Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng, người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề: “Tại sao dịch bùng phát từ 1-2 tỉnh, nay đã là 7 tỉnh và có nguy cơ lan rộng? Vì thiếu tiền, thiếu cách làm hay vô ý thức để dịch lan ra?".
Có thể nói, câu hỏi của Thủ tướng đặt ra rất đúng trọng tâm về nguyên nhân, nguồn gốc dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan thời gian vừa qua. Bởi, ngoài một số nguyên nhân khách quan thì việc thiếu ý thức của một số người dân trong việc phòng, chống, dập dịch ngay khi nó mới manh nha đã làm cho dịch bệnh ngày càng gia tăng, lây lan hết sức nghiêm trọng.
Không chỉ riêng dịch tả lợn châu Phi mà nhiều bệnh dịch khác, nguyên nhân chủ yếu làm lây lan dịch bệnh là do việc vô ý thức, thiếu tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của người dân, kể cả cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Nhiều trường hợp do không có biện pháp quyết liệt, hữu hiệu phòng ngừa dịch bệnh kịp thời, cùng với đó là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường kém nên dịch bệnh có điều kiện lây lan. Chính điều này đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của đất nước.
Kiểm soát chặt dịch tả lợn châu Phi đến từng hộ dân
Vào dịp trước Tết Nguyên đán 2018, một số địa phương đã xảy ra dịch lỡ mồm long móng ở gia súc. Nhiều nơi người dân lén vứt lợn đã chết ra đường, ra kênh rạch, mùi hôi thối bốc lên khắp nơi. Đây không chỉ là hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm ra cộng đồng.
Do đó, để chống dịch, dập dịch nhanh chóng, có hiệu quả thì vấn đề đặt ra là phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người, nhất là các hộ chăn nuôi trong việc phòng ngừa, khống chế dịch bệnh ngay khi nó mới xảy ra. Bên cạnh đó, vì lợi nhuận, tiếc của mà một số người đã giấu dịch hoặc cố tình mua bán, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết... nên cần có quy định, chế tài nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân vì ý thức kém, thiếu tinh thần trách nhiệm làm lây lan dịch bệnh. Điều này nhằm góp phần nâng cao ý thức của mọi người dân, lực lượng chức năng trong việc phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời cũng nên đưa ra mức hỗ trợ thỏa đáng cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Như vậy không chỉ giúp người chăn nuôi giảm bớt phần nào thiệt hại, có nguồn vốn để tái đầu tư mà quan trọng hơn là hạn chế tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường làm dịch bệnh lây lan.