Quốc hội thảo luận dự thảo BLTTDS (sửa đổi): Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự

Mai Thoa| 27/10/2015 00:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo BLTTDS (sửa đổi) ngày 26/10, đa số các ý kiến ĐBQH đều đồng tình với quy định, Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép Tòa áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do Bộ luật này quy định.

Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) cho rằng, đây là nội dung rất mới, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, đảm bảo công dân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ lẽ phải và các lợi ích chính đáng của mình. Tòa án phải nhận đơn, thụ lý vụ việc, tiến hành giải quyết những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà pháp luật chưa thể dự liệu, không để người dân tự xử lý, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Hơn nữa, quy định này sẽ khuyến khích các Thẩm phán nâng cao khả năng vận dụng sáng tạo pháp luật, bám sát yêu cầu của xã hội, không máy móc, rập khuôn để tránh vụ việc tranh chấp kéo dài trong nội bộ nhân dân.

Còn ĐB Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) thì phân tích, thực tế cho thấy, các mối quan hệ kinh tế - xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng, do đó sẽ có thời điểm tạo ra “khoảng trống” về pháp luật, pháp luật chưa theo kịp để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh. Lúc này, trách nhiệm phải thuộc về Nhà nước, không thể đẩy trách nhiệm về phía nhân dân để nói rằng “vì chưa có điều luật áp dụng nên từ chối yêu cầu giải quyết” vụ việc dân sự”.

Quốc hội thảo luận dự thảo BLTTDS (sửa đổi): Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu

ĐBQH Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng: Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do Bộ luật này quy định.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nhằm đề phòng xu hướng đương sự lạm dụng quy định này để khởi kiện ra Tòa, dự thảo Bộ luật cần quy định chặt chẽ quyền khởi kiện phải đi đôi với nghĩa vụ chứng minh, nhất là phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình thì Tòa án mới xem xét, thụ lý. Đồng thời, luật cần xây dựng chế tài vật chất kèm theo để buộc đương sự phải chịu án phí trong trường hợp Tòa bác đơn kiện.

Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án

Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến tán thành với quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử.

UBTVQH nhận thấy, BLTTDS hiện hành không quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện quy định này đã gặp khó khăn, vướng mắc. Vì thực tiễn có những vụ việc mà các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án; việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, nhưng Hội đồng xét xử giám đốc thẩm vẫn phải hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án để giao về cho Tòa án cấp dưới xét xử lại, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án không cần thiết, không bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Vì vậy, dự thảo được chỉnh lý theo hướng quy định chặt chẽ về điều kiện để Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để tránh việc lạm dụng. Đa số ĐBQH đồng tình với quy định này.

Về quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) đề nghị chỉnh lý theo hướng, khi xem xét lại quyết định của mình, Hội đồng Thẩm phán TANDTC chỉ kết luận tính hợp pháp của quyết định đó, xác định trách nhiệm bồi thường cũng như quyền yêu cầu bồi thường của đương sự theo quy định của Luật Bồi thường Nhà nước, trừ trường hợp quyết định có hiệu lực pháp luật đã được xem xét chưa được thi hành thì Hội đồng Thẩm phán có quyền sửa quyết định của mình để tránh thiệt hại cho đương sự.

Liên quan đến quy định về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu bay, tàu biển trong dự thảo Bộ luật, đa số ý kiến đề nghị không quy định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với việc khởi kiện vụ án dân sự, vì đây là loại việc mới, rất phức tạp, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật tố tụng dân sự.

Theo ĐB Nguyễn Thành Bộ, việc áp dụng thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển nói riêng và việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với việc khởi kiện vụ án dân sự nói chung là thủ tục tố tụng tài phán được thực hiện không gắn liền với việc khởi kiện hoặc được thực hiện trước khi khởi kiện vụ án dân sự. Do đó, nếu Tòa án có áp dụng quy trình thủ tục này thì cũng không thuộc quy trình tố tụng dân sự nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của BLTTDS… Bên cạnh đó, nếu chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện sẽ có tác động tiêu cực rất lớn cho người bị yêu cầu áp dụng. Do đó, để hạn chế việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thì trình tự, thủ tục cần áp dụng phải hết sức chặt chẽ, cụ thể.

Trước đó, UBTVQH cũng đề nghị: Trong dự thảo Bộ luật chỉ nên quy định về thẩm quyền của TAND giải quyết yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển, biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án dân sự hoặc bảo đảm thi hành án; thủ tục giải quyết việc dân sự liên quan đến việc bắt giữ tàu bay, tàu biển. Còn thủ tục cụ thể sẽ được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận dự thảo BLTTDS (sửa đổi): Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự