Khai mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngọc Mai| 12/08/2019 09:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (12/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 36 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Khai mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 36

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kéo dài từ ngày 12-16/8 để xem xét một số nội dung theo thẩm quyền. Cụ thể:

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 05 dự án luật và 01 dự thảo Nghị quyết là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện và Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Theo Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là nội dung được Chính phủ đề nghị rất nhiều lần nhưng đến phiên họp này mới có đủ tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Thứ hai, tiến hành giám sát các nội dung chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014- 2018” để đoàn giám sát tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc bổ sung Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 02 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đối với đề án biên chế kiểm toán Nhà nước do còn một số nội dung cần tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung thêm nên chưa đưa ra phiên họp lần này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Nhấn mạnh những nội dung tại phiên họp lần này đều rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thời gian, chương trình công tác để dành thời gian tham gia phiên họp đầy đủ. Đồng thời, các cơ quan tổ chức hữu quan cũng cần tập trung, đặc biệt là thành phần dự họp để tham gia nghe thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu hoàn thiện chỉnh lý các văn bản.

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

* Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Báo cáo số 433 /BC-UBTVQH14 ngày 02/8/2019 về tổng kết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Trước đó tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, theo đó, sau 20 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác; phê chuẩn nhân sự, tiến hành giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận công tác phục vụ kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, thường xuyên được rà soát, kiểm tra, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội yên tâm dự họp. Việc phục vụ tài liệu, cung cấp thông tin tư liệu có nhiều cải tiến, đổi mới. Phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, giúp đại biểu tra cứu tài liệu nhanh, kịp thời, theo dõi được tổng thể các hoạt động của kỳ họp, giảm văn bản giấy và số lượng tài liệu phải mang theo, tiết kiệm chi phí. Việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội qua hệ thống điện tử vừa bảo đảm tính chính xác, vừa thể hiện tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Các công tác bảo đảm khác được chú trọng quan tâm, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc của đại biểu.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra việc tổ chức kỳ họp thứ 7 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm như một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao. Hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu Quốc hội. Việc bổ sung một số nội dung trong thời gian diễn ra kỳ họp làm ảnh hưởng tới thời gian thảo luận một số dự án luật. Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức. Sự phối hợp của một số cơ quan soạn thảo trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật còn chậm, chưa kịp thời.

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước chưa tập trung phân tích những vấn đề mới, nổi cộm so với báo cáo trình tại kỳ họp trước. Ý kiến thảo luận về kinh tế - xã hội còn dàn trải, trùng lặp, chưa tập trung vào những vấn đề lớn cần được Quốc hội quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội