Việc UBTVQH rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 9 đã khiến không ít đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt là thời hạn nào dự án luật này sẽ được tiến hành sửa đổi.
Như tin đã đưa tại phiên họp sáng nay (22/5), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa ra khỏi chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng.
“Nếu kịp thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Đất đai là vấn đề quan trọng, dù nhạy cảm, khó khăn vẫn phải triển khai sớm
Thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình, một số đại biểu Quốc hội nhất trí với quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã về việc đưa ra khỏi Chương trình đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) phát biểu
Đồng ý với việc đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình kỳ họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cho rằng, không nên rút dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào phút cuối. Bởi thực tế ứng phó với đại dịch Covid -19 vừa qua, quan điểm, nhận thức của người dân về khám, chữa bệnh đã có nhiều thay đổi nên luật pháp cũng cần điều chỉnh kịp thời để đáp ứng được sự thay đổi này. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, vừa qua, khi triển khai một số biện pháp mới để khám bệnh, chữa bệnh đã gặp nhiều vướng mắc về pháp lý nên cần sớm sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Ở chiều ngược lại không ít đại biểu Quốc hội bày tỏ không đồng tình về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào chương trình, cho ý kiến chậm nhất năm 2021 theo hướng giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổng kết đánh giá làm cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đất đai chứ không phải một số điều để khắc phục vướng mắc, phù hợp thực tiễn.
“Vấn đề đất đai luôn được cử tri đặc biệt quan tâm, nhiều lần kiến nghị Quốc hội hoàn thiện luật. Việc giải quyết đơn thư tố cáo liên quan đất đai chiếm tỷ lệ rất cao, nếu chậm xem xét sửa đổi bổ sung thì ảnh hưởng đến điều hành, quản lý thúc đẩy kinh tế xã hội và giữ vững trật an toàn xã hội”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị.
Đồng thời, đại biểu Xuân cũng nêu quan điểm cần bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020 để giúp bộ ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó là làm rõ trách nhiệm, báo cáo rõ nguyên nhân của việc chậm trễ, xem xét năng lực cơ quan có trách nhiệm để báo cáo cử tri.
Thảo luận về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng, cần chấm dứt tình trạng xin lùi, xin rút các dự án Luật, trong đó có Luật Đất đai.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, điển hình như việc xin rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 9. Bởi lẽ, vấn đề đất đai đang là một vấn đề “nóng” được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Vấn đề quản lý đất đai trong thời gian qua còn nhiều bất cập, yếu kém. Phần lớn khiếu nại trong xã hội có nguyên nhân xuất phát từ các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai.
Luật Đất đai hiện hành còn một số quy định chung chung, chưa rõ ràng dẫn đến khó hiểu, khó áp dụng. Cử tri, nhân dân cả nước đều mong mỏi có bộ luật về đất đai đầy đủ, rõ ràng để việc chấp hành pháp luật các quy định này được thực hiện nghiêm minh.
Cũng góp ý vào nội dung này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhấn mạnh nguyên tắc lập Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra là ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các điều ước quốc tế mới được Quốc hội phê chuẩn, các luật mới được Quốc hội ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế
“Mặc dù nguyên tắc đưa ra như vậy nhưng khi đưa vào và rút ra một số dự án luật lại không đúng tinh thần này. Ví dụ Luật Đất đai, tại kỳ họp trước, đại biểu nhất trí phải đưa vào chương trình vì nó rất quan trọng. Phần lớn tranh chấp, xung đột do đất đai, doanh nghiệp nguy khốn mà người dân cũng vô cùng vất vả về đất đai”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.
Đồng tình với các ý kiến trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, chúng ta “sống trên đất, chết vùi trong đất”. Do đó dự án Luật Đất đai là rất quan trọng, dù nhạy cảm, khó khăn vẫn phải triển khai sớm.
“Cần định hình xem khi nào Quốc hội sửa Luật Đất đai"
Ở một góc độ khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa ra khỏi chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: “Nếu nói luật không vướng thì vì sao trước đây Quốc hội bấm nút thông qua Chương trình xây dựng luật, trong đó có sửa Luật Đất đai? Phải chăng việc đưa sửa luật này vào chương trình là không cần thiết, thiếu chính xác? Nói như vậy nghe khó hiểu!”.
Nữ đại biểu khẳng định, bà đồng ý rút dự án luật này chỉ vì sự chuẩn bị chưa đảm bảo để trình Quốc hội chứ không phải không cần thiết sửa luật.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, quy hoạch, xây dựng và đất đai là những dự án luật cần đồng bộ với nhau để tránh chồng chéo. Trong khi đó Luật Quy hoạch đã được sửa, Luật Xây dựng đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này thì việc đặt vấn đề sửa Luật đất đai cần triển khai sớm để tránh bất cập trên thực tế.
“Tôi băn khoăn, cần định hình xem khi nào Quốc hội sửa Luật Đất đai chứ không phải nói thời điểm thích hợp. Khi nào là thích hợp thì cần đặt ra yêu cầu với Chính phủ để có sự tập trung”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu quan điểm và cho rằng, cần nhìn nhận có trách nhiệm, trước đây bấm nút thông qua chương trình thì giờ bấm nút đưa ra khỏi chương trình cũng phải có lý lẽ thuyết phục.
Cũng băn khoăn về mặt thời gian đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho biết, ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 82 yêu cầu hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
“Tôi rất đồng tình với nhiều đại biểu rằng làm sao sớm hoàn chỉnh Luật Đất đai. Nếu chờ hết năm 2021 thì quá lâu, nên tôi nghĩ Quốc hội có thể ban hành Nghị quyết để điều chỉnh ngay những vướng mắc. Bởi trong triển khai cũng có khó khăn, khiếu kiện của dân cũng vướng; từ giải phóng mặt bằng đến sửa chữa nhà cũng liên quan. Do đó sớm có quy định hoặc nghị quyết điều chỉnh ngay bức xúc”, vị đại biểu đoàn TPHCM đề nghị.
Chính phủ cũng đã “nâng lên đặt xuống” Phát biểu để cung cấp thêm một số thông tin, đại biểu Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Luật Đất đai năm 2013 được ban hành sau khi tổng kết, thông qua tại 3 kỳ họp, làm hết sức cẩn thận, chặt chẽ nên muốn sửa cũng phải xem xét cẩn trọng. “Đề nghị nên để rút và nhiệm kỳ sau giao Chính phủ tổng kết toàn diện, kết hợp Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc khoá XIII, lúc đó sửa toàn diện dự án luật này”, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nêu quan điểm. Đại biểu này cũng cho biết, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Ủy ban Kinh tế có theo dõi và thấy rằng, nhiều nội dung không phải vướng từ luật mà từ triển khai thực hiện. Do đó phải rà soát, phân định rõ cái nào vướng trong luật và cái nào trong thực tế để xử lý. “Xin báo cáo thêm hiện Bộ Chính trị có Kết luận 36 về một số nội dung cần xử lý trong dự án Luật Đất đai như tập trung tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hoá. Đề nghị Chính phủ giao bộ ngành liên quan triển khai kết luận này”, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến bức xúc và phê bình của các đại biểu Quốc hội Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, đây là một luật hết sức khó, trên thực tế Chính phủ cũng đã “nâng lên đặt xuống” ít nhất 2 lần. Hai lần xin đưa vào rồi xin rút ra, sau đó đề xuất sẽ có một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý một số vấn đề vướng mắc, bức xúc. “Chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến bức xúc và phê bình của các đại biểu Quốc hội. Tôi thấy nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Các cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ cũng chưa đầu tư hết công sức, cũng có thể có phần khó, vướng mắc như vậy. Chúng tôi xin tiếp tục bàn với Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm việc này”, đại biểu Lê Thành Long nói. |