Ngành đường sắt cần đổi mới để nâng sức cạnh tranh

M.Thoa| 14/08/2017 18:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 14/8, thông qua Tổ công tác của Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tổng công ty Đường sắt báo cáo, làm rõ 6 vấn đề được cả nước quan tâm, với yêu cầu cần thực sự đổi mới, thay đổi căn bản ngành vận tải trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ 6 nhiệm vụ

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì đã kiểm tra Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, buổi kiểm tra nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao Tổng công ty và việc thực hiện. Đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để có hướng giải quyết hoặc biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh.

Quy mô ngành đường sắt hiện nay với trên 3.000km đường sắt đi qua 34 địa phương, trong thời gian qua, ngành đường sắt có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tến - xã hội. Trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty đã đạt nhiều thành tựu, như doanh thu trên 3.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên mới đạt 45,1% kế hoạch năm.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tính từ đầu năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng đã giao cho Tổng công ty 57 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 56 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty báo cáo toàn bộ các giải pháp bảo đảm vấn đề tăng trưởng, thực hiện Chỉ thị 24 của Thủ tướng; báo cáo, làm rõ 6 vấn đề được cả nước quan tâm.

Ngành đường sắt cần đổi mới để nâng sức cạnh tranh

Tổ công tác của Thủ tướng tại buổi làm việc với ngành đường sắt

Đó là: Tình hình sản xuất kinh doanh và công tác quản trị. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 đạt hơn 6.500 tỷ đồng, tuy nhiên so với 2015 giảm 12%. Trong thời điểm hiện nay, có thể nói với hành khách, đường sắt kém hấp dẫn, kém cạnh tranh so với các ngành khác, từ chất lượng, an toàn, thị phần giảm dần qua các năm. Chúng ta có hạ tầng đầu tư từ Bắc tới Nam nhưng rất lâu đời, các vấn đề khổ đường sắt, chất lượng hạ tầng, toa xe… còn ít được quan tâm. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty tính toán để nâng sức cạnh tranh, Bộ trưởng cho hay.

Tiếp đến là Thủ tướng nhắc nhở vấn đề an toàn đường sắt, chất lượng lao động, ý thức trách nhiệm của người lao động. Đặc biệt, hiện nay người dân rất lo ngại tình hình tai nạn giao thông đường sắt, tuy có giảm so với năm 2016 nhưng các vụ việc xảy ra gần đầy liên quan đến an toàn tàu chạy, gây hư hỏng toa xe, kết cấu hạ tầng gây thiệt hại về người…vẫn diễn biến phức tạp. Như vụ tai nạn tại ga Yên Viên, Hà Nội mới đây và sự cố điều hành 2 đoàn tàu vào cùng một đường ở ga Suối Vận (Bình Thuận) tuy không gây thiệt hại lớn nhưng cho thấy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, người lao động còn hạn chế.

Vấn đề thứ ba là việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác, triển khai xã hội hóa các dịch vụ hạ tầng. Bộ trưởng cho biết: Trước buổi làm việc này, Chủ tịch Tổng công ty, ông Vũ Anh Minh có đề cập đến vấn đề đáng mừng hiện nay là đang kêu gọi các nhà đầu tư vào các kho bãi, phương tiện bốc xếp, kết nối các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển… Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công nghệ điều hành, hiện còn sử dụng thủ công quá nhiều.

Yêu cầu thứ tư của Thủ tướng là cần phải quan tâm đẩy mạnh khai thác hạ tầng hiện có. Trong điều kiện khó khăn về vốn đầu tư, cần có giải pháp duy trì an toàn, tập trung khai thác tối đa năng lực trên từng tuyến cụ thể. Cùng với đó là tổ chức, quản lý và thực hiện các dự án nâng cấp cải tạo các đường ngang, nhất là việc phối hợp với địa phương xây dựng các đường gom. Cuối cùng là vấn đề cổ phần hóa. Tổ công tác cho biết, Tổng công ty đã làm khá sớm nhưng việc thoái vốn đến nay chưa đạt yêu cầu.

Cũng tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác lưu ý 2 nhiệm vụ liên quan tới Bộ Giao thông vận tải. Cụ thể, cần rà soát lại, báo cáo việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt từ 7.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Thứ hai, tại phiên họp Chính phủ tháng 3 vừa qua, từ kiến nghị của Tổ công tác, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát các đường ngang, lối đi dân sinh để kịp thời xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn, tổ chức cánh báo, cảnh giới kịp thời, Bộ cần báo cáo lại kết quả.

Vẫn còn nhiều lợi thế lớn

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, ngành đường sắt nên đặt vấn đề chuyển sang cơ chế để phát triển kinh tế hiệu quả, nên cần phải liên kết với các cảng. Hiện vận chuyển container tương đối hiệu quả giữa đường bộ, cảng biển, còn đường sắt thì đang “bỏ trống”.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà bày tỏ trăn trở trước tình trạng đường bộ, hàng không phát triển mạnh nhưng đường sắt vẫn lạc hậu, bị thu hẹp do nội bộ ngành không có cạnh tranh, không ai tác động đến mình, không có yếu tố thị trường, còn tinh thần độc quyền. Nếu không được làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam thì phải có đoạn ngắn, nhất là những khu vực thành phố lớn, trung tâm đi các nơi thu hút khách đi tàu như TP Hồ Chí Minh đi Mũi Né, Nha Trang chẳng hạn. “Cần phải đầu tư hạ tầng thì mới phát triển được, còn không sẽ khó cạnh tranh”. Ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Lạc quan hơn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu vấn đề, mặc dù hàng không và đường bộ phát triển rất mạnh nhưng đường sắt vẫn còn dư địa và lợi thế rất lớn. Với công nghệ đường sắt như hiện nay, thì triển vọng của ngành không có gì đáng lo ngại cả, quan trọng là chúng ta tái cấu trúc, đổi mới để phát huy các lợi thế, thu hút đầu tư. Tức là bài toán của ngành đường sắt là làm sao tạo ra tiền chứ không phải tiền đâu để làm, ông Lộc nhấn mạnh.

Giải trình với Tổ Công tác, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng nêu thực trạng hiện nay kết cấu hạ tầng đường sắt rất lạc hậu, tốc độ bảo trì cũng rất chậm. "Theo tốc độ bảo trì hiện nay thì phải mất 70 năm nữa mới quay hết một vòng bảo trì. Nhưng nếu đến 70 năm nữa thì không biết sản phẩm còn lại gì? Rồi khi ấy sẽ có những hạng mục bị hỏng nặng hơn thì tính thế nào?" - ông Minh băn khoăn.

Theo ông, đường sắt vẫn là nền kinh tế xương sống của ngành GTVT nên Tổng công ty quyết tâm giữ những ưu điểm của đường sắt như vận tải khối lượng lớn, tính an toàn, chỉ số đúng giờ cao, các ga đường sắt tạo điều kiện cho dân đi lại... Bên cạnh đó, khắc phục những nhược điểm như tốc độ di chuyển còn chậm, chất lượng dịch vụ kém. "Khi các phương thức khác đã tiệm cận nhu cầu của dân thì đường sắt vẫn rất lạc hậu, hạ tầng và thiết bị cũng như vậy" - ông Minh nhận định.

Ông cũng cho rằng, hành khách bỏ đường sắt đi không phải vì giá vé mà vì chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chất lượng vệ sinh của đường sắt còn thấp. Lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt cũng khẳng định sẽ khắc phục tất cả nhược điểm đã nêu, đồng thời đưa ra các giải pháp như bán vé sớm, bán vé linh hoạt, đa hình thức... Còn về an toàn đường sắt, ông Minh cho biết Tổng Công ty đã có báo cáo, đề xuất với Chính phủ gói nâng cấp hàng trăm đường giao cắt với đường sắt. Bởi thực tế có những điểm dù có còi, có biển báo nhưng lái xe vẫn cố cho vượt đường sắt, gây tai nạn, và đường sắt cũng phải chịu không ít thiệt hại.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, Tổng Công ty làm tốt 6 vấn đề Thủ tướng đặt ra. Đặc biệt quan tâm đến năng lực quản trị điều hành, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, ý thức kỷ luật, kỷ cương. Bộ trưởng cũng đề nghị, để tháo gỡ khó khăn, Tổng Công ty phải đề xuất cơ chế, mạnh dạn tạo ra cơ chế để thu hút đầu tư, tránh độc quyền. Ngành đường sắt cần chủ động làm việc với các địa phương để hạn chế tai nạn giao thông, xử lý đường ngang…bằng những giải pháp cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành đường sắt cần đổi mới để nâng sức cạnh tranh