Đời sống

Thiết thực chăm lo, bảo vệ người lao động

Bạch Đằng 01/05/2023 07:15

Trong Tháng Công nhân (từ ngày 1 đến 31/5), TP. Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hướng về doanh nghiệp, cơ sở, giúp đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Hướng về đoàn viên, người lao động

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội Phạm Quang Thanh, Tháng Công nhân năm 2023 diễn ra đúng vào dịp Đại hội Công đoàn các cấp. Vì vậy, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã xây dựng và triển khai rất sớm kế hoạch tổ chức Tháng Công nhân năm 2023, trong đó gồm những hoạt động trọng tâm như: Diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”; hoạt động “Cảm ơn người lao động”; chương trình “Đối thoại tháng 5”.

Ở cấp thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức Lễ phát động “Tháng Công nhân” và “Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động”; khám, tư vấn sức khỏe cho công nhân, lao động; tuyên dương 100 “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2023... Ngoài ra, công đoàn còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà công nhân bị tai nạn lao động nặng, mắc bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ 2.000 đoàn viên, người lao động khó khăn.

anh-30.4-3.-cong-nhan-trong-day-chuyen-san-xuat-tai-phan-xuong-san-xuat-cua-may-10.jpg
Công nhân trong dây chuyền sản xuất tại phân xưởng sản xuất của May 10.

“Chúng tôi cũng khuyến khích công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, các công đoàn ngành, cơ sở tổ chức hoạt động “Kết nối trái tim”, tạo điều kiện để công nhân tìm hiểu, kết đôi, xây dựng hạnh phúc gia đình; huy động các nguồn lực để chăm lo cho người lao động...”, ông Thanh cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, so với các năm trước, Tháng Công nhân năm nay công