Quốc hội thảo luận Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Ngọc Mai| 25/05/2020 06:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (25/5), Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của 2 dự án Luật. Trong đó, có Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Quốc hội thảo luận Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Sáng nay (25/5), Quốc hội họp trực tuyến tại hội trường, nghe: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. 

Sau đó Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. 

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 29 Điều quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC. Luật này không điều chỉnh và không loại trừ các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, các Thẩm phán và Nhân dân thì Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ tạo cơ chế pháp lý mới, hiệu quả về hòa giải, đối thoại để tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Khi hòa giải, đối thoại không thành thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc theo thủ tục TTDS, TTHC.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do TANDTC xây dựng đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, là giải pháp hữu hiệu và ưu việt của chế định hòa giải, đối thoại; bảo đảm hiệu lực thi hành thỏa thuận giữa các bên bằng quyền lực của Nhà nước; tạo niềm tin, động lực cho các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án. 

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV,  cho ý kiến và đã được chỉnh lý, hoàn thiện. Dự thảo Luật cũng đã tiếp tực được thẩm tra, xem xét cho ý kiến tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Gần đây nhất tại Phiên họp lần thứ 41, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 4 vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Kết thúc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện dự án Luật này, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9.

Dự thảo Luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phù hợp với các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Nghị quyết này.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) và Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật; cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tiếp tục tập trung vào công tác xây dựng pháp luật

Tuần này, bước sang tuần làm việc trực tuyến thứ 2 của Kỳ họp thứ 9, ngoài 2 dự án Luật trên, Quốc hội sẽ nghe trình dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận, cho ý kiến các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, nhiều nội dung quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét trong tuần làm việc. Quốc hội sẽ dành cả ngày 27/5 để thảo luận trực tuyến Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên họp quan trọng này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Nhiều nội dung quan trọng được tiến hành hiệu quả với hình thức họp chưa có tiền lệ

Trước đó, chính thức khai mạc từ ngày 20/5, Quốc hội đã trải qua 4 ngày làm việc vừa qua của Kỳ họp thứ 9. Với hình thức họp trực tuyến từ đầu cầu Nhà Quốc hội tới 63 điểm cầu của các đoàn ĐBQH ở các tỉnh, thành phố. Đây là lần đầu tiên kỳ họp Quốc hội trực tuyến diễn ra liên tục nhiều ngày. 

Măc dù là họp dưới hình thức trực tuyến, song  số lượng đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến từ các đầu cầu Đoàn ĐBQH ở các tỉnh, thành phố, không khí tranh luận tại các phiên thảo luận về các dự án luật sôi nổi không kém các phiên họp trực tiếp tại Nhà Quốc hôi.

Ngay trong phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày. Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn, giảm các loại thuế để giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ ngay những khó khăn trước mắt và phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh;

Xem xét các mục tiêu tăng trưởng, chi tiêu ngân sách để có giải pháp điều chỉnh, thúc đẩy nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định của nền kinh tế, xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020 nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…

Cũng trong 4 ngày làm việc của tuần đầu tiên, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) để sớm hiện thực hóa các cam kết, lợi ích của hai hiệp định này, thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam - EU, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh, từ đó, hồi phục và bật lên nhanh hơn sau đại dịch.

Liên quan công tác lập pháp, Quốc hội cũng đã thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Trong tuần, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là kiểm soát quyền lực của chính quyền đô thị theo mô hình thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận và cấp phường. Các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng khác với mô hình ở Hà Nội như thế nào để khi tổng kết, thí điểm chọn ra nhiều mô hình phù hợp, hiệu quả.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án