Ăn khuya là một việc làm có hại đối với sức khỏe. Những người thường có thói quen ăn về khuya, dễ mắc các chứng bệnh về trí nhớ, béo phì, tiểu đường...
Theo các nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu của Đại học Y khoa California, Mỹ, việc ăn uống trong khoảng thời gian không thích hợp sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của cơ thể, có thể dẫn tới trạng thái tiền tiểu đường, tác động tới chức năng tâm thần.
Thói quen ăn khuya sẽ làm biến đổi hoạt động sinh lý của não. Sinh hoạt thất thường tác động tiêu cực đến hoạt động trí não, giảm trí nhớ và hiệu quả tư duy.
Các nhà khoa học cũng khẳng định, "ăn uống vào thời điểm sai trong ngày sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho học tập và trí nhớ. Vì rất nhiều người có thói quen làm việc hoặc thức chơi vào khoảng thời gian đáng lẽ dành cho giấc ngủ, việc này có thể làm suy giảm một vài chức năng của não.”
Ăn khuya thường xuyên dẫn đến tăng cân, béo phì, đặc biệt là phần bụng
Ăn khuya thường xuyên cũng khiến dạ dày phải tăng cường hoạt động để tiêu hóa thức ăn. Tình trạng này khiến cơ thể khó ngủ trở lại. Nếu bạn ăn khuya nhiều đêm liên tiếp, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu ngủ. Thiếu ngủ làm tăng nồng độ cortisol và dẫn đến tăng cân, béo phì, đặc biệt là phần bụng.
Ngoài ra, việc ăn khuya khiến axit trong dạ dày bị trào ngược. Nằm xuống sau khi ăn no khiến axit trong dạ dày đi tới thực quản và dẫn tới đau tức ngực.
Việc ăn khuya không những làm tăng “gánh nặng” cho dạ dày mà còn dễ gây tăng huyết áp. Nếu ăn xong rồi ngủ luôn sẽ khiến sự lưu thông máu chậm lại, rất nhiều thành phần chất béo trong máu sẽ được gửi vào các thành mạch, gây xơ vữa động mạch.
Nếu bạn ăn khuya nhiều đêm liên tiếp, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu ngủ
Ngày nay, với nhịp sống hiện đại có thể khiến đồng hồ sinh học của con người bị xáo trộn. Nên chúng ta cần nhận thức tầm quan trọng của việc ăn, ngủ đúng giờ đối với trí não và sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, những người thường xuyên làm việc ca đêm, làm việc khuya cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp. Thời gian nạp năng lượng không đúng sẽ dẫn đến gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.