Thoái vốn từ “mẹ” sang “con”, EVN đang làm gì?

27/12/2013 13:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu cho giai đoạn 2012-2015 vào cuối năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành chuyển dần các khoản đầu tư, tuy nhiên hoạt động này vẫn còn dừng lại ở sự xoay vòng vốn cổ phần trong nội bộ.

Tới 2015, thoái toàn bộ khỏi ngân hàng và bất động sản

Một vấn đề trong quyết định tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ (TTCP) phê duyệt là đến hết năm 2015, hoàn thành việc thoái vốn của EVN tại 6 đơn vị, trong đó có 3 công ty trong ngành tài chính và 3 công ty thuộc lĩnh vực bất động sản:

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank); CTCP Chứng khoán An Bình (ABS); CTCP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC); CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina (LandSaiGon); CTCP Bất động sản Điện lực Miền Trung (EVNLand); CTCP Đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam (EVNIC).

Bảng các đơn vị ngoài ngành đến 2015 EVN phải hoàn thành thoái vốn

Thoái vốn từ “mẹ” sang “con”, EVN đang làm gì?

Hiện EVN đã chuyển nhượng 1 triệu cổ phần tại CTCP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) từ EVN sang Công ty International ERGO, giảm tỷ lệ sở hữu từ 22.5% xuống còn 20%, thu về 26 tỷ đồng.

Công ty International ERGO là công ty bảo hiểm của Đức, trực thuộc Tập đoàn ERGO. Từ mức sở hữu 25% cổ phần từ GIC, sau khi mua thêm 2.5% vốn của EVN cùng 7.5% vốn từ các cá nhân bên ngoài, ERGO hiện đã sở hữu 35% vốn của GIC.

Đối với tổ chức tín dụng là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), kể từ ngày 11/12/2013, EVN đã hoàn tất chuyển nhượng 25.2 triệu cổ phần (5.25%) ABBank cho CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) bằng mệnh giá. Sau giao dịch, EVN vẫn còn nắm gần 76.9 triệu cổ phần ABBank, tương ứng 16.02% vốn ABBank.

Với việc mua thêm 25.2 triệu cp ABBank trên, nhóm cổ đông Geleximco trở thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này, ước tính nắm giữ trên 23% vốn ABBank. Chủ tịch HĐQT của Geleximco là ông Vũ Văn Tiền cũng chính là Chủ tịch HĐQT của ABBank.

Còn tại 4 đơn vị còn lại là CTCP Chứng khoán An Bình (ABS), CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina (LandSaiGon), CTCP Bất động sản Điện lực Miền Trung (EVNLand), CTCP Đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam (EVNIC) chưa thấy EVN đề cập dến vấn đề thoái vốn.

Tái cơ cấu, cổ phần chuyển từ “mẹ” qua “con”

Bên cạnh việc tập trung thoái vốn tại ngân hàng, bất động sản, trong tiến trình tái cơ cấu, EVN cũng tiến hành thoái vốn và bàn giao quyền điều hành tại các công ty đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán.

Theo thống kê của Vietstock, tính đến thời điểm giữa tháng 12/2013, EVN đã bàn giao tại một số đơn vị thuộc lĩnh vực điện đang niêm yết như PPC, BTP, TMP, VSH và TBC. Tuy nhiên việc này còn mang tính nội bộ khi vốn cổ phần chỉ xoay vòng giữa các công ty “mẹ” và “con”.

Thoái vốn từ “mẹ” sang “con”, EVN đang làm gì?

Sơ đồ các công ty thuộc tập đoàn EVN

Cụ thể, ngày 17/09, EVN đã thoái hết 36,341,500 cp TMP của Thủy điện Thác Mơ, tương đương tỷ lệ 51.92% vốn cho Tổng công ty Phát điện 2 (EVN Genco2).

Qua tháng 10, EVN thoái vốn tại Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) bằng việc bán toàn bộ 48,123,557 cổ phiếu BTP, tương đương tỷ lệ sở hữu 79.56%. Đối tác nhận mua số chứng khoán này là Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco3).

Đến tháng 11, toàn bộ hơn 166 triệu cổ phiếu PPC tương ứng 51% vốn được EVN chuyển nhượng thành công cho EVN Genco2. Và mới đây nhất ngày 12/12, EVN chuyển giao hơn 63 triệu cp VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (30.55% vốn) và hơn 19 triệu cp TBC của Thủy điện Thác Bà (30% vốn) cho EVNGenco3.

Các công ty như EVN Genco2, EVN Genco3 đều là những công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ và chỉ mới được thành lập trong vòng 1 năm trở lại đây.

Trong đó, EVN Genco2 hiện hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng, cơ khí điện lực, đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án nguồn điện,… Sau khi thực hiện các hợp đồng nhận chuyển nhượng từ công ty mẹ EVN, EVN Genco2 đang nắm 100% vốn của Công ty TNHH Một thành viên Nhiệt điện Thủ Đức và Công ty TNHH Một thành viên Thủy điện Trung Sơn; nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của PPC, TMP, Nhiệt điện Hải Phòng, Thủy điện Sông Ba Hạ, Thủy điện A Vương.

Còn EVN Genco3, đơn vị này được thành lập ngày 01/06/2012 nhưng chính thức hoạt động từ ngày 01/01/2013 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện. EVN Genco3 hiện nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) và Nhiệt điện Ninh Bình (NBP). Bên cạnh đó, đơn vị này cũng nắm giữ dưới 50% vốn tại các công ty là Thủy điện Thác Bà (TBC), Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), Đầu tư và phát triển điện Sê San 3A, Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2, Điện Việt Lào, TNHH dịch vụ năng lượng ALSTOM – PMTP.

Thoái vốn từ “mẹ” sang “con”, EVN đang làm gì?

EVN đã thoái hết vốn tại PPC, TBC, BTP, TMP và VSH

Bên cạnh EVN, một công ty con khác của EVN là Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) cũng thoái vốn tại một số công ty đang niêm yết như TBC, TMP. Cụ thể, ngày 11/07 EVN Finance đã bán 2 triệu cổ phiếu TBC, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 3.07% và không còn là cổ đông lớn. Ngày 26/08, EVN Finance đã bán thỏa thuận hết 16,109,210 cp TMP, tương đương 23.013% vốn. Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sở hữu 40% vốn điều lệ của EVN Finance, bên cạnh đó, Ngân hàng An Bình cũng sở hữu 8,4% vốn điều lệ EVN Finance.

Duy Hoàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thoái vốn từ “mẹ” sang “con”, EVN đang làm gì?