đề nào cũng quan trọng nên cần rà soát lại những gì vướng mắc để sửa cho phù hợp nhưng yêu cầu đầu tiên là sửa phù hợp với Hiến pháp. Những bất cập hiện nay QH cũng đã cho ý kiến nhiều lần, phải tập trung để sửa đổi, bổ sung.

Chủ nhiệm Ủy ban CVĐXH Trương Thị Mai đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật và đề nghị bổ sung thêm một số tranh chấp lao động vào dự thảo như tranh chấp cho thuê lao động; Các biện pháp khẩn cấp tạm thời nên bổ sung cấm xuất cảnh, vì nhiều trường hợp nợ BHXH, nợ lương, chủ DN bỏ trốn ra nước ngoài. Nên áp dụng thủ tục rút gọn ở cả hai giai đoạn phúc thẩm và sơ thẩm trong tranh chấp lao động.

Tại phiên họp, Chánh án Trương Hòa Bình cũng đã giải trình thêm một số nội dung liên quan và cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi): Đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo