Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về phương án thoái vốn, Bộ Công Thương sẽ triển khai các bước bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco theo quy định pháp luật.
Bộ Công Thương cho biết dự kiến sẽ thực hiện việc bán phần vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco trong năm 2017
Tại cuộc họp báo mới đây, trả lời câu hỏi của báo giới về việc thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Ông Bùi Trường Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết việc thoái vốn nhà nước tại hai doanh nghiệp này đang được Bộ Công Thương tích cực triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo “công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và chống lợi ích nhóm”.
Về tiến độ triển khai cụ thể, ông Thắng thông tin Habeco đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn giải pháp và thực hiện thoái vốn với đơn vị tư vấn được chọn theo hình thức đấu thầu rộng rãi là Liên danh Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) - Công ty cổ phần định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC).
Hiện đơn vị tư vấn đang hoàn thiện tờ trình phương án thoái vốn để trình Bộ Công Thương.
Còn Sabeco cũng đã ký hợp đồng với tư vấn giải pháp và thực hiện thoái vốn với đơn vị tư vấn được chọn theo hình thức đấu thầu rộng rãi là Liên danh công ty CP Chứng khoán Bảo Việt - Công ty TNHH Earstn & Young Việt Nam - Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam. Phương án thoái vốn đang được xây dựng và dự kiến trình Bộ Công Thương trước ngày 31/7/2017.
“Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về phương án thoái vốn, Bộ Công Thương sẽ triển khai các bước bán vốn Nhà nước tại Habeco và Sabeco theo quy định pháp luật, dự kiến sẽ thực hiện việc bán phần vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp này trong năm 2017”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Liên quan đến việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, bộ này đã chủ động và tích cực trong công tác cổ phần hóa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Kế hoạch sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017-2020 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành việc thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt. Đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đã trình Thủ tướng Chính phủ, hiện nay đang tiếp tục tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Đề án. Đối với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đang thẩm định và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ.
Đã thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam.
Đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP, Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp, Công ty cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam, Công ty cổ phần Nông thổ sản Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư Xây lắp và Vật liệu xây dựng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này chuẩn bị hồ sơ để bàn giao quyền chủ sở hữu vốn nhà nước cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, quy trình thoái vốn nhà nước được thực hiện theo các bước, quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP về Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tại Thông báo 281, theo đó các DN thực hiện thoái vốn theo 4 nguyên tắc: công khai minh bạch, bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước, chống tiêu cực, lợi ích nhóm; Đúng quy luật thị trường, hiệu quả, ổn định thị trường chứng khoán; Tuân thủ đúng quy định pháp luật về DN, thị trường chứng khoán và nguyên tắc quốc tế; Khẩn trương triển khai để đạt hiệu quả cao nhất về thoái vốn nhà nước.