Báo chí có vai trò quan trọng với cải cách tư pháp

Mai Thoa| 20/08/2015 21:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 20/8, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (CCTPTW) và Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội thảo trao đổi kỹ năng thông tin, tuyên truyền công tác CCTP và hoạt động tư pháp.

Tới dự có lãnh đạo các cơ quan: TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an; đại diện các cơ quan báo chí cùng đại diện một số cơ quan liên quan.

Tòa án chú trọng tuyên truyền về CCTP

Phát biểu khai mạc, bà Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CCTPTW cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 38-KH/CCTP về công tác thông tin tuyên truyền về CCTP, đến nay, công tác tuyên truyền đã có những bước chuyển biến tích cực. Một chuỗi các sự kiện cơ bản đã thực hiện để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong thời gian qua. Hội thảo này hướng đến mục tiêu thông tin tuyên truyền về hoạt động CCTP trong thời gian tới, làm sao để không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của hoạt động tư pháp, thông tin sinh động, thu hút sự quan tâm của độc giả.

Ông Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: CCTP được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thời kỳ đổi mới đất nước. Báo chí với vai trò là “cầu nối” đưa các chủ trương, nhiệm vụ, nội dung, kết quả CCTP và hoạt động tư pháp đi vào cuộc sống, góp phần tăng cường sự hiểu biết xã hội và tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương CCTP và hoạt động tư pháp; đồng thời giúp cho việc phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, hạn chế oan sai.

Đối với các cơ quan tố tụng, việc thông tin tuyên truyền về công tác CCTP hết sức quan trọng. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết, TANDTC đã rất chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền về lĩnh vực này.

Cụ thể, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí; Kế hoạch số 38-KH/CCTP của Ban chỉ đạo CCTPTW, lãnh đạo TANDTC đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của Tòa án nhằm tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CCTP của Tòa án theo tinh thần NQ số 49 của Bộ Chính trị.

Báo chí có vai trò quan trọng với cải cách tư pháp

Quang cảnh Hội thảo

Ba đơn vị thực hiện chủ yếu công tác thông tin tuyên truyền của hệ thống Tòa án gồm: Báo Công lý, Tạp chí TAND, Cổng thông tin điện tử TANDTC. Trong năm 2015 và thời gian tới, nhiều vấn đề mới đặt ra đối với công tác thông tin, tuyên truyền về CCTP trong TAND. Đó là, Luật Tổ chức TAND có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015 với cơ cấu tổ chức, bộ máy có nhiều thay đổi; cùng với đó, các TAND tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác theo tinh thần Chỉ thị của Chánh án TANDTC; tăng cường các mặt hoạt động, nâng cao chất lượng thụ lý, xét xử các loại vụ án theo các Nghị quyết của Quốc hội; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện CCTP theo các Nghị quyết của Đảng. Đặc biệt là tuyên truyền về sự kiện Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống TAND (13/9/1945-13/9/2015); Đại hội thi đua yêu nước, điển hình tiên tiến; tuyển chọn, tôn vinh những gương Thẩm phán tiêu biểu...

Cần có kỹ năng tuyên truyền     

Tại Hội thảo, rất nhiều ý kiến đóng góp về công tác thông tin, tuyên truyền về CCTP sao cho có hiệu quả.

Ông Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên chuyên trách, Thường trực Ban chỉ đạo CCTPTW cho rằng, thực tế, tố tụng yêu cầu rất chặt chẽ khi công bố thông tin, còn báo chí lại phải nhanh, thông tin phải mới... đó chính là điểm “vênh nhau” trong công tác tuyên truyền và để đáp ứng cả hai là điều vô cùng khó khăn. Đặc thù tuyên truyền về CCTP là làm sao thông tin phải chính xác, bảo đảm quyền con người và nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong tố tụng hình sự. Để làm tốt được điều này, các cơ quan tư pháp nên có sự chủ động cung cấp thông tin chứ không chờ báo chí tìm đến mới cung cấp.

Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cũng nhận định: Thông thường, báo chí rất muốn thông tin nhanh, nhưng nếu thông tin chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà không chính xác sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan tố tụng. Báo chí có thể khai thác từ nhiều nguồn tin khác nhau, song thông tin từ các cơ quan chức năng phải đạt độ chính xác, khách quan… Vậy nên, khi có những thông tin mà dư luận quan tâm, cần tổ chức họp báo ngay để báo chí có thông tin chính thức, chuẩn xác.

Cùng chung quan điểm, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an cho rằng: Hiện nay, “thị trường” thông tin báo chí khá “hỗn loạn”, mở báo ra thấy tiêu cực nhiều hơn. Nhiều khi chỉ một vài cá nhân vi phạm nhưng cách đưa tin khiến dư luận nhìn nhận đó là tiêu cực của cả một ngành. Nhiều vụ án suy diễn quá nhiều, đoán già, đoán non làm người dân phân tâm, lo lắng. 

Đại diện Tạp chí TAND cũng chia sẻ quan điểm về thực trạng thông tin báo chí hiện nay đang làm ảnh hưởng đến cơ quan tư pháp khi đưa không chính xác. Ví dụ, có vụ án đã đưa ra xét xử và bị hoãn nhiều lần, nhưng có báo đăng: “Gây thương tích 4% đã bị bắt giam”. Với “tít” này, người làm luật hiểu là có oan sai, tuy nhiên, trên thực tế, việc bị bắt giam đó do bị can dùng hung khí, mà phóng viên không tìm hiểu từ cơ quan tố tụng để xem bản chất vụ việc như thế nào đã vội đưa tin. Vì vậy, nhà báo tham gia phiên tòa cần có kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, điều đó là vô cùng quan trọng.

Nhiều đại biểu cũng có chung quan điểm, tính chính xác cúa báo chí là hết sức quan trọng. Do vậy, những nội dung về CCTP và định hướng tuyên truyền ở Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an... là những vấn đề gì cần phải định rõ để tuyên truyền, như vậy sẽ hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận, bà Lê Thị Thu Ba cho rằng: Hội thảo đã thu góp được nhiều ý kiến quan trọng, đặc biệt là thảo luận những vấn đề liên quan đến việc đưa các thông tin có tính đặc thù, vai trò của các cơ quan tư pháp về bảo vệ quyền con người... Nếu không nắm được thì dễ vi phạm, như nguyên tắc “suy đoán vô tội” chúng ta dễ dẫn đến việc đưa tin phiến diện, vi phạm quyền con người; hoặc có thể thông tin bị thêu dệt làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tố tụng. Những ý kiến đóng góp đã bổ sung nội dung cốt lõi để công tác thông tin tuyên truyền về CCTP được tốt hơn trong thời gian tới.

Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, công tác thông tin tuyên truyền về CCTP làm thế nào để không ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng, đây là vấn đề mà tới đây cần phải nghiên cứu, quy định. Những thông tin đưa ra không chính xác về hoạt động của các cơ quan tố tụng hoặc Tòa án, không đúng với quy định pháp luật... sẽ ảnh hưởng đến Tòa án, đến sự độc lập trong xét xử của Thẩm phán, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí có vai trò quan trọng với cải cách tư pháp