Hoạt động chất vấn của Quốc hội: Từ buổi sơ khai đến dòng chảy dân chủ và đổi mới (Bài 2)

Ghi chép của Nguyễn Bảo Minh| 30/10/2015 20:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại hội VI của Đảng được coi là đại hội khởi xướng sự nghiệp đổi mới nhưng đối với Quốc hội nước ta, làn gió đổi mới đã thổi từ trước đó.

Một dẫn chứng về điều này phải kể đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VII diễn ra vào tháng 12/1985. Kỳ họp này cũng đã ghi dấu ấn đột phá về hoạt động chất vấn, mở ra kỷ nguyên “nói thẳng, nói thật” của Quốc hội. Sau mỗi kỳ họp, hoạt động chất vấn của Quốc hội lại ngày một thêm hoàn thiện, thật sự là một dòng chảy của dân chủ và đổi mới.

Hoạt động chất vấn của Quốc hội: Từ buổi sơ khai đến dòng chảy dân chủ và đổi mới (Bài 2)

Hội trường Quốc hội ngày nay

Bài 2: Nói thẳng nói thật, làm thật

Nhìn thẳng vào sự thật

Ngày đó, việc đổi tiền và chính sách giá - lương - tiền đã gây ra biết bao hệ lụy kinh tế xã hội nhưng người ta chưa nhìn ra hoặc không dám phê phán những bất cập. Ngày cuối cùng của kỳ họp năm ấy, bà Đào Thị Biểu (thường gọi Sáu Trầu), đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long (nay là Vĩnh Long) đã mạnh dạn đăng đàn phát biểu. Bà thẳng thắn nói: “Chúng tôi cho rằng 10 năm qua chưa lần nào dân xôn xao, bất bình, thậm chí phẫn nộ bằng đợt phá giá - lương - tiền vừa qua. Chúng tôi đã chứng kiến biết bao cảnh các cửa hàng ách tắc, bao nhiêu cuộc cãi vã xô xát, bao nhiêu tiêu cực: vo tròn giá hay nâng giá vì thiếu tiền lẻ và mua bán tiền lẻ... Trung ương nói địa phương không biết phát huy ưu thế sau đổi tiền nhưng ưu thế gì mà phát huy. Giá cả tăng 5-7 lần so với trước, có thứ gấp 10-15 lần, đội rất xa giá thị trường. Chúng tôi chứng kiến cảnh bắt và tịch thu hàng của người tự sản, tự tiêu vì bán giá thấp hơn giá Nhà nước quy định, đạo lý gì phải làm như vậy?”.

Bài phát biểu kéo dài 10 phút trong sự ngạc nhiên và nhiều tiếng vỗ tay ủng hộ của đại biểu. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sau đó đã làm một bài phát biểu mới thay cho cho bài đã nộp trước, nói thẳng thắn những bức xúc của người dân. Trước khi ra họp, đoàn ĐBQH tỉnh Cửu Long cũng như các đoàn khác đều phải gửi ra thư ký kỳ họp nội dung bài phát biểu dự kiến sẽ đọc, nội dung cơ bản nhất trí, tán thành với chủ trương, chính sách. Song sau khi nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) báo cáo tình hình kinh tế - xã hội có một ý rằng: “Các địa phương đã không biết phát huy ưu thế sau đổi tiền”, đoàn ĐBQH Cửu Long thấy chưa đúng thực tế. Bởi lẽ, sau khi đổi tiền, giá hàng hoá đã tăng cao gấp 10 lần trong khi lương thấp. Giá vé xe đò tăng cao gấp 5-7 lần, nhiều người đi xa không đủ tiền phải nằm lại bến. Thiếu tiền lẻ khiến việc mua vé tàu xe, ăn hủ tíu không có tiền lẻ trả, phải thế giấy chứng minh. Người dân lao đao vì thiếu tiền lẻ trong chi tiêu mua sắm hàng hoá thiết yếu hàng ngày.

Tối đó, cả đoàn ĐBQH Cửu Long nhóm họp và cùng nhận ra đã đến lúc không thể đặng đừng mà cần phải nói sự thật. Trưởng đoàn Trịnh Văn Lâu đã đề nghị mọi người phải phát biểu thẳng thắn và bà được lựa chọn. Bài phát biểu gây “chấn động” nghị trường ấy về sau đã mở ra “kỷ nguyên” nói thẳng, nói thật trên nghị trường Quốc hội, thay cho cảnh các tham luận đọc trực tiếp tại nghị trường chủ yếu là tán thành và hoan nghênh.

“Trung ương nói địa phương không biết phát huy ưu thế sau đổi tiền nhưng ưu thế gì mà phát huy. Lượng tiền đưa lại dân quá lớn, thương buôn đã vét hết hàng và lòn lõi nắm lại được tiền mới khá lớn trong tay. Sau đổi tiền, ta còn một số tiền dự trữ nhưng không còn hàng, thương buôn vừa có hàng, vừa có tiền. Ta lại tăng giá, làm cho ngành thương nghiệp cần lượng tiền mặt khá lớn để nắm hàng, thế là lại tiếp tục lạm phát với tốc độ nhanh và quy mô lớn hơn trong khi cơ chế quản lý tiền tệ chưa có tí gì đổi mới, thế là các ngành sản xuất kinh doanh lại vẫn bế tắc không có ưu thế gì để phát huy”.

“Tóm lại, chúng tôi cho rằng nhận xét của đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là không đúng sự thật. đánh giá sai - đúng trong đổi tiền chưa đúng mức, còn đổ lỗi cho khách quan và bên dưới, chưa nói rõ, chỉ đúng ai chịu trách nhiệm chính trong sai lầm vừa qua để công khai xử lý trước dân”… Bà Đào Thị Biểu kể lại.

Câu chuyện của bà Đào Thị Biểu một lần nữa minh chứng vai trò của đại biểu Quốc hội được quy định trong Hiến pháp: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước.

Từ sôi nổi đến tranh luận nảy lửa

Sang đến khóa VIII, Quốc hội trên đà đổi mới, có nhiều đột phá về phát huy dân chủ. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân từng kể lại, điểm nhấn cho sự đổi mới ở Quốc hội là sự kiện nhiều Đoàn ĐBQH phía Nam giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt cùng với ông Đỗ Mười do Bộ Chính trị giới thiệu để bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là việc làm hiếm có trong hoạt động của Quốc hội.

Tại các kỳ họp của Quốc hội khóa VIII, khi thông qua Hiến pháp 1992, đã có rất nhiều tranh luận sôi nổi, thậm chí nảy lửa về kinh tế nhiều thành phần, sở hữu tư nhân, giao đất ổn định lâu dài cho nông dân, tổ chức bộ máy nhà nước. Cũng tại các kỳ họp này, đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Điền còn tiên phong trình dự án Luật về thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Đặc biệt, từ khóa VIII, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn ngày càng đổi mới, theo đúng tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”. Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều câu hỏi dồn dập, gay gắt, mang tính chiến đấu cao, được cử tri cả nước hoan nghênh. Nổi bật lên như một “ngôi sao nghị trường” phải kể đến Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Trong một kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười khi đó  than phiền về tình trạng trên bảo dưới không nghe: “Tôi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà nói có Bộ trưởng không nghe”. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã thẳng thắn chất vấn: “Thưa anh Mười, tôi làm Tư lệnh quân khu, tôi nói mà các Sư trưởng không nghe, tôi đình chỉ chức vụ. Một là tôi nghỉ, hai là đồng chí ấy phải nghỉ. Nếu vì lý do nào đó mà tôi không thể cách chức được các Sư trưởng, thì tôi sẽ xin từ chức chứ như thế thì cả hai không thể làm việc với nhau. Anh nên cách chức Bộ trưởng không nghe đó...”.

Chất vấn “lên sóng” và được ra nghị quyết

Một dấu ấn quan trọng nữa, đến kỳ họp giữa năm 1994 của Quốc hội khóa IX, lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chuyện “chất vấn” không còn “kín”, “nội bộ” nữa mà đã trở nên công khai, minh bạch, được nhân dân theo dõi, giám sát, ngày càng trở nên hiệu quả hơn.

Tiếp đó, sang khóa X, hoạt động chất vấn tiếp tục được đổi mới, sau khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn thì Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến, tổ chức giám sát chuyên đề gắn với trả lời chất vấn. 

Từ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, lần đầu tiên sau chất vấn, Quốc hội đã ra nghị quyết về chất vấn, trong đó đã chỉ rõ những việc mà người trả lời chất vấn phải thực hiện và báo cáo với Quốc hội ở kỳ họp tiếp theo. Đó là căn cứ pháp lý để các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đôn đốc người đã trả lời chất vấn nghiêm chỉnh thực hiện những gì đã hứa trước Quốc hội, trước cử tri, là căn cứ để xem xét ở lần chất vấn sau...

Tiệm cận xu thế nghị trường hiện đại

Đặc biệt, tại Quốc hội khóa XIII, hoạt động chất vấn càng có nhiều đổi mới mạnh mẽ. Chất vấn và trả lời chất vấn là 1 trong 5 hình thức giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp, được quy định rõ trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội. Số lượng người trả lời chất vấn ở mỗi kỳ họp các khóa gần đây thường từ 6 đến 8 người và số lượng, chất lượng câu hỏi ngày càng tăng.

Hoạt động chất vấn của Quốc hội: Từ buổi sơ khai đến dòng chảy dân chủ và đổi mới (Bài 2)

Đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII

Thống kê cho thấy, tại mỗi kỳ họp, số câu hỏi (chất vấn) được gửi trước ở khóa XI từ 150 đến 210 câu, ở khóa XII từ 220 đến 300 câu. Thời gian cho các phiên chất vấn tại kỳ họp thường từ 2,5 đến 3 ngày. Mỗi người trả lời chất vấn có thời lượng "đối thoại" với các đại biểu khoảng 2 giờ; riêng Thủ tướng có thể đến 3 giờ. Trong thời gian đó mỗi người thường phải trả lời trên dưới 25 câu chất vấn trực tiếp, cá biệt có trường hợp lên đến 40 câu. Tại các phiên chất vấn, số đại biểu có mặt thường từ 95% trở lên. Các buổi chất vấn, trả lời chất vấn đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp tới toàn dân. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nhiều lần khẳng định: “Tôi muốn làm sao báo chí, truyền hình phản ảnh hoạt động của Quốc hội ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn, làm sao để người dân có thể biết mọi hoạt động của Quốc hội”.

Tại Quốc hội khóa XIII, các phiên chất vấn đều sôi nổi, đề cập nhiều vấn đề quốc kế dân sinh, sôi động những câu chuyện từ cánh đồng đến mâm cơm, từ chuyện hạt gạo, cây cà phê đến kinh tế vĩ mô, ngân hàng, tái cơ cấu... Như ở kỳ họp thứ 9 vừa qua, với 2,5 ngày chất vấn, đã có trên 130 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và khoảng trên 200 chất vấn đã được được trả lời, được thảo luận tại hội trường.

Hoạt động chất vấn của Quốc hội: Từ buổi sơ khai đến dòng chảy dân chủ và đổi mới (Bài 2)

Đại biểu Võ Thị Dung chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 Quốc hội khóa XIII

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, hoạt động chất vấn ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, trở thành lĩnh vực hấp dẫn nhất trong hoạt động của Quốc hội, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Dấu ấn vai trò Chủ tịch Quốc hội trong các phiên chất vấn rất quan trọng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng luôn yêu cầu đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi đi thẳng vào vấn đề ngắn, gọn, rõ, không tự mình bình luận về câu hỏi của mình, yêu cầu các vị Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề ngắn, rõ và đưa ra được kiến giải, giải pháp thiết thực, hiệu quả, rõ ràng, có nhiệm vụ, có trách nhiệm, có thời gian để thực hiện.

Cử tri hẳn còn nhớ chuyện đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về hình ảnh: Một con gà “cõng” 14 loại phí, lệ phí kiểm dịch. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “truy” đến cùng: “Quy định đếm trứng và thu phí là do ai ban hành?”. Thì ra là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, Bộ Tài chính chấp thuận và ban hành. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải hủy bỏ, sửa đổi ngay và “chốt hạ”: “Tôi đề nghị Bộ trưởng đã nói là làm, đã hứa thì tổ chức thực hiện".

Hoạt động chất vấn của Quốc hội: Từ buổi sơ khai đến dòng chảy dân chủ và đổi mới (Bài 2)

Kết quả chất vấn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII

Hoạt động chất vấn của Quốc hội: Từ buổi sơ khai đến dòng chảy dân chủ và đổi mới (Bài 2)

Quốc hội ra nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII

Hoạt động chất vấn hiện nay đã ngày càng tiệm cận hơn phương pháp nghị trường của nhiều nghị viện trên thế giới. TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Quốc hội nhiều nước, nhất là Quốc hội của các nước theo mô hình của Anh thường không cho biết trước các câu hỏi chất vấn.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra hiện nay, chất vấn tiếp tục được đổi mới theo hướng, người được chất vấn sẽ không biết trước câu hỏi. "Các kỳ họp khác, ai trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn đều biết trước, nhưng lần này sẽ không biết các vị đại biểu hỏi ai và hỏi nội dung gì, nên các thành viên Chính phủ nhận được chất vấn sẽ phải trả lời tại chỗ", Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh sự khác biệt trong cách thức tiến hành chất vấn. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng khẳng định tinh thần là giám sát đến cùng các vấn đề đã được chất vấn.

Trong dòng chảy đổi mới không ngừng của Quốc hội nước ta, hoạt động chất vấn chỉ là một trong những hoạt động thể hiện tinh thần dân chủ của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Hoạt động chất vấn vẫn đang trên con đường không ngừng hoàn thiện nhưng những ghi chép chấm phá trên đây cũng đủ cho chúng ta thấy rất nhiều điều để tin tưởng, tự hào về những người đại biểu của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động chất vấn của Quốc hội: Từ buổi sơ khai đến dòng chảy dân chủ và đổi mới (Bài 2)