Tại lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, năm 2020, Việt Nam phải cán mốc xuất khẩu đạt 300 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Chiều tối 30/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD.
Chúc mừng sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả này có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh thương mại toàn cầu năm nay ở mức thấp nhất trong 10 năm (chỉ tăng 1,2%), xung đột thương mại xảy ra giữa các nước. Trong tình hình đó, các bộ, các cấp, các ngành đã đồng tâm hiệp lực tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho sản xuất hàng xuất khẩu, trong đó có vai trò đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam.
Không để tình trạng khan hiếm hàng hóa, đẩy giá lên
Chúng ta đã gỡ các thể chế liên quan, Thủ tướng nêu rõ. Nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, đưa ra các giải pháp, tháo gỡ cụ thể những vướng mắc, như Một cửa ASEAN, thông quan điện tử hay cấp xuất xứ C/O mẫu D điện tử hay bảo đảm tín dụng cho các mặt hàng xuất khẩu. Nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn tham gia xuất khẩu. Số liệu cho thấy, chúng ta đã tăng xuất nhập khẩu 170 lần so với thời điểm Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới (năm 1986), tăng 37 lần thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN, tăng 5 lần thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO (năm 2007) và năm 2019, với mốc 517 tỷ USD xuất nhập khẩu, trong vòng 8 năm, chúng ta tăng kim ngạch trên 2,5 lần. Nhờ đó, xếp hạng xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh.
Chỉ ra các bài học kinh nghiệm về xuất nhập khẩu, Thủ tướng cho rằng, việc nghiên cứu, đề xuất chính sách về công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi. Đã đàm phán, ký kết 14 FTA, trong đó Hiệp định CPTPP đang phát huy tác dụng lớn. Thủ tướng đánh giá cao công tác phối hợp của các bộ vào chỉ đạo sản xuất, như với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á…
Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo. Chúng ta đã tham gia một bước vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tỉ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng chủ lực duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số như máy tính, sản phẩm gỗ, giày dép…
Chúng ta đã tăng quy mô một số mặt hàng xuất khẩu tỉ trọng lớn, năm 2019 có 32 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD chiếm tỉ trọng gần 93% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. “Như vậy có thể nói nếu như quy mô số mặt hàng lớn mà đẩy lên được thì tổng kim ngạch xuất khẩu rất lớn”, Thủ tướng nêu rõ.
Xúc tiến thương mại và hội nhập đã đem lại nhiều lợi ích phát triển ngoại thương Việt Nam. Các thị trường quan trọng đều có sản phẩm của Việt Nam và bước đầu chúng ta đã tận dụng các cam kết quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường.
Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước cũng như phục vụ gia công xuất khẩu đều tăng. Thủ tướng đánh giá cao công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu; cảm ơn các doanh nghiệp, tập đoàn đã tham gia xuất khẩu. “Cho nên chúng ta không thiếu bất cứ mặt hàng gì, không để tình trạng khan hiếm hàng hóa, đẩy giá lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cần đẩy mạnh xuất khẩu “tại chỗ”
Nhân dịp này, Thủ tướng nêu ra một số yêu cầu, trước hết là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn. Thủ tướng giao Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về vấn đề này, mục tiêu là năm 2020 phấn đấu cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
Các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phối hợp hợp tác, chia sẻ cùng có lợi, cùng kinh doanh với các doanh nghiệp FDI. Tiếp tục công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng Việt Nam, tránh kiện tụng về hợp đồng xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống giả mạo xuất xứ, nguồn gốc để bảo vệ những nhà xuất khẩu chân chính.
Phải tăng hiệu quả của sản xuất, trong đó phải chế biến sâu để nâng cao giá trị. Phải giảm chi phí logistic, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để phục vụ hiệu quả cho xuất nhập. Bên cạnh xuất khẩu trực tiếp, cần đẩy mạnh xuất khẩu “tại chỗ” – phát triển ngành du lịch, câu hỏi đặt ra là các Sở Du lịch phải xem khách quốc tế đến Việt Nam sẽ mua sản phẩm gì.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) của Việt Nam đã đạt 3.995 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm từ năm 2015 đến năm 2019, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 2.106 tỷ USD, cao hơn xuất nhập khẩu của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000-2014). Bước vào năm đầu tiên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. Sau 6 năm (năm 2007), tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bốn năm sau (năm 2011), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Trong thời gian 4 năm tiếp theo (năm 2015), xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD. Chỉ 2 năm sau đó (vào giữa tháng 12/2017), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD. Trong nửa cuối tháng 12/2019, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỷ USD. Năm 2006 Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và xếp thứ 44 về nhập khẩu. Đến năm 2018, Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu). Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, đỉnh điểm lên tới 18,02 tỷ USD trong năm 2008. Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đổi chiều, thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD). Kết thúc năm 2018, xuất siêu hàng hóa của nước ta đã đạt 6,83 tỷ USD. Trong 11 tháng từ đầu năm 2019, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới 10,94 tỷ USD. Trước đây, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 với tốc độ tăng vượt trội, Hàn Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản, vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 3 của Việt Nam. |