Hoàn thiện chính sách, pháp luật ưu đãi người có công cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên

Quốc Huy| 11/08/2020 15:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 11/8, UBTVQH cho ý kiến dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp.

Một số nội dung sửa đổi quan trọng

Trình bày Tờ trình dự án Pháp lệnh, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Quốc hội đã giao Chính phủ chủ trì soạn thảo dự án Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trình UBTVQH xem xét vào phiên họp tháng 12/ 2019.

Theo Bộ trưởng, sửa đổi Pháp lệnh lần này xuất phát từ các yêu cầu giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vấn đề vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng; nghiên cứu, bổ sung một số trường hợp người có công với cách mạng chưa được hưởng chế độ, chính sách; bổ sung chính sách ưu đãi đối với thân nhân người có công với cách mạng; một số quy định về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân quá thấp, bất hợp lý…

Hoàn thiện chính sách, pháp luật ưu đãi người có công cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp

Dự thảo Pháp lệnh lần này, Chính phủ xin ý kiến UBTVQH một số nội dung như sau:

Thứ nhất là, bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học.

Thứ hai là, bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá, Pháp lệnh hiện hành quy định thân nhân của liệt sĩ là: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác thì không phải là thân nhân liệt sĩ và không được hưởng các chế độ ưu đãi như thân nhân liệt sĩ.

Tuy nhiên, để ghi nhận tình cảm, trách nhiệm của người vợ/chồng tuy đã có chồng/vợ khác nhưng vẫn làm tốt việc chăm sóc gia đình liệt sĩ, nuôi con liệt sĩ nên Chính phủ bổ sung chính sách trợ cấp tuất hàng tháng (bằng một lần mức chuẩn) đối với trường hợp có biên bản của gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ khẳng định đã nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc bố mẹ liệt sĩ khi còn sống, được UBND cấp xã xác nhận.

Thứ 3 là, về công nhận liệt sĩ, bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình), sau khi xem xét, Chính phủ tiếp thu và sửa đổi tại Điều 14 của dự thảo Pháp lệnh theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Đối với vấn đề công nhận bệnh binh thời bình, quá trình soạn thảo, nhiều ý kiến đề nghị xem xét bỏ chế độ Bệnh binh trong thời bình. Sau khi nghiên cứu, Chính phủ đề nghị sửa đổi và quy định trong dự thảo Pháp lệnh như sau: Đối với các trường hợp là bệnh binh đang hưởng theo Pháp lệnh hiện hành thì tiếp tục được hưởng theo quy định. Không tiếp tục công nhận bệnh binh mới là đối tượng người có công; trừ các trường hợp làm nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, cấp bách làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Bệnh binh mới từ khi Pháp lệnh sửa đổi có hiệu lực, hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH tán thành với việc sửa đổi Pháp lệnh và cho rằng, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng nhằm thể chế hóa quan điểm “thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước,” “không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công” cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết: Quốc hội khóa XIII đã quy định giám sát chuyên đề chính sách ưu đãi với người có công, sau đó bàn thảo về vấn đề này và được ban hành nghị quyết với 4 vấn đề rất quan trọng là: mức sống của người có công là phải bằng hoặc cao hơn trong cùng khu vực; chăm lo nhà ở; quy tập hài cốt liệt sĩ; giải quyết những vấn đề vướng mắc chính sách hồ sơ tồn đọng. Đây là chuyên đề giám sát hiệu quả, nhanh nhất tác động tốt nhất, truyền đi thông điệp giáo dục lịch sử truyền thống. Vậy nên vai trò của pháp lệnh rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, đội dân quân đánh bắt xa bờ thực hiện rất tốt chính sách bảo vệ Tổ quốc. Nên cần phải có chính sách phù hợp, vừa động viên, vừa ghi nhận những người có công lao đi tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc như vậy.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhận định, ưu đãi người có công là công việc cần thiết, lâu dài, thể hiện sự tri ân với những người có công với cách mạng. Ban soạn thảo có thể tính toán thêm để nâng pháp lệnh lên thành luật. Đây cũng là dịp thể hiện sự tri ân với người có công của đất nước.

Đồng tình quan điểm cách mạng không chỉ là giai đoạn giành độc lập dân tộc, kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, mà cách mạng còn là trong công cuộc xây dựng đất nước… Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giai đoạn hiện nay xuất hiện nhiều gương điển hình, vì vậy nên rà soát, tính toán mở rộng.

Thực tế, người có công trước 1945, tiền khởi nghĩa, trong kháng chiến cũng dần dần ít đi, giờ chủ yếu là thân nhân, con cháu. Rõ ràng trong công cuộc cách mạng hiện nay xuất hiện rất nhiều tấm gương điển hình có công với đất nước cần phải được ghi nhận. Vậy nên cần rà soát tính toán thêm cho phù hợp.

Về chế độ trợ cấp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, cần rà soát chặt chẽ bởi đây không chỉ là trợ cấp mà còn là tôn vinh, tôn vinh không đúng sẽ có tác động ngược trở lại. Chính phủ phải tính toán nếu tăng, trong tương lai nguồn lực ngân sách đáp ứng như thế nào?

Liên quan đến chế độ trợ cấp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, dự án Pháp lệnh giữ quy định hiện hành. Theo đó, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được hưởng các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sỹ, trong đó có chế độ trợ cấp tuất hàng tháng.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 16 dự thảo Pháp lệnh quy định chế độ trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sỹ được sửa đổi theo hướng tính từng liệt sỹ chứ không bị giới hạn không quá mức của 3 liệt sỹ như quy định của Pháp lệnh hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, với Mẹ Việt Nam Anh hùng phải trợ cấp để sống được, chứ không phải đếm số con đã hy sinh để trợ cấp. "Một con hy sinh cũng đau đớn lắm, phải xem xét mức trợ cấp để các mẹ sống đàng hoàng, sống tốt," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải thích thêm những điểm mà cơ quan thẩm tra đề cập đến. Như vấn đề phơi nhiễm khác nhiễm thế nào, thêm chữ “phơi” thì có tăng thêm đối tượng người nhiệm hay không? Làm rõ đạo lý của việc: "Hy sinh trong chiến đấu thì rõ ràng là liệt sĩ, nhưng trong thời bình, chúng ta cần cân nhắc, quy định rõ, chứ không phải bất cứ sự mất mát nào cũng được đề nghị là liệt sĩ. Chỉ những trường hợp gắn với hành động đặc biệt dũng cảm, cao cả, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội thì chúng ta xem xét công nhận liệt sĩ", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện chính sách, pháp luật ưu đãi người có công cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên