Chủ tịch Quốc hội gợi mở, cần tăng cường các nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các chương trình trồng cây xanh theo quan điểm “trách nhiệm chung, lợi ích chung, đồng hành cùng phát triển”.
Sáng 13/2, nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Lễ ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại Tiểu khu 74, xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Ủy viên UBTVQH, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc; Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh...
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trồng cây đầu Xuân đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, được các thế hệ kế thừa, phát huy và trở thành việc làm thiết thực vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Nhắc lại Lời phát động của Bác Hồ: “Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Qua 60 Tết trồng cây nhân dịp Xuân mới do Người phát động, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa to lớn về tư tưởng, triết lý sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người, đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham gia trồng cây tại lễ phát động
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ thực trạng hiện nay, các loại hình thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày một gia tăng, để lại hậu quả rất nặng nề.
Việt Nam là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với hệ sinh thái bao gồm rừng, biển, đất ngập nước; sự phong phú và giàu có về các loài và nguồn gen sinh vật, dịch vụ sinh thái-môi trường do chúng mang lại, cùng hệ thống các kiến thức truyền thống và văn hóa địa phương về quản lý, sử dụng tài nguyên đã làm cho đa dạng sinh học có vai trò và giá trị vô cùng to lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị suy giảm, môi trường đang bị suy thoái.
"Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới và là xu thế tất yếu của thời đại. Đồng thời, đây cũng là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng tới trong quá phát triển, chuyển dịch mô hình tăng trưởng. Việc trồng thêm cây xanh sẽ khắc phục, giảm nhẹ sức tàn phá của thiên tai, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; bảo vệ, cải thiện môi trường sống," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc các cơ quan, tổ chức và tỉnh Hòa Bình phối hợp tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” mừng Xuân Kỷ Hợi 2019; cho rằng, đây là hoạt động hết sức ý nghĩa nhằm ghi nhớ Lời dạy của Người, tạo ra tác dụng to lớn đối với công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong những năm qua đã đẩy mạnh phong trào trồng cây, trồng rừng. Đến nay, phong trào đã liên tục phát triển và lan tỏa sâu rộng, hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Quốc hội cũng hoan nghênh UBND tỉnh Hoà Bình đã sớm ban hành Chỉ thị số 02 về phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Kỷ Hợi 2019 với nhiều nội dung thiết thực, phấn đấu trong năm 2019 toàn tỉnh thực hiện kế hoạch trồng 5.790 ha rừng tập trung và 150 ngàn cây phân tán các loại; tổ chức chăm sóc tốt diện tích rừng trồng, quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể của tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi 2019. Trong đó, cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch, xác định rõ các khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn sinh thủy; các khu vực cần phát triển rừng; mảng xanh đô thị để bảo đảm yêu cầu về sinh thái, môi trường cho phát triển bền vững đất nước.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tới quần chúng nhân dân về ý nghĩa, mục đích của Tết trồng cây, về vai trò, tác dụng, lợi ích to lớn, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây, trồng rừng; chỉ đạo, hướng dẫn và vận động mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia để “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” thực sự trở thành ngày hội của toàn dân. Có biện pháp, kế hoạch để trồng phủ xanh hơn 1,7 triệu ha đất đồi núi chưa sử dụng. Các hoạt động trồng cây phải được triển khai một cách thường xuyên, liên tục với sự tham gia rộng rãi của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư.
Chủ tịch Quốc hội gợi mở, cần tăng cường các nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các chương trình trồng cây xanh theo quan điểm “trách nhiệm chung, lợi ích chung, đồng hành cùng phát triển”. Các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nào thì tích cực tham gia Tết trồng cây theo địa bàn đó, đối với các khu đô thị, công viên, các khu di tích, công sở, trường học, đường đi, bãi rác, các khu, cụm công nghiệp, nhà máy thì trồng cây lấy gỗ, cây phong cảnh có bóng mát để tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường; đối với các khu vực có thể trồng rừng tập trung thì cần tích cực trồng cây gây rừng theo phương châm “trồng cây nào sống cây ấy, trồng cây nào là chăm sóc và bảo vệ chu đáo cây đó”; đồng thời tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
Từng cấp, từng ngành, tổ chức, doanh nghiệp cần xác định phương châm bảo vệ môi trường chính là đầu tư cho sự phát triển, quyết liệt thực hiện hành động bảo vệ môi trường để giữ vững thành quả phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống; tăng cường công tác vận động, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng để mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân thấy rõ bảo vệ môi trường, trồng cây, gây rừng không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi để tạo dựng môi trường sống của chúng ta được tốt hơn.
“Làm tốt điều này là làm tốt lời dạy của Bác Hồ, vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, vừa giữ gìn môi trường sống cho chúng ta hôm nay và cho muôn đời con cháu sau này”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh chiêng phát động Lễ ra quân hưởng ứng Tết trồng cây
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh chiêng phát động Lễ ra quân hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 và trao quà cho 30 gia đình chính sách của huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, các cơ quan hữu quan, cùng khoảng 2.000 cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang, hội viên Hội Nông dân, đoàn viên, thanh niên trồng 200 cây dổi, 2.000 cây keo và nhiều loại cây trồng lâu năm khác trên đồi, đất trống tại xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn.