Người dân ra đường đông, Hà Nội lo lắng các giải pháp chống dịch sẽ "vỡ trận"

Trọng Bằng| 09/04/2020 18:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước tình trạng người dân thủ đô đổ ra đường trong 2 ngày gần đây, lãnh đạo Hà Nội lo lắng những nỗ lực phòng chống dịch thời gian qua sẽ bị vô hiệu, thậm chí sẽ phải trả giá và nhận bài học “vỡ trận” như một số nước.

Người dân ra đường đông, Hà Nội lo lắng các giải pháp chống dịch sẽ

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý báo cáo tại điểm cầu Hà Nội

Chiều 9/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý chủ trì.

Không ít người lơ là, chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm quy định

Báo cáo về tính hình thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong một vài ngày gần đây còn không ít người dân lơ là, chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm quy định. Tại một số khu vực, cộng đồng dân cư vẫn còn hiện tượng tập trung đông người và đi lại không cần thiết. 

Trước tình hình này, ngày 8/4, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức họp đột xuất với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn để đưa ra giải pháp chấn chỉnh, trong đó yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gắn với xử lý vi phạm nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến việc người dân chủ quan, thiếu tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, cùng ngày, trao đổi trên tờ Zing, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ ông rất lo khi thấy người dân thủ đô đổ ra đường trong 2 ngày gần đây.

“Người dân ra đường đông như thế này, có lẽ các giải pháp chống dịch sẽ vỡ trận thôi, vì chắc chắn trong cộng đồng còn có những ca nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, biểu hiện gì mà vẫn có thể lây cho người khác”, người đứng đầu chính quyền thành phố nêu quan điểm.

CHủ tịch Hà Nội đề cập bài học từ Singapore, vì không kiên quyết thực hiện nên số ca nhiễm đang tăng vọt, mỗi ngày hàng trăm ca nhiễm. Vì thế, quốc gia này đã phải ra lệnh thiết quân luật, đến nỗi trong một gia đình có 3-4 người trở lên cũng không được gặp nhau. Theo ông Chung, phải làm triệt để như vậy mới giải quyết được nguy cơ lây lan.

“Tình hình Hà Nội bây giờ rất đáng lo. Người dân chủ quan quá. Những ngày qua Trung ương và thành phố đã nỗ lực rất nhiều để đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng nếu không thực hiện nghiêm, triệt để các giải pháp này từ đầu đến cuối, chúng ta sẽ thất bại”, ông Chung chia sẻ.

Theo ông, cơ bản thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm, song thực tế vẫn còn ca bệnh chưa tìm được nguồn lây, như ca bệnh 237 người Thụy Điển. Dù chỉ là 1 người, nhưng với tính chất loại virus này lây lan theo cấp lũy thừa, thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn rất lớn.

Chủ tịch UBND Thành phố nhắc đến cảnh báo của nhiều chuyên gia trên thế giới, rằng chỉ cần 10% dân số không chấp hành các giải pháp chống dịch thì coi như kế hoạch của quốc gia bị phá vỡ.

Đặc biệt, ở Hà Nội, thống kê cho thấy có đến 1,7 triệu người già trên 60 tuổi và 2,2 triệu trẻ em từ cấp 1 đến cấp 3, nên lãnh đạo thành phố rất lo lắng về nguy cơ lây nhiễm. Và theo thực tế chứng minh, những ca nhiễm bệnh không có triệu chứng thường có thời gian ủ bệnh rất dài.

Chủ tịch Hà Nội cho rầng, nếu người dân tiếp tục chủ quan, đổ ra đường đông như hiện tại, chúng ta sẽ phải trả giá và nhận bài học “vỡ trận” như một số nước. “Nếu ta chủ quan mà không chuẩn bị thì ta sẽ phải đón nhận thất bại tiếp theo”, ông Chung dẫn quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới.

3 ổ dịch có nguy cơ lây lan cao trong cộng đồng tại Hà Nội

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, tính đến 12h ngày 9/4, Hà Nội có 102 ca nhiễm Covid-19, trong đó 43 trường hợp đã khỏi bệnh; 59 trường hợp khác đang được điều trị. Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 30 ổ dịch phân bố tại 25 xã, phường thuộc 14 quận, huyện; trong đó 3 điểm đã được xác định kết thúc ổ dịch. 27 ổ dịch còn lại tiếp tục được triển khai nhiều giải pháp khoanh vùng, khử khuẩn, cách ly theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại ổ dịch Bạch Mai, thành phố Hà Nội đã thực hiện rà soát 25.900 trường hợp liên quan; 17.188 trường hợp đã hoàn thành xét nghiệm, trong đó có 8.410 trường hợp cho kết quả âm tính, 5 trường hợp dương tính. Các trường hợp còn lại sẽ được thực hiện các biện pháp cần thiết trong tuần này nhằm khoanh vùng, cách ly, xử lý, không để lây lan trong cộng đồng.

Về ổ dịch liên quan đến bệnh nhân 237 (bệnh nhân người Thụy Điển), Hà Nội đã tổ chức điều tra, xét nghiệm, cách ly 118 trường hợp tiếp xúc gần (F1); tổ chức cách ly tại nhà 257 trường hợp tiếp xúc của tiếp xúc ( F2) và thực hiện công tác phòng, chống dịch tại 4 bệnh viện, 1 khách sạn liên quan đến ca bệnh này.

Với ổ dịch liên quan đến bệnh nhân 243, thành phố đã thiết lập khu cách ly y tế tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh gồm 11 xóm liền kề với 2.711 hộ, 11.077 nhân khẩu đến hết ngày 5-5, theo đúng quy định. Công tác phun khử khuẩn toàn bộ thôn Hạ Lôi cũng đã được hoàn thành vào tối 8/4.

Thành phố Hà Nội cũng tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung tại các khu tập trung, bao gồm 1.264 người từ nước ngoài về và 483 người tiếp xúc gần  cũng như thực hiện cách ly tại nhà 3.551 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc, bảo đảm quy trình, thời hạn theo quy định. Về việc xây dựng bệnh viện dã chiến của địa phương theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội liên tục có những chỉ đạo sát sao để triển khai nhiệm vụ đúng yêu cầu, tiến độ.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân ra đường đông, Hà Nội lo lắng các giải pháp chống dịch sẽ "vỡ trận"