Thoái vốn tại Sabeco: Phép thử cho Luật Cạnh tranh

PV| 22/11/2017 14:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với kế hoạch thoái vốn tại Sabeco vừa được Chính phủ thông qua theo Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 9/11/2017, có lẽ đã có ngay một phép thử cho khả năng thực thi Luật Canh tranh của cơ quan quản lý trực tiếp vấn đề này.

Trong phiên thảo luận dự án Luật Cạnh tranh sửa đổi tại Quốc hội tuần trước, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra các ý kiến cần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhiệm vụ này không đơn giản, đặc biệt đối với các cơ quan vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh vừa thực hiện vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Với kế hoạch thoái vốn tại Sabeco vừa được Chính phủ thông qua theo Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 9/11/2017, có lẽ đã có ngay một phép thử cho khả năng thực thi Luật Canh tranh của cơ quan quản lý trực tiếp vấn đề này.

Thoái vốn tại Sabeco: Phép thử cho Luật Cạnh tranh

Ảnh minh họa

Theo công bố của Bộ Công Thương tháng 9 vừa qua, có ít nhất 7 công ty bia nước ngoài đang quan tâm mua cổ phần của Sabeco là Heineken, Anheuser-Busch, SABMiller, Asahi, Kirin, Singha và Thai Beverage. Chưa kể một số đại gia trong nước như Massan hay T&T hiện đang kinh doanh bia và cũng có thể quan tâm đến Sabeco.  

Với kinh nghiệm sẵn có, các doanh nghiệp này sẽ có năng lực đáp ứng được tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư do Chính phủ đặt ra: cam kết giữ gìn và phát triển thương hiệu bia của Sabeco sau khi thực hiện thoái vốn nhà nước. Tuy nhiên, nếu một trong các doanh nghiệp đó trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco, hiện đang nắm giữ hơn 43% thị phần ngành bia, các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế (TTKT) theo Luật Cạnh tranh sẽ được kích hoạt, và các bên tham gia thương vụ sẽ phải nộp hồ sơ thông báo TTKT lên Bộ Công Thương.

Dự kiến, số lượng cổ phần của Sabeco được bán ra có thể lên tới 53.59% vốn điều lệ, cho phép nhà đầu tư kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. Thậm chí, kể cả khi mua được số lượng cổ phần ở mức trên 25% hay trên 35%, theo Luật Doanh nghiệp nhà đầu tư đã có quyền chi phối đáng kể hoạt động của doanh nghiệp với quyền phủ quyết các quyết định quan trọng về phê duyệt phương án kinh doanh hay bán tài sản.

Trên thực tế, tại nhiều doanh nghiệp, “nhà đầu tư chiến lược” chỉ cần nắm 10% - 15% cổ phần đã có thể chia sẻ rất nhiều thông tin và lợi ích với doanh nghiệp họ đầu tư, và hai bên không còn có thể cạnh tranh sòng phẳng với nhau trên thị trường nữa. Vì vậy, tại các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, yêu cầu kiểm soát TTKT giữa các doanh nghiệp lớn cùng ngành nghề là rất cần thiết để ngăn chặn xu thế độc quyền hoá, bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh và lợi ích người tiêu dùng.

Đơn cử như nếu bên mua trong thương vụ thoái vốn Sabeco là Heineken, doanh nghiệp lớn thứ 2 thị trường với khoảng 32% thị phần. Nếu kết hợp lại, thị phần chung của hai doanh nghiệp này sẽ lên tới 75%, hay 3/4  sản lượng bia toàn quốc. Khoanh vùng hẹp hơn, tại thị trường miền Nam, nơi đặt 16/24 nhà máy bia của Sabeco và 3/5 nhà máy bia của Heineken, thị phần kết hợp của hai doanh nghiệp này còn có thể lớn hơn nhiều.

Theo Luật Cạnh tranh, giao dịch TTKT sẽ bị cấm nếu các bên tham gia có thị phần kết hợp chiếm hơn 50% thị trường liên qua và các bên thực hiện TTKT thuộc trường hợp bị cấm sẽ bị xử phạt đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Hãng tin tài chính quốc tế Financial Times cũng có ý kiến cho rằng các quan ngại về pháp luật cạnh tranh có thể ngăn cản khả năng Heineken tăng tỷ lệ sở hữu tại Sabeco (từ mức 5% hiện nay).

Luật Cạnh tranh cũng cho phép các bên liên quan trong một giao dịch TTKT bị cấm có thể nộp hồ sơ xin hưởng miễn trừ lên Bộ Công Thương để thẩm định trình Thủ tướng quyết định nếu thuộc trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia TTKT đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản, hoặc việc TTKT có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ. Thời hạn thẩm định hồ sơ là 90 ngày, trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp có thể kéo dài đến 180 ngày.

Việc Bộ Công Thương thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco tới đây có thể sẽ là một thách thức lớn để vừa đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước, đồng thời vẫn tuân thủ quy định pháp luật về doanh nghiệp, cạnh tranh, thị trường chứng khoán và các cam kết quốc tế. Nếu bên mua trả giá cao nhất lại rơi vào trường hợp TTKT bị cấm, Bộ sẽ phải tìm phương án giải bài toán khó để đảm bảo cả hai tiêu chí thu ngân sách và tuân thủ đúng pháp luật.

LUẬT CẠNH TRANH

Điều 18. Trường hợp tập trung kinh tế bị cấm

Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật này hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm

Tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 của Luật này có thể được xem xét miễn trừ trong các trường hợp sau đây:

1. Một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản;

2. Việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.

Điều 20. Thông báo việc tập trung kinh tế

1. Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.

Trường hợp thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế thấp hơn 30% trên thị trường liên quan hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật thì không phải thông báo.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thoái vốn tại Sabeco: Phép thử cho Luật Cạnh tranh