Ủy ban Pháp luật đề nghị TANDTC làm rõ một số vấn đề về nội dung, lấy ý kiến của Chính phủ và nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp
Sáng ngày 17/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 14. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.
Tham dự Phiên họp có Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; các vụ, đơn vị có liên quan.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định nêu rõ, để phục vụ thẩm tra theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14. Tại phiên họp này Ủy ban sẽ xem xét, cho ý kiến thẩm tra đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Tại phiên họp, Bộ Tư pháp nêu rõ, trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, xuất phát từ yêu cầu triển khai các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4,5,6,7,8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và yêu cầu của thực tiễn, có 03 dự án Luật cần thiết phải được bổ sung vào Chương trình: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Văn phòng Quốc hội đề nghi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với 03 nhóm chính sách và trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp; Kiểm Toán nhà nước đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước vào Chương trình năm 2019 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 với tổng số 10 nội dung được đề xuất; TANDTC đề nghị bổ sung Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho ý kiện tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 với 05 chính sách được đề xuất.
Thẩm tra Tờ trình của các cơ quan trình Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật có ý kiến cụ thể như sau:
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Thảo luận về từng nội dung cụ thể được đề xuất, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc, xem xét thêm về việc thể chế trong Luật nội dung quy định hợp lý số lượng cấp phó và ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; về Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với Chính phủ cần sớm ban hành hai dự án luật này để thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết 56/2017/QH14 và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các luật này trong thời gian qua.
Tuy nhiên, qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật cho rằng có một số chính sách không cần thiết phải sửa đổi trong Luật Tổ chức Chính phủ bởi đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ đã được quy định; đồng thời cần cân nhắc một số chính sách khác một cách thận trọng để thực sự phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với các quy định khác ngay trong Luật Tổ chức Chính phủ. Bên cạnh đó, trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì không cần thiết phải bổ sung thẩm quyền của Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xác định địa giới đơn vị hành chính và lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính trong nội dung của chính sách 5 về khuyến khích nhập các đơn vị hành chính và tinh gọn thủ tục hành chính trong giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá các chính sách được đề xuất sửa đổi bám sát với những yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 6,7 đề cập được những bất cập cần giải quyết.
Tuy nhiên, theo Ủy ban, nội dung của chính sách và giải pháp thực hiện, đề cương Dự án Luật còn chung chung, chưa thể chế, cụ thể hóa được yêu cầu đặt ra. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm nội dung chính sách, giải pháp thực hiện và thể chế thành các quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi khi Luật được ban hành.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với sợ cần thiết ban hành Luật này.
Tuy nhiên mục đích, quan điểm sửa đổi chưa bám sát mục tiêu cụ thể tại Nghị quyết 18-NQ/TW; một số đề nghị sửa đổi, bổ sung chưa phù hợp. Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật đề nghị Kiểm toán nhà nước báo cáo thêm về những băn khoăn của Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng như việc tham gia ý kiến của Chính phủ đối với Dự án luật này.
Về Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu rõ, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết xây dựng dự án Luật PPP nhằm hoàn thiện thể chế, góp phần thu hút đầu tư. Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, cơ quan đề xuất xây dựng dự án giải trình, làm rõ một số vấn đề về nội dung của Dự án Luật để đảm bảo sự đồng thuận, tính khả thi.
Về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, Ủy ban Tư pháp đánh giá hoạt động hòa giải, đối thoại đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các tranh chấp về dân sự, hành chính.
Tuy nhiên, việc ban hành Dự luật này sẽ liên quan nhiều đến mô hình tố tụng, chức năng, thẩm quyền của Tòa án quy định tại Hiến pháp, một số Luật và tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật nên cần được đánh giá tổng thể các tác động khi ban hành chính sách mới, làm rõ có phải sửa đổi quy định có liên quan trong một số Luật hay không.
Căn cứ vào ý kiến của Ủy ban Tư pháp, tại phiên thảo luận, Ủy ban Pháp luật đề nghị TANDTC làm rõ một số vấn đề về nội dung, lấy ý kiến của Chính phủ và nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị, thống nhất với Ủy ban Tư pháp trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Căn cứ vào yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2019 và các năm tiếp theo; trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Văn phòng Quốc hội... các đại biểu kiến nghị bổ sung vào Chương trình năm 2019 các dự án sau: Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) theo quy trình tại một kỳ họp gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019): Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.