Thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn: Một quyết định có lợi nhiều mặt

26/10/2015 10:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cách đây hơn một tuần, Chính phủ vừa có quyết định thoái vốn tại 10 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT Telecom, Tổng công ty Bảo Minh, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh…

Các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia kinh tế đánh giá cao quyết định này.

Thay đổi nhận thức về chức năng của Nhà nước

Chính phủ đã quyết định yêu cầu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT Telecom, Tổng công ty Bảo Minh, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh… Dự kiến việc thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp trên có thể giúp Nhà nước thu về khoảng 3 tỷ USD. Riêng Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) có giá trị khoảng 2,5 tỷ USD, các doanh nghiệp còn lại có giá trị khoảng 500 triệu USD.

Bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, hiện là người đứng đầu Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chia sẻ thêm về quyết định trên đây của Chính phủ: Chủ trương của Chính phủ trong sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã có từ lâu, trong đó có việc thoái vốn ở những doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực then chốt hay địa bàn trọng yếu, là những nơi mà doanh nghiệp tư nhân có thể làm được và làm tốt.

Thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn: Một quyết định có lợi nhiều mặt

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Đối chiếu với tiêu chí này thì các doanh nghiệp mà Chính phủ yêu cầu SCIC lên lộ trình và phương án thoái vốn mới đây đều thuộc danh mục không cần Nhà nước nắm giữ. Ngoài ra, thông qua thoái vốn, Chính phủ muốn đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp, để Nhà nước rút nguồn lực tập trung vào những nơi mà các thành phần khác không được làm hoặc không muốn làm. Thoái vốn cũng là cách giúp doanh nghiệp thay đổi phương thức quản lý theo hướng hiệu quả hơn. Trong nhiều doanh nghiệp, đây có khi còn là tiêu chí quan trọng nhất.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TPHCM hoan nghênh quyết định này: “Câu chuyện ở đây là quyết định trên đã đưa ra tín hiệu quan trọng thay đổi nhận thức về chức năng của Nhà nước - Nhà nước không đi làm kinh doanh mà hỗ trợ, xây dựng quốc kế dân sinh và sử dụng hiệu quả nguồn lực mà Nhà nước đang có. Quyết định này tạo niềm tin để thị trường thấy rằng Nhà nước làm đúng vai trò của mình và chuyện gì của thị trường thì để thị trường quyết định”.

Còn theo ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc bán vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là chủ trương lớn được xác định từ trước. Trong quá trình đổi mới doanh nghiệp thì một số hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa có chậm trễ vì những nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng dù thế nào cũng phải đẩy mạnh việc bán, thoái vốn nhà nước ra khỏi những lĩnh vực mà Nhà nước không cần chi phối, quản lý để hỗ trợ cho khối tư nhân có “đất” để phát triển.

Thúc đẩy cổ phần hóa

Nhìn nhận quyết định này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, bà rất hoan nghênh chính sách này, đây là một quyết định đúng đắn của Chính phủ, có lợi cho nhiều mặt.

Thứ nhất, đối với lĩnh vực như của Vinamilk, FPT và một số doanh nghiệp khác mang tính chất thương mại cao, không nằm trong những dịch vụ thiết yếu kiểu như điện, xăng dầu, hạ tầng… Chính vì thế không có lý do để Nhà nước phải giữ lĩnh vực này.

Thứ hai, việc thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau. Các doanh nghiệp vẫn có mặc cảm là họ thường bị thua thiệt so với doanh nghiệp nhà nước, cho nên với lĩnh vực mang tính chất thương mại thì phải đặt các doanh nghiệp trong cùng một mặt bằng thương mại như nhau.

Thứ ba, nếu vẫn duy trì phần vốn ở đấy chỉ tạo thêm gánh nặng cho SCIC và các cơ quan nhà nước vì phải có trách nhiệm vận hành doanh nghiệp. Nhưng đôi khi trách nhiệm đó lại có thể có mâu thuẫn với một đằng là quản lý doanh nghiệp nhà nước, một đằng là chính sách.

