“Mổ xẻ” những điểm yếu cần tháo gỡ của nền kinh tế

Quốc Huy| 04/11/2015 08:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lãng phí tài nguyên đất đai, chất xám đang ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế; Việt Nam phải làm gì khi gia nhập TPP... là những nội dung mà cả ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm nhiều trong 2 ngày QH thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (2 và 3/11).

Chúng ta đang lãng phí tài nguyên, chất xám

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đa số các đại biểu cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và tình hình chính trị diễn biến phức tạp nhưng với chủ trương kịp thời của Đảng và sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015 và dự kiến có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế tăng 6,5%, cao nhất so với các năm của Kế hoạch 5 năm, chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp; công tác xây dựng pháp luật được đẩy mạnh, tiếp tục triển khai Hiến pháp 2013 và bảo đảm chương trình xây dựng pháp luật đề ra.

Tuy nhiên, các ĐB cũng chỉ ra những yếu kém trong nền kinh tế, cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương.

ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng: Qua các báo cáo của Chính phủ cho thấy, chất lượng tăng trưởng kinh tế của ta còn thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc, thiếu tính ổn định. Phải chăng, do chúng ta duy trì khá lâu mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư? Nhất là đầu tư công, lao động rẻ nhưng trình độ kỹ thuật thấp, khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô. Bên cạnh đó, số lao động thất nghiệp còn cao, nhất là lao động có trình độ đại học, cao đẳng không có việc làm đang có xu hướng gia tăng. Cơ cấu lao động còn chưa đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đó là một sự lãng phí lớn cho nền kinh tế.

Còn theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), về lĩnh vực công nghiệp, cần phân tích, làm rõ tại sao nền công nghiệp nước ta qua rất nhiều năm chưa tạo được tính chủ động trong nền kinh tế, chủ yếu vẫn là lắp ráp, gia công. Vì vậy, cần đẩy mạnh trên thực tế những giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tập trung phát triển công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm tỷ trọng khai thác, đẩy mạnh đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp chế biến, nhất là các ngành công nghiệp chế biến công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa.

“Mổ xẻ” những điểm yếu cần tháo gỡ của nền kinh tế

Đại biểu Lê Thị Yến

ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) lại đề cập đến một góc độ khác làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, đó là việc quản lý, khai thác sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản của đất nước ta hiện nay còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao.

Nhiều ĐB cũng đồng tình với nhận định trên và đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành khi xây dựng kế hoạch khai thác phải đảm bảo sử dụng có hiệu quả, khai thác phải tiết kiệm cho con cháu sau này. Vì đất đai, tài nguyên không thể tái tạo được, nếu khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời siết chặt việc cấp phép khai thác và phải giao trách nhiệm cho các địa phương có kế hoạch giám sát, hậu kiểm tốt đất đai, tài nguyên khoáng sản bởi tài nguyên của đất nước là “của để dành” cho các thế hệ mai sau.

Không thể để tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực

Một nội dung nữa được nhiều ĐB quan tâm là cách ứng xử như thế nào khi chúng ta gia nhập TPP - Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương vừa hoàn tất đàm phán.

Đề cập đến các vấn đề cần làm khi chúng ta gia nhập TPP hiện nay, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) nhớ lại, chín năm trước, khi Việt Nam gia nhập WTO, có người nghĩ sau khi gia nhập WTO thì kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 8 - 9% trong 10 năm liên tiếp. Việt Nam có thể sớm "hóa rồng" nhưng thực tế lại khác, những tác động bất lợi bên ngoài và yếu kém bên trong đã nhiều phen làm chúng ta “lao đao”. Sau khi gia nhập WTO, có những khoảng trống lớn về thể chế pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung. Có những lĩnh vực trước đó tưởng là thế mạnh như sản xuất nông nghiệp nhưng cũng gặp không ít thăng trầm, phải nghe mãi điệp khúc "được mùa rớt giá, được giá mất mùa"; con tôm, cá tra bị nước ngoài áp đặt các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật bất bình đẳng…

“Hội nhập, đàm phán hàng loạt các hiệp định tự do vẫn chỉ như là việc của riêng Chính phủ chứ không phải việc của doanh nghiệp, người dân và phần lớn là bộ máy công chức. Thật bất ngờ, doanh nghiệp - đội quân được coi là tiên phong trong hội nhập thì một điều tra gần đây cho thấy, có đến 76% doanh nghiệp không biết về cộng đồng kinh tế ASEAN và 60% được hỏi cho rằng điều đó không ảnh hưởng gì đến mình”, ông Tâm nói.

Để hội nhập thành công, chúng ta đồng thời phải có cả thể chế và con người hội nhập. Về mặt thể chế, Quốc hội và Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt. Các cam kết TPP buộc chúng ta phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật hơn nữa. Song, quy định của pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi các lệ làng, thói quen, sự quan liêu, cửa quyền, thờ ơ và vô cảm của cán bộ.

Để thành công trong TPP, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Việt Nam hiện nay chính là đột phá vào con người, chỉ có vậy chúng ta mới vượt qua được khó khăn trong giai đoạn hội nhập này. Đó là việc “phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy”.

ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cũng nhận định, cán bộ trước hết là người sẽ nhận lấy trách nhiệm để phục vụ vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Vì vậy, nhiệm kỳ sắp tới cần lựa chọn những ĐB có đủ tiêu chuẩn, năng lực để giám sát sự điều hành của Chính phủ và UBND các cấp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mổ xẻ” những điểm yếu cần tháo gỡ của nền kinh tế