Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” & tư tưởng lấy dân làm gốc

02/09/2012 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cách đây đúng 67 năm, ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Một câu nói không phải trong Tuyên ngôn nhưng đã làm xúc động toàn thể đồng bào nước Việt khi Bác dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Đó là biểu hiện sinh động tư tưởng lấy dân làm gốc của Bác.

1- Có một điều chắc chắn rằng, lãnh tụ của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới khi đọc những bài diễn văn quan trọng, và đặc biệt quan trọng khi phát đi cho toàn thế giới một thông điệp của dân tộc mình, đó là Tuyên ngôn độc lập, thì đều rất trịnh trọng, trong không khí trang nghiêm và không muốn bài diễn văn của mình bị ngắt quãng. Cái khoảng cách địa vị giữa lãnh tụ và người dân lúc ấy là rất lớn. Thế nhưng ở Việt Nam và cũng chỉ riêng có ở Việt Nam thì khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm một điều mà không có lãnh tụ nào trên thế giới từng làm. “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. 

 

“Có! Có…!”. Cả quảng trường tiếng hô vang dậy như sấm. Nhiều người vừa hô vừa khóc bởi không ngờ Bác lại giản dị và gần gũi đến thế. 

Nhưng nhìn nhận thấu đáo, đó cũng chỉ là thời khắc lịch sử để thấy rõ hơn quan điểm, tình cảm, tấm lòng của Bác với dân tộc, với nhân dân. Lúc sinh thời, gắn liền với chặng đường lịch sử của dân tộc, trong kháng chiến cũng như sau này khi lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện nhiệm vụ cách mạng, Bác Hồ luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến của dân và mong muốn làm cho dân hiểu. Theo Bác, có gần gũi nhân dân mới hiểu được dân, mới vận động được nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách nhằm đem lại ấm no hạnh phúc cho dân, mới giành được tất cả mục tiêu cho dân tộc. 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”  & tư tưởng lấy dân làm gốc

 

2- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu hiện trước hết của dân là gốc là phải tin ở dân, gần gũi dân, và biết dựa vào dân; phải có ý thức rõ “dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng”. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, muốn biến đường lối chủ trương của Đảng thành phong trào quần chúng, thành sức mạnh cách mạng thì Đảng phải có đường lối đúng đắn; cán bộ đảng viên “phải liên lạc mật thiết với dân chúng”. 

 

Người dạy phải thực hiện dân chủ với dân để phát huy tinh thần làm chủ của dân, và coi đây là cốt lõi của vấn đề lấy dân làm gốc. Đặc biệt Người nhấn mạnh: thiết thực nhất của việc bồi dưỡng “cái gốc” là phải thường xuyên chăm lo đời sống cho dân, chăm lo lợi ích chính đáng của dân. Người thường nhắc: chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm lo đời sống của dân: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi…”.

 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm dân là gốc được Người diễn đạt rất khái quát: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Đó cũng là cái “gốc” làm nên nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh, là xuất phát điểm của mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm lo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 

3-  Lấy dân làm gốc, nói cho cùng chính là phải xây dựng được một nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân. Đây cũng chính  là mối quan tâm hàng đầu của Bác. Theo lời Bác dạy, chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân đã một lần nữa được nhấn mạnh và đề ra tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh xác định: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa, và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một trong 8 phương hướng cơ bản để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.

 

Cương lĩnh cũng xác định rõ bản chất và các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đó là “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”; “Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”; “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”  & tư tưởng lấy dân làm gốc

Bác Hồ với nông dân

 

4- Cùng với coi trọng sức mạnh của nhân dân, phát huy dân chủ trong các tầng lớp xã hội, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, sự lãnh đạo của Đảng vẫn được coi là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta; trong đó công tác xây dựng Đảng luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đây là công việc rất khó khăn, phức tạp; chúng ta phải tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động, làm cho Đảng ta ngày càng tiến bộ, trưởng thành…”.

 

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Ðại hội XI cũng đã đề ra các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phải bảo đảm Nhà nước ta thật sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Muốn vậy Đảng phải trong sạch, vững mạnh, Chính phủ phải thực sự phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành. 

 

Để làm được điều đó, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một vấn đề cấp bách, và phê bình, tự phê bình đã và đang là cuộc sinh hoạt chính trị quan trọng trong các tổ chức Đảng, từ trung ương đến địa phương, các ban, bộ, ngành trong cả nước hiện nay.

 

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị, thiết nghĩ đây là một nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng hết sức vẻ vang trước lịch sử, dân tộc và thời đại. Đó cũng chính là mục tiêu tập trung nhất của nhiệm vụ xây dựng Đảng, là nhiệm vụ then chốt của Đảng cũng như sự đòi hỏi cấp bách của dân tộc, của đất nước trong tình hình hiện nay.

 

Nhật Minh

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” & tư tưởng lấy dân làm gốc