Thoát hiểm bằng cách nào?

congly.com.vn| 13/04/2012 11:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bước sang nửa cuối năm 2011, thị trường bất động sản Việt Nam tỏ rõ sự suy giảm đáng kể và các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này bắt đầu “ngấm đòn”. Nhiều dự án buộc lòng phải “đắp chiếu” hoặc đã được khởi công xây dựng nhưng triển khai rất chậm. Xu hướng chung là hoạt động một cách cầm chừng, chứng tỏ dự liệu về một tương lai ít triển vọ



Những ngày sôi động của thị trường địa ốc đã lùi xa

Khó chồng lên khó!

Chưa khi nào các doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường bất động sản Việt Nam than khó nhiều như hiện nay. Vẫn là những yếu tố chung như tình hình lạm phát, giá cả đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao và nhất là thiếu vốn do chính sách tiền tệ thắt chặt, hạn chế dòng tiền đổ vào lĩnh vực phi sản xuất. Điều đó không chỉ bó buộc hoạt động của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này, mà còn khiến họ luôn cân nhắc về thực lực tài chính để có tiếp tục đầu tư hay không dù biết chắc sẽ nắm phần thua lỗ.

Ông Phạm Chí Sơn, Chánh Văn phòng, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết: doanh nghiệp đang rất chật vật huy động vốn cho các dự án nhà ở. Lãi suất vay ngân hàng để đáp ứng vốn cho những dự án này luôn ở mức từ 18-20%/năm, chưa kể những chi phí "mềm". Trong khi đó, các loại vật liệu đầu vào như xi măng, sắt, thép, xăng dầu phục vụ vận chuyển, kể cả giá nhân công lao động cũng đội lên theo lạm phát, khiến doanh nghiệp không biết xoay xở ra sao với trăm ngàn mối lo. Đó là chuyện của các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu uy tín, chưa nói đến những đơn vị nhỏ hơn, quy mô hoạt động hẹp hơn.

Ông Kiều Văn Linh, đại diện Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng, bày tỏ suy nghĩ: ở thời điểm nhiều biến động như hiện nay, nếu có đủ tài chính, cũng chẳng dại gì doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng vào các dự án bất động sản để ôm lấy rủi ro. Và mức lãi suất vay ngân hàng khoảng 23-24%/năm là quá sức chịu đựng khiến doanh nghiệp phải tính tới phương án giãn tiến độ thi công của nhiều công trình xây dựng nhà ở. Đây cũng là vấn đề “đau đầu” đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong cùng lĩnh vực này.

Từ tình trạng trên đã xuất hiện những tiêu cực trong kinh doanh bất động sản như vi phạm cam kết về tiến độ giao nhà, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hay chất lượng công trình không đảm bảo, việc một số chủ đầu tư tự ý tăng giá nhà so với hợp đồng mua bán… đang dẫn tới nhiều tranh chấp, khiếu kiện ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.

Tìm cách thoát hiểm

Nhiều chủ đầu tư phàn nàn rằng, dường như họ đang phải chống đỡ trước mọi áp lực của thị trường và sự siết chặt về cơ chế, chính sách. Sớm bình ổn thị trường bất động sản là mục tiêu trông đợi không chỉ của các nhà đầu tư, kinh doanh hay tham gia phát triển nhà ở và thị trường bất động sản mà còn của chính các cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên môn và toàn xã hội.

Báo cáo của Bộ Xây dựng trình Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản kết luận rằng, việc xiết chặt cho vay của các ngân hàng thương mại không chỉ tác động trực tiếp tới kế hoạch triển khai ở các dự án, dẫn tới việc phải dừng thi công, gây lãng phí, giảm nguồn cung cho thị trường bất động sản. Việc thiếu hụt nguồn vốn còn khiến hoạt động giao dịch bất động sản chậm lại và có nguy cơ đóng băng.

Ông Nguyễn Quang Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Indochina Land, tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới đang có nhiều hoạt động kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, trước mắt chưa thể nói nhiều về triển vọng của thị trường bất động sản.

Nhưng trước sức ép về biến động tỷ giá, lãi suất ngân hàng cộng với lạm phát luôn cao tới mức báo động thì khó có doanh nghiệp nào trụ vững, nên duy trì hoạt động một cách cầm chừng là cách tốt nhất để bảo đảm an toàn. Cũng vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp chưa có kế hoạch mở rộng đầu tư, mà chỉ tập trung triển khai tiếp những hạng mục công trình, những dự án hiện có.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng trong tình hình hiện nay, nên gợi mở và tạo lối thoát cho các doanh nghiệp bất động sản. Điều đó sẽ nhanh chóng giúp bình ổn thị trường. Điều quan trọng là phải kiểm soát và quản lý ra sao để minh bạch hóa các hoạt động giao dịch và lành mạnh hóa thị trường bất động sản.

Theo đó mới đây nhất, Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình thị trường bất động sản và kiến nghị một số giải pháp nhằm lành mạnh hóa hoạt động của thị trường như: Kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản để chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường; đổi mới các phương thức phát triển nhà ở; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, tăng nguồn cung cho thị trường; tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm và bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Có thể nói, trong giai đoạn dễ tổn thương như hiện nay, các doanh nghiệp và thị trường bất động sản rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan hoạch định chính sách. Việc sử dụng các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ngăn chặn nguy cơ phát triển quá nóng dẫn tới bong bóng bất động sản là cần thiết. Nhưng không nên đổ dồn vào cùng một thời điểm, tạo nên những cú sốc cho thị trường. Nếu thiếu sự đồng lòng, chung tay cùng chống đỡ, sự khó khăn và suy yếu của thị trường bất động sản Việt Nam sẽ chưa dừng ở đây.

Thạch Huê

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thoát hiểm bằng cách nào?