Thứ 4, Nhà nước nên thu từ thuế hơn là thu với tư cách là từ chủ sở hữu. Với cả 10 doanh nghiệp có sức cạnh tranh rất tốt trên thương trường, đặc biệt là Vinamilk, FPT thì họ sẽ nộp thêm cho Nhà nước chứ họ không làm giảm đồng thu ngân sách nào từ nguồn đóng góp vào.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc Chính phủ yêu cầu SCIC cổ phần hóa 10 doanh nghiệp này là hợp lý, thúc đẩy cổ phần hóa ở những doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Tiến trình thoái vốn được đưa ra trong 5 năm nay nhưng việc thực hiện vẫn còn chậm. Sau khi thoái vốn, các doanh nghiệp này sẽ trở thành những doanh nghiệp tư nhân đi sát thị trường, đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu nên cách vận hành của họ sẽ hiệu quả hơn.

PGS.TS Bùi Quang Bình - Tạp chí Khoa học kinh tế (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) khẳng định: SCIC thoái vốn sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới cho các doanh nghiệp, chắc chắn doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn. Thống kê của Ban cải cách Chính phủ chỉ rõ, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn đều hiệu quả tốt hơn, tuy nhiên hiệu quả đến đâu còn tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh cụ thể.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cái lợi của Nhà nước trong việc bán và không bán cổ phần ở chỗ với doanh nghiệp phát triển như Vinamilk, nếu giữ nguồn vốn nhà nước được hưởng lợi từ lợi cổ tức hàng năm của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu bán cổ phần cho nhà đầu tư giúp Vinamilk tăng vốn, hoạt động hiệu quả, Nhà nước lại thu được nhiều thuế hơn.

Công khai và minh bạch

Bà Phạm Chi Lan cho rằng quyết định thoái vốn là đúng đắn nhưng điều đáng lo ngại là lộ trình thoái vốn như thế nào? Tiền thoái vốn dùng vào việc gì?

Theo bà Lan để việc thoái vốn đảm bảo hiệu quả quan trọng nhất là phải hết sức minh bạch để việc ai quyết định mua vốn là theo cạnh tranh thị trường, Nhà nước không nên can thiệp nhiều và cũng đừng chỉ sẵn ra một số địa chỉ. Minh bạch tối đa cũng giúp Nhà nước đỡ bị thua thiệt, tránh trường hợp vốn của Nhà nước sẽ chui vào túi của một số cá nhân có quyền nhất định để tham gia vào chứ không phải những nhà đầu tư giỏi có năng lực thật sự

Bà Phạm Chi Lan còn nhấn mạnh: “Dứt khoát số tiền này phải được sử dụng đầu tư trở lại cho phát triển kinh tế. Đừng để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt ngân sách hiện nay nhất là thiếu chi thường xuyên hoặc những dự án đầu tư không hợp lý. Tôi nghĩ là Nhà nước phải kiên quyết trong việc sử dụng và công khai hóa, minh bạch hóa việc sử dụng vốn quốc gia chi vào đâu, tiêu vào đâu”.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, đến giờ này việc thoái vốn vẫn là chủ trương, SCIC phải đưa ra lộ trình, kế hoạch cụ thể. Tiền thoái vốn nên đầu tư vào những ngành khác hơn là trám những lỗ hổng về thâm hụt ngân sách.

Ông Bùi Đức Thụ cũng bày tỏ quan điểm việc bán hết cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp này phải được (SCIC thực hiện công khai trên thị trường chứng khoán để cho giá trị tốt nhất. Mới đây, trong báo cáo dịp kỷ niệm 10 năm thành lập SCIC, Tổng công ty này cho biết việc bán vốn Nhà nước ở hơn 800 doanh nghiệp trong 10 năm qua đã cho doanh thu 9.243 tỉ đồng, mang lại khoản lợi nhuận tới 5.360 tỉ đồng cho Nhà nước. Trong khi đó, trong số những doanh nghiệp mà SCIC sẽ bán hết vốn Nhà nước lần này có những doanh nghiệp có giá trị rất lớn như Vinamilk mà Nhà nước nắm giữ tới 45,1% tổng số vốn. Với tỉ lệ này, giá trị vốn Nhà nước tại đây sẽ là nhiều tỉ USD. n

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn: Một quyết định có lợi nhiều mặt