Thảo luận về cải cách chính sách tiền lương: Lương phải phù hợp với năng lực, tránh cào bằng

Trọng Bằng| 10/05/2018 10:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chế độ đãi ngộ đối với từng cán bộ công chức, từng địa bàn phải phù hợp và đáp ứng được lao động, năng lực của người lao động, tránh tình trạng cào bằng giữa các thành phố, các vùng miền, là ý kiến đạt được sự đồng thuận cao của các đại biểu.

Thảo luận về cải cách chính sách tiền lương: Lương phải phù hợp với năng lực, tránh cào bằng

Đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại thảo luận

Tiếp tục chương trình làm việc Hội nghị lần thứ 7, chiều 9/5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thảo luận Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.

15 Ủy viên Trung ương phát biểu ý kiến, trao đổi thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao về những nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đề ra nhằm thực hiện triệt để, toàn diện chính sách tiền lương, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề nguồn lực để thực hiện Đề án.

Tìm nguồn lực cho cải cách tiền lương

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã chỉ ra nhiều hệ lụy từ bất cập trong chính sách tiền lương, đặc biệt là lương khu vực công thấp, không khuyến khích được người lao động, không thu hút được nhân tài vào làm việc tại khu vực này.

Một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung phân tích làm rõ là với những mục tiêu to lớn mà Đề án nêu ra, thì phải chuẩn bị được nguồn lực.

Đồng chí Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu ý kiến: Vấn đề tăng năng suất lao động, mấu chốt nhất hiện nay từ Nghị quyết Trung 3 khóa XI là tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược. Nếu thực hiện thành công Nghị quyết này sẽ đưa nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nâng lên mức độ “khá”. Bên cạnh đó là thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế hoạt động của khối đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đồng chí Bế Xuân Trường, đây là sẽ nguồn lực chính để thực hiện thành công cải cách tiền lương.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng chia sẻ quan điểm trên: “Muốn có nguồn cải cách tiền lương phải đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa. Sự chia sẻ của xã hội đối với khu vực dịch vụ công sẽ giảm bớt cho chúng ta gánh nặng phải chi ngân sách cải cách tiền lương. Dùng cơ chế nhất định sẽ hiệu quả. Đây là điểm nếu tập trung làm mạnh sẽ có nguồn quan trọng để chúng ta cải cách tiền lương”.

Đồng chí Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị việc cải cách kinh tế, cải cách thu chi ngân sách tạo nguồn cho cải cách tiền lương là việc phải làm ngay.

“Phải có quyết tâm chính trị cao, đặc biệt đối với đề án này, quyết tâm chính trị không chỉ đặt vào thực hiện cải cách tiền lương mà quyết tâm chính trị cao hơn cần đặt vào các Nghị quyết Trung ương 6 đã ban hành và Nghị quyết liên quan đến tinh giản bộ máy, xác định vị trí việc làm. Do đó, việc thực hiện các chủ trương, chính sách khác sẽ có tính chất quyết định đối với thành công của đề án cải cách tiền lương. Thứ hai, Đề án cải cách phải tuân thủ quy luật thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khu vực công cải cách gắn với hiệu quả làm việc và trong khu vực doanh nghiệp gắn với điều chỉnh cải thiện hợp lý năng suất lao động. Như vậy, nguyên tắc thị trường cũng nên coi là nguyên tắc quan trọng cải cách tiền lương”, đồng chí Bùi Nhật Quang nói.

Lương phải phù hợp với năng lực, tránh cào bằng

Đại biểu Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Quân chủng Hải quân bày tỏ đề án là mong muốn của lực lượng vũ trang, công chức, viên chức. Đánh giá cao đề án được chuẩn bị chu đáo, khoa học, kết cấu phù hợp, đánh giá khách quan, tổng quát, xuyên suốt những kết quả đạt được, không tô hồng.

Đại biểu cho rằng chính sách tiền lượng hiện còn nhiều tồn tại. Đó là: Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, chưa tạo động lực để tăng hiệu quả làm việc, tính năng động, sáng tạo của người lao động. Trong lực lượng vũ trang, đa số cán bộ chiến sỹ công tác xa nhà, đời sống khó khăn. Lương phụ cấp rất phức tạp, đa ngành đa nghề, rất nhiều phụ cấp chưa tương xứng với trách nhiệm, quân hàm. Khối doanh nghiệp, tiền lương chưa gắn với năng suất lao động, kết quả lao động, người lao động trực tiếp lương thấp...

Nhất trí cao với quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Đề án, đại biểu Phạm Hoài Nam cho rằng, trong quá trình thực hiện cần lưu ý: Điều kiện về thu nhập và chi tiêu của cán bộ ở mỗi vùng miền rất khác nhau, phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, vùng miền. Chế độ đãi ngộ đối với từng cán bộ công chức, từng địa bàn phải phù hợp và đáp ứng được lao động, năng lực của người lao động, tránh tình trạng cào bằng giữa các thành phố, các vùng miền.

Bảng lương ưu tiên cho công chức, viên chức, chuyên gia có trình độ cao; công chức viên chức chuyên gia giỏi lương sẽ cao hơn lãnh đạo quản lý. Điều này cần phải làm tốt công tác tư tưởng và xác định thay đổi tâm lý lãnh đạo là lương luôn luôn cao hơn mọi người. Đi đôi với cải cách chính sách tiền lương, cần có chính sách tương ứng với người có công, người nghèo và người hưu trí trước năm 2021. Tiếp tục đảm bảo phụ cấp đặc biệt cho lực lượng quân đội, công an, cho khu vực Trường Sa, DK1, biên giới ...

Đại biểu Ngô Đông Hải nêu 3 vấn đề còn băn khoăn, cần làm rõ thêm để hoàn thiện Đề án: Làm thế nào để các quan điểm tư tưởng cải cách tiền lương lần này đi vào thực tiễn, phát huy được hiệu quả, làm sao xây dựng được hệ thống tiền lương hiện đại, phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước; tiền lương trở thành nguồn thu nhập chính, cơ bản bảo đảm được cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động... Làm thế nào để việc chi trả lương phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, hiệu quả công tác của mỗi vị trí việc làm và tiền lương trở thành động lực để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, tạo cơ sở để cải cách hệ thống công vụ hiện đại.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế của chính sách tiền lương thời gian qua, đại biểu cho rằng chủ yếu là do không thực hiện được triệt để việc đưa các chi phí vào lương. Chính vì thế, lương vừa không xác đáng, vừa bình quân, cào bằng. Đồng thời do nguồn lực có hạn, nên trong thực tế tiền lương dù đã được điều chỉnh rất nhiều lần, nhưng cho đến nay lương vẫn thấp, không theo kịp mặt bằng thị trường; phát sinh quá nhiều phụ cấp và thu nhập ngoài lương, đặc biệt là việc ban hành, quyết định các phụ cấp, các loại thu nhập tăng thêm không theo nguyên tắc nào, dẫn đến rất nhiều phụ cấp đặc thù, làm méo mó quan hệ tiền lương và mất đi vai trò, ý nghĩa của tiền lương nói chung, nhất là tiền lương lúc này không còn là thu nhập chính, không còn vai trò là động lực của cán bộ, công chức.

Quá trình cải cách tiền lương ban đầu đặt ra là gắn với cải cách công vụ, nhưng sau đó cải cách tiền lương chủ yếu để làm sao bù được trượt giá, phần nào nâng đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, chính vì thế một lần nữa làm mất đi ý nghĩa của cải cách tiền lương. Tiền lương của khu vực hành chính thấp hơn nhiều các khu vực kinh tế khác nên là một phần chia cắt thị trường lao động, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh về lao động, việc làm giữa các khu vực. Đặc biệt là khu vực công mất đi sự thu hút đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.

Không để vì lương mà chạy đua chức vụ

Cũng theo đại biểu Phạm Hoài Nam: “Sự phát triển không đồng đều giữa miền núi, đồng bằng, miền Bắc-Trung-Nam, thành thị và nông thôn khiến chi tiêu của cán bộ công chức khác nhau. Có những thành phố lớn, một công chức phục vụ hơn 1 vạn dân. Ở những tỉnh, thành phố nhỏ hơn thì một công chức phục vụ vài trăm dân hoặc hơn 1.000 dân. Vì vậy, chính sách đãi ngộ đối với từng công chức, từng địa bàn phải phù hợp, đáp ứng năng lực lao động của cán bộ bỏ ra, tránh tình trạng cào bằng các tỉnh, thành phố, vùng miền. Nếu không, một lần nữa chúng ta kéo lùi chính sách tiền lương”.

Một số đại biểu khác cũng bày tỏ băn khoăn trước việc phân tách riêng bảng lương chức vụ với bảng lương chuyên môn nghiệp vụ có dẫn đến tình trạng cán bộ công chức không tập trung phấn đấu về công vụ, chức nghiệp mà chỉ tập trung cuộc đua vào các chức vụ.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải,việc tách riêng bảng lương chức vụ nhằm thực hiện nguyên tắc thứ bậc là thỏa đáng với người có trách nhiệm, chức vụ. Tuy nhiên cũng cần có giải pháp để không làm phát sinh cuộc chạy đua:

Thứ nhất, “Phải gắn phân định bảng lương vào việc xem xét đề bạt cán bộ với việc thực hiện đề án khác như ‘Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ’, làm thế nào để chặt chẽ, có chất lượng, đúng người đúng việc.

Thứ hai, thực hiện đầy đủ các chế độ đãi ngộ với cán bộ công chức để cán bộ công chức yên tâm phấn đấu theo chức nghiệp.

Thứ ba, quan tâm đến bảng lương chuyên gia với mức lương thỏa đáng để cán bộ công chức bên cạnh phấn đấu theo ngạch bậc có thể phấn đấu theo chức nghiệp suốt đời không phải chạy đua theo chức vụ”.

Để không tạo áp lực lớn lên cân đối ngân sách nhà nước

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá những nội dung cải cách được thể hiện trong Đề án đã cụ thể hóa quan điểm tiền lương là thu nhập chính của người lao động gắn với năng suất lao động, chất lượng lao động, đảm bảo minh bạch, công bằng, trao quyền và trách nhiệm nhiều hơn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chi trả bảng lương, thưởng theo kết quả lao động. Nhất trí cao với các nhiệm vụ giải pháp cần thực hiện để đạt được các mục tiêu xác định trong Đề án, Bộ trưởng đánh giá đây là những giải pháp đột phá tiên quyết, quyết định mức độ và lộ trình cải cách tiền lương, cùng với việc sửa đổi hoàn thiện các chính sách về thu ngân sách theo hướng mở rộng cơ sở thuế bao quát nguồn thu mới, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức.

Bộ trưởng cho biết trong các phương án tính toán cân đối nguồn lực thực hiện chính sách tiền lương, Bộ thể hiện tinh thần quyết tâm phấn đấu cao, tích cực và đặc biệt là gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII; thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nợ công đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị.

Với quyết tâm chính trị cao trong việc cải cách chính sách tiền lương, Bộ trưởng cho biết đã kiến nghị hàng năm dành nguồn thu, tăng thu cao hơn giai đoạn trước đối với cả nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để cải cách tiền lương như trong Đề án đã nêu.

Trường hợp thực hiện đúng các mục tiêu về cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 26% tổng chi ngân sách, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, bội chi ngân sách năm 2020 dưới 3,5% GDP; các năm sau giữ và giảm dần; tùy khả năng nguồn lực tối đa dành để điều chỉnh tiền lương tăng thêm trong các năm đầu năm 2021, 2022 khoảng 35-40 nghìn tỷ đồng.

Tuy đã tính toán nguồn lực cải cách tiền lương với tinh thần tích cực nhất như trên nhưng so với nhu cầu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo dự thảo Đề án vẫn còn có khoảng cách. Bộ trưởng cho biết có thể phải có những điều chỉnh tăng cân đối ngân sách nhà nước.

Cụ thể: Trường hợp mở rộng quan hệ tiền lương như phương án 1 của Đề án, từ 1-2,34-10 lên 1-2,68-12 đồng thời với điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất đạt 4 triệu 140 nghìn đồng/tháng từ năm 2021, tăng 27,5% thì nhu cầu nguồn lực trong hai năm 2021-2022 khoảng 140 nghìn tỷ đồng; trong đó năm 2021 khoảng 80 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Khi đó, để đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển không giảm so với giai đoạn 2016-2020, tức là khoảng 26% tổng chi ngân sách nhà nước thì bội chi ngân sách nhà nước năm 2021-2022 sẽ ở mức 4-4,1% GDP, trong khi năm 2020 chúng ta đang phấn đấu dự kiến bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,4% GDP theo Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như theo Nghị quyết 25 của Quốc hội.

Trong trường hợp giải ngân vốn vay ODA giai đoạn 2016-2020 vượt kế hoạch khoảng 2,4- 2,5% GDP thì nợ công lúc đó khoảng 64,5% GDP, sát ngưỡng trần nợ công Quốc hội cho phép.

Trường hợp mở rộng quan hệ tiền lương theo phương án hai của Đề án, tức là từ 1-2,34-10 lên 1-3-15 đồng thời với điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất đạt 4 triệu 140 ngàn đồng/ tháng từ năm 2021, thì nhu cầu nguồn lực cho hai năm 2021 và 2022 khoảng gần 210 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2021 khoảng 115 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 95 nghìn tỷ đồng.

Cùng với việc tập trung dành nguồn để cải cách tiền lương như trên đồng thời duy trì tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 26% tổng chi ngân sách nhà nước thì bội chi ngân sách nhà nước năm 2021-2022 sẽ khoảng từ 4,7-5,1% GDP; trong trường hợp này, giải ngân vốn ODA giai đoạn 2016- 2020 vượt kế hoạch như trên thì rủi ro nợ công vượt trần 65% ngay từ năm 2021. Như vậy, nếu ngay từ năm 2021 thực hiện đồng thời cả việc điều chỉnh tiền lương thấp nhất lên 4 triệu 140 ngàn đồng/người/tháng và kết hợp điều chỉnh quan hệ tiền lương thì mức tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện sớm hơn, lúc này sẽ tăng bình quân lên 26-42% so với năm 2020 nhưng có khả năng sẽ tạo áp lực lớn lên cân đối ngân sách nhà nước và khả năng phải chấp nhận bội chi ngân sách, nợ công những năm đầu ở mức cao.

Do vậy, để xử lý cả yêu cầu cải cách tiền lương và cân đối ngân sách nhà nước, Bộ trưởng đề nghị có thể nghiên cứu thêm phương án chưa thực hiện đồng thời điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất và quan hệ tiền lương trong cùng một năm, tức là có thể điều chỉnh tiền lương thấp nhất trong năm đầu nhưng quan hệ tiền lương thì tính toán tùy vào khả năng thực tế của năm 2021. Tức là năm 2021 điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất đạt 4 triệu 140 nghìn đồng/người/tháng, đồng thời tích lũy thêm nguồn để mở rộng thực hiện quan hệ tiền lương vào các năm sau.

Bộ trưởng nêu quan điểm nhất trí với dự thảo Nghị quyết, trong đó chỉ nêu những định hướng cơ bản mà không ghi cụ thể lộ trình thực hiện như đã thể hiện tại điểm c khoản 3.1 mục II dự thảo Nghị quyết là: Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiếp cận với quan hệ tiền lương của khu vực thị trường, phù hợp với nguồn lực của nhà nước”.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết qua các phương tiện thông tin đại chúng, đoàn viên, người lao động đang sát sao theo dõi và hết sức phấn khởi, kỳ vọng nhiều vào các quyết sách quan trọng của Đảng đối với vấn đề tiền lương và bảo hiểm xã hội tại Hội nghị này. Đại biểu đánh giá các giải pháp đề ra trong Đề án thực sự mang tính đột phá, hướng tới những giá trị tiến bộ và công bằng trong phân phối thành quả lao động, chắc chắn sẽ được tuyệt đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đón nhận và đồng tình.

Theo đại biểu Bùi Văn Cường, Đề án xác định “Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp” là quan điểm mới, tiến bộ. Nhưng cần phải quy định cụ thể hơn trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động, trong việc thỏa thuận thống nhất với người sử dụng lao động về mức lương cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận về cải cách chính sách tiền lương: Lương phải phù hợp với năng lực, tránh cào bằng