Trước việc cử tri phản ánh, có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã báo cáo lỗ để trốn thuế một phần, có doanh nghiệp hạch toán 2 sổ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội và Chính phủ đang rà soát lại xem có “lỗ hổng” nào để khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp gỡ các cử tri.
Trong ngày 4/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri tại phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều và phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Cùng tham dự có Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Trần Quốc Trung.
Sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ thông tin kết quả hoạt động và chương trình dự kiến hoạt động của Đoàn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, cử tri bày tỏ thái độ phấn khởi và đặt niềm tin vào Đoàn. Cử tri cũng ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, nhất là hoạt động các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được nâng cao về chất lượng, có nhiều đổi mới.
Quốc hội thường xuyên giám sát tiến độ giải quyết 12 dự án thua lỗ
Tại buổi tiếp xúc, cử cử tri bày tỏ sự quan tâm tới một số vấn đề như: Công tác phòng chống tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng; đề nghị phân bổ ngân sách đồng bằng song Cửu Long, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, vấn đề giải ngân đầu tư công còn chậm, đề nghị Quốc hội xem xét về giờ làm thêm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tình trạng xâm hại trẻ em...
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Trần Văn Trung – cử tri Phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ – cho biết: “Tôi nhận thấy rằng, đầu tư trên các vùng miền của Trung ương phân bổ cho đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế. Trong khi đó, chúng ta thấy rõ nguồn lực đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về vấn đề lương thực. Tôi đề nghị trong năm 2020, Quốc hội nên phân bổ ngân sách cho các địa phương có sự điều chỉnh cân nhắc hợp lý hơn”.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những kiến nghị, đề xuất của cử tri quận Ninh Kiều. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là những ý kiến đóng góp có chất lượng liên quan đến các vấn đề chung của đất nước, là cơ sở để đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tổng hợp và đóng góp trong kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giải đáp các câu hỏi của cử tri
Trả lời kiến nghị của cử tri về đồng bằng song Cửu Long vì sao ít được quan tâm đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông tin: “Vào đầu nhiệm kỳ năm nay, lãnh đạo thành phố Cần Thơ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội đã giám sát và đã có yêu cầu cùng với việc là Bộ Chính trị cho tổng kết, thì hiện nay thành phố Cần Thơ đã được bố trí ngân sách tương đương bằng Đà Nẵng và Hải Phòng. Chúng ta biết là Thủ tướng đã có 2 lần chủ trì Hội nghị đồng bằng sông Cửu Long để triển khai Nghị quyết 120 đối phó biến đổi khí hậu và tìm điều kiện để vùng phát triển. Tôi mong bà con tin tưởng lãnh đạọ ở Trung ương, Quốc hội, Chính phủ rất là quan tâm và tạo một sự đầu tư công bằng hợp lý đối với các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước...”.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã giải đáp ý kiến của cử tri Nguyễn Xuân Xinh, trú tại phường An Nghiệp về 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương. Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực hiện quyền giám sát, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ báo cáo, cập nhật tiến độ giải quyết.
Cho đến nay, có 2/12 dự án tái hoạt động có khởi sắc, bao gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1-Hải Phòng và Nhà máy thép Việt-Trung bước đầu có lãi. Bốn dự án còn lại vẫn tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất như nhà máy đạm Hà Bắc; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2-Lào Cai và nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ so với cùng kỳ 2018.
Trong số ba dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại và 1 dự án đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động trở lại nhà máy, gồm dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.
Với các dự án còn lại, một số cũng đã trở lại vận hành hoặc được định giá, xây dựng phương án để tổ chức triển khai bán đấu giá. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Chính phủ vẫn cập nhật thường xuyên các thông tin, còn Quốc hội cũng sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát về tiến độ giải quyết 12 dự án này.
Xem lại ý thức của các doanh nghiệp FDI
Cử tri Cần Thơ cũng bày tỏ phấn khởi về tình hình kinh tế tiếp tục phát triển, tăng trưởng GDP cao, xã hội ổn định, các chương trình giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa hiệu quả, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả rõ rệt… ; cho rằng, những điều này đã chứng minh những chính sách của Đảng, Nhà nước đã đi vào thực tế cuộc sống.
Tuy nhiên có ý kiến cử tri cho rằng, vốn đầu tư công còn giải ngân chậm. Quốc hội cần giám sát chặt chẽ việc tinh giản biên chế; đặt vấn đề doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) có hành vi chuyển giá…
Chủ tịch Quốc hội cho biết, giải ngân vốn đầu tư công chậm là vấn đề mà dự kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn. Trên thực tế, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 đạt trên 45% so với kế hoạch Quốc hội giao.
Nhấn mạnh đến công tác thực thi pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cần nhiều giải pháp mạnh và hiệu quả, trong đó có xem xét các dự án kém hiệu quả, triển khai chậm để tập trung vốn cho các dự án đầu tư hiệu quả cao, triển khai đúng tiến độ.
5 năm trước đây, lần đầu tiên Luật Đầu tư công 2014 được ban hành nên còn những lúng túng và khó khăn, vướng mắc. Chính phủ cũng đã có những cuộc họp bàn về những giải pháp tháo gỡ vướng mắc đó. Thời gian tới, Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật Đầu tư công (sửa đổi) được thông qua vào tháng 6/2019 vừa qua.
Về câu hỏi của cử tri về việc có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã báo cáo lỗ để trốn thuế một phần, có doanh nghiệp hạch toán 2 sổ. Cử tri cho rằng, đây là “kẽ hở” trong công tác quản lý, vì thế Luật Kiểm toán Nhà nước phải được thực hiện chặt chẽ hơn nữa.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là câu chuyện đã xảy ra trên thực tế, doanh nghiệp FDI báo lỗ để chuyền tiền về công ty mẹ. Quốc hội và Chính phủ đang rà soát lại xem có “lỗ hổng” nào để khắc phục, để từ đó hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật, góp phần để công tác thực thi pháp luật được tốt hơn. Trong báo cáo thẩm tra về ngân sách nhà nước, Quốc hội rất chú ý đến vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cùng với đó cần phải xem lại ý thức của các doanh nghiệp FDI, cũng như công tác thanh tra, kiểm tra...
Chủ tịch Quốc hội cũng đã ghi nhận ý kiến cử tri khu vực 3 phường Hưng Thạnh mong muốn Luật Đất đai khi sửa đổi cần xem xét đến nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân, kiến nghị về mức áp giá đền bù nên điều chỉnh từ 5 năm/lần sang 1 năm/lần cho phù hợp với giá thị trường; để người dân lựa chọn nhiều cách đền bù thay vì nhận bồi thường bằng tiền. Cùng với đó là rút ngắn thời gian từ khi dự án có chủ trương đến khi bồi thường.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã giao Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013. Quốc hội sẽ tổng hợp, nghiên cứu thấu đáo các ý kiến cử tri và nhân dân trước khi xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này.
Chia sẻ với ý kiến cử tri Huỳnh Hạnh Chăm, phường Hưng Thạnh về hiện tượng “tiếp tay” của công chứng viên khi thực hiện công chứng giấy tờ gây thất thoát tài sản Nhà nước, gây thiệt hai cho công dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý thành phố Cần Thơ cần tăng cường quản lý nhà nước ở các văn phòng công chứng trên địa bàn, đồng thời nêu rõ, nếu có sai phạm cơ quan chức năng xử lý theo đúng Luật Công chứng, bởi luật này quy định rất rõ về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng, quản lý nhà nước về công chứng...