Diễn đàn Đối tác Phát triển VN: Cải cách thể chế, tăng cường hội nhập để tăng năng suất lao động

Xuân Lan| 05/12/2015 12:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) tổ chức sáng nay (5/12) tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nước ngoài đã khuyến nghị Việt Nam về thách thức liên quan đến năng suất lao động.

Diễn đàn Đối tác Phát triển VN: Cải cách thể chế, tăng cường hội nhập để tăng năng suất lao động

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự Diễn đàn và sẽ có bài phát biểu quan trọng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì Diễn đàn.

VDPF được tổ chức trong bối cảnh năm 2015 là năm Việt Nam có nhiều sự kiện kinh tế - chính trị lớn, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015 trong bối cảnh có nhiều biến động, khó khăn; là năm tập trung chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XII, kỳ Đại hội sẽ thông qua định hướng quan trọng nhất cho phát triển kinh tế xã hội đất nước giai đoạn tới.

Năm 2015 cũng là năm Việt Nam chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với việc tham gia Cộng đồng ASEAN; ký các hiệp định thương mại tự do quan trọng. Đây sẽ là các yếu tố tác động nhiều mặt đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới với những cơ hội và thách thức đan xen.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và chuẩn bị bước sang một nhiệm kỳ Chính phủ mới và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động và Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, toàn diện hơn với khu vực và quốc tế. Vì vậy, tại Diễn đàn lần này, Chính phủ mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, nhận xét từ các đối tác phát triển về kết quả thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015 và những mục tiêu, định hướng cho kế hoạch 5 năm 2016-2020, đặc biệt là giải pháp mang tính chiến lược.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị các đại biểu, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ đóng góp ý kiến, thảo luận thẳng thắn về những điều làm được, chưa làm được, nhất là những mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn tới để bổ sung, cập nhật vào chiến lược, kế hoạch 5 năm tới. Những ý kiến góp ý sẽ được nghiên cứu, cập nhật, bổ sung vào các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch phát 5 năm 2016-2020 và sẽ trình Quốc hội vào tháng 3/2016.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như những kết quả quan trọng trong hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua của Việt Nam, trong phát biểu tại Diễn đàn, Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã đạt được thành công 5 năm đầu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2020 và đang chuẩn bị cho các quyết định mang tính chiến lược và chính trị quan trọng, trong đó đề ra những định hướng ưu tiên cho nửa sau của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2020 với các nhiệm vụ được thực hiện vào đầu năm 2016. Những sự chuyển tiếp này có thể bổ trợ cho nhau và mang lại kết quả phát triển tốt đẹp cho Việt Nam trong 5 năm tới.

Từ cách nhìn nhận và dẫn đề như trên, bà Victoria Kwakwa đề xuất một số vấn đề ưu tiên để các đại biểu tập trung thảo luận về những thách thức liên quan đến năng suất lao động, vấn đề môi trường và tăng trưởng, giảm nghèo và phúc lợi xã hội, năng lực và trách nhiệm giải trình của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ.

Trong đó, thách thức liên quan đến vấn đề năng suất lao động được đã nhiều đại biểu, chuyên gia nước ngoài quan tâm nhấn mạnh. Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới cho rằng, một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là năng suất lao động thấp và đang giảm dần đáng lo ngại. Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam khá thấp, chỉ khoảng 4%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và Hàn Quốc thời kỳ có trình độ phát triển như Việt Nam hiện tại. Với tốc độ cải thiện năng suất lao động thấp như hiện tại, theo bà Kwakwa, Việt Nam sẽ không thể đi theo quỹ đạo như Trung Quốc và Hàn Quốc trước đây.

Để giải quyết vấn đề này, đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định, cải cách thể chế đóng vai trò then chốt, bởi muốn tăng năng suất lao động thì phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản.

Bên cạnh đó, bà Victoria Kwakwa cho rằng, việc chuyển vai trò của Nhà nước từ sản xuất sang quản lý là rất cần thiết. Chính phủ cần có những bước đi rút ra khỏi những lĩnh vưc không cần tham gia. Về vấn đề này, bà Victoria Kwakwa dẫn chứng, "việc thoái vốn khỏi Vinamilk (VNM) là một bước đi đúng và những việc làm tương tự như thế này sẽ giúp tăng hiệu quả của Chính phủ Việt Nam”.

Theo đại diện WB, những quyết định thay đổi vai trò của Nhà nước như vậy, sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng suất lao động và tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn.

Bàn luận khía cạnh này, nhiều chuyên gia trong nước cho rằng, việc thoái vốn Nhà nước tại các DN là cần thiết để tạo ra sự chuyên nghiệp trong cả kinh doanh và quản lý. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng hiệu quả đồng vốn thoái và kết hợp với sự cải cách môi trường kinh doanh để khối kinh tế tư nhân phát triển theo kịp cũng là điều quan trọng cần lưu ý.

Đồng quan điểm khi nhấn mạnh Việt Nam thách thức liên quan đến năng suất lao động, ông David Devine, Đại sứ Canada cũng cho rằng, một trong những khó khăn của Việt Nam hiện nay là hiệu suất lao động kém, mà nguyên nhân được lý giải một phần do số các DNNN hoạt động kém hiệu quả, hoạt động dàn trải và sự yếu kém và chậm vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Theo ông David Devine, sự cải tổ là cấp thiết. Nỗ lực hội nhập của Việt Nam là một trong những yếu tố sẽ giúp sự cải tổ diễn ra nhanh hơn. “Việt Nam đã và đang hưởng lợi rất nhiều từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs), như với ASEAN 1996, WTO 1/2007 và với Hoa Kỳ. Những hiệp định này đã đặt nền móng cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Nhờ lợi ích hội nhập toàn cầu, tỉ lệ thương mại theo GDP của Việt Nam năm 2013 đạt 164%, cao nhất khối ASEAN, chỉ sau Singapore. Tăng GDP đạt trung bình 5,5%/năm từ 1990, góp phần tăng thu nhập bình quân 3,5 lần, đưa Việt Nam trở thành 1 trong những nước cao nhất thế giới.

Theo ông David Devine, việc mở rộng hội nhập, nhất là nỗ lực tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chứng tỏ Việt Nam tin tưởng vào việc giải quyết được các khó khăn vướng mắc, trong đó có đẩy mạnh cổ phần hóa, cải thiện hiệu quả của DNNN và nâng cao năng suất lao động.

“Các cơ chế thương mại mở cửa đã mang lại nhiều lợi ích và giúp thúc đẩy các cải cách ở Việt Nam. Hội nhập giúp Việt Nam có cơ hội để đạt được những bước phát triển kinh tế và cải cách mạnh mẽ. Việt Nam là nước kém phát triển nhất, là quốc gia thu nhập trung bình duy nhất trong TPP. Tuy nhiên, với những cam kết của mình, việc triển khai TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng tới 8% tới năm 2035. Một số ước tính khác còn cho rằng, Việt Nam có thể tăng trưởng tới 2 con số, cao hơn rất nhiều so với bất kỳ một quốc gia TPP nào khác”, ông David Devine nhận định.

Việc giảm thuế xuất vào hàng hóa thương mại, các công cụ giảm rào cản đối với thương mại dịch vụ và các biện pháp phi thếu quan, thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như việc giảm thiểu vai trò của DNNN với thị trường được coi là cơ sở tốt tạo điều kiện cho cải cách cơ cấu và thể chế ở Việt Nam. Những chuyển biến này về lâu dài sẽ giúp hiện đại hóa, hợp lý hóa mội trường pháp lý cho thương mại và phát triển khu vực tư nhân.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, nâng cao năng suất lao động sẽ được làm thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ trong thời gian dài. Đây sẽ là một trong những mục tiêu chính được Việt Nam ưu tiên tại kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020. Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế phải dựa vào tăng năng suất lao động và đóng góp của KH&CN làm động lực chính.

Một số giải pháp được Bộ trưởng Vinh đưa ra là tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, thay đổi hoạt động của DNNN theo hướng thực chất hơn, tạo môi trường thuận lợi cho DN tư nhân, đồng thời mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khối ngoài nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn. Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn Đối tác Phát triển VN: Cải cách thể chế, tăng cường hội nhập để tăng năng suất lao động