Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2016), PV đã có cuộc trao đổi với TS. Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh vấn đề đạo đức người làm báo hiện nay.
PV: Thưa ông, ở vị trí cơ quan quản lý nghiệp vụ báo chí, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí, nhà báo hiện nay?
TS. Trần Bá Dung: Trong thời đại truyền thông lan tỏa đến mọi nơi, mọi lúc như hiện nay thì vai trò của báo chí lại càng quan trọng. Báo chí thông tin muôn mặt đời sống đến mọi người dân, thực sự là sức mạnh tri thức, sức mạnh của công luận. Báo chí phản ánh mọi hoạt động của xã hội ngày càng đầy đủ, cập nhật toàn diện, phong phú, đa dạng, nhiều chiều.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; tích cực tham gia và kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, lãng phí và sự suy thoái đạo đức, lối sống... góp phần vào việc bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật; nâng cao vai trò của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Báo chí cũng thật sự là diễn đàn, là tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân, là “tai mắt” của Đảng, Nhà nước trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Đó chính là sứ mệnh thiêng liêng, cao cả. Báo chí cũng có vai trò quan trọng trong việc phản biện xã hội, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền. Nhà báo dù hoạt động trong lĩnh vực nào cũng cần phải có khả năng đưa tin một cách cởi mở, công bằng và cân bằng.
Nhà báo Trần Bá Dung và Thuyền trưởng HQ996 trong một lần đi Trường Sa
PV: Hiện nay đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại hình báo chí với nhau; giữa báo chí với các trang mạng xã hội... trong khi nhiều cơ quan báo chí đánh giá bài báo qua lượng truy cập… Ở góc độ cơ quan quản lý nghiệp vụ báo chí, ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
TS. Trần Bá Dung: Mỗi cơ quan báo chí có cách quản lý phóng viên riêng, có tiêu chí đánh giá năng lực riêng đối với cán bộ, phóng viên. Đó là quyền của Tổng Biên tập. Tuy nhiên, hiện nay do sức ép của cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí với nhau và giữa báo chí với các trang mạng xã hội... nên nảy sinh nhiều vấn đề về đánh giá hiệu quả công việc của phóng viên. Việc đánh giá bài báo qua lượng truy cập… nhìn từ góc độ cơ quan làm nghiệp vụ báo chí, tôi cho rằng không sai, nhưng không nên lấy đó làm tiêu chí duy nhất hoặc hàng đầu, nên coi đó là tiêu chí tham khảo thôi. Vì trên thực tế có những bài báo có chất lượng tốt về tính chính trị, tính định hướng dư luận xã hội (nguyên tắc hàng đầu của báo chí cách mạng), được đầu tư công sức, trí tuệ để hoàn thiện, nhưng đưa lên báo mạng lại có số lượt người truy cập thấp hơn nhiều so với một mẩu tin ngắn đưa tin về vụ tai nạn hoặc thậm chí tin một vụ án tình ở phố huyện. Nếu lấy số lượng truy cập để đánh giá năng lực của phóng viên thì sẽ rất không hợp lý.
PV: Kinh tế của mỗi cơ quan báo chí phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như lượng truy cập lớn để thu hút quảng cáo, phát hành… đặt nhà báo phải chạy theo những thông tin giật gân, câu khách. Như vậy có gì mâu thuẫn với chức năng nhiệm vụ của nhà báo hay không, thưa ông?
TS. Trần Bá Dung: Như tôi đã nói ở trên, sức ép cạnh tranh thông tin là có thật mà các cơ quan báo chí, các nhà báo phải đối mặt hàng giờ, hàng ngày. Khổ nhất vẫn là các nhà báo chạy tin. Tuy nhiên, nếu áp đặt nhà báo phải chạy theo những thông tin giật gân, câu khách để “câu view”, thu hút quảng cáo, phát hành... sẽ là “con dao hai lưỡi”. Có thể được những cái được nhất thời cho cơ quan báo chí đó, nhưng có thể hậu họa khôn lường. Bởi tin giật gân, câu khách thường là tin chưa được kiểm chứng, chưa được sàng lọc, thẩm định, độ xác thực thấp, thậm chí là tin bịa đặt, xuyên tạc. Cách đưa tin như thế này là con đường ngắn nhất có thể dẫn nhà báo, toà báo tới hầu Toà. Và như vậy, đương nhiên là không đúng với chức năng, nhiệm vụ của nhà báo là thông tin trung thực, khách quan và phải đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân khi đưa tin, viết bài.
PV: Qua một số vụ việc thời gian gần đây cho thấy, nhà báo nhiều khi viết không sai nhưng nhiều khi nếu không khéo (hoặc không biết) sẽ bị rơi vào vòng xoáy của các thế lực có mục đích xấu, cố tình triệt hạ lẫn nhau lợi dụng. Vậy làm thế nào để nhà báo có được những thông tin “sạch”, an toàn, không a dua?
TS. Trần Bá Dung: Đúng như vậy. Nhiều khi viết không sai nhưng do non yếu nghiệp vụ báo chí vẫn có thể bị lợi dụng, bị sai phạm. Nhà báo có thể vô tình vi phạm pháp luật bởi những chi tiết, sự việc, nhân vật, lập luận của mình. Thực tế đã có những trường hợp này.
Để có được những thông tin “sạch”, an toàn, trước hết nhà báo cần có đạo đức nghề nghiệp trong sáng trong tác nghiệp, không vụ lợi, không chạy theo thị hiếu tầm thường, không vì mục đích đạt nhiều truy cập mà bất chấp sự thật... Mặt khác, bản thân nhà báo phải tự nâng cao trình độ nghiệp vụ, hiểu biết quy trình thu thập và xử lí thông tin, hiểu biết và thực thi nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, nhất là Luật Báo chí, các quy định đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam. Đồng thời, nâng cao trình độ mọi mặt, bản lĩnh chính trị và phông văn hoá đủ để nhận biết, sàng lọc thông tin có ích cho xã hội.
Tôi cho rằng, Nhà báo viết, chiến đấu, bảo vệ một cái gì đó phải chính trực, xuất phát từ cái tâm và vì lợi ích chung của xã hội, chứ không thể trên ý kiến của cá nhân mình hoặc vì lợi ích của một nhóm người nào đó.
PV: Được biết, hiện nay Hội nhà báo đang triển khai chương trình góp ý kiến xây dựng và thực hiện Quy định đạo đức người làm báo ở Việt Nam, vậy điều ông quan tâm nhất ở đây là vấn đề gì?
TS. Trần Bá Dung: Luật Báo chí 2016 được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 1999, trong đó có 32 điều mới, 29 sửa đổi, bổ sung. Trong đó có các nội dung cần chú ý như: Quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; về đối tượng thành lập cơ quan báo chí; quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin và quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí và của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo; quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí, quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí…
Điều mà tôi quan tâm hiện nay đó là Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Sau 11 năm thực hiện, nhiều nội dung đã không còn phù hợp với hoạt động báo chí và Luật Báo chí 2016, với thực tiễn và pháp luật hiện hành nói chung, vì vậy cần có sự điều chỉnh.
Vậy nên, từ 1/6/2016, các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, Liên chi hội, chi hội trực thuộc Trung ương, các cụm thi đua tổ chức triển khai quán triệt Luật Báo chí 2016 và lấy ý kiến tham gia sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam phù hợp với luật pháp và các điều kiện nói chung. Sau khi hoàn thiện quy định này, hy vọng quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo sẽ khả thi hơn trên thực tế, đặc biệt là những vấn đề nảy sinh trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo mà luật không thể chế tài đầy đủ nhưng nếu hành xử là vi phạm đạo đức người làm báo.
Đạo đức là vần đề cốt lõi, văn hóa của người làm báo, sống còn của người làm báo, bởi báo chí có tác động xã hội rất lớn. Vì vậy, người làm báo phải nêu cao được đạo đức nghề nghiệp, cũng là thực hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Bảo đảm thông tin cho nhân dân vừa đáp ứng nhu cầu thời sự về cuộc sống, vừa phải hướng tới những giá trị nhân văn.
PV: Xin cảm ơn ông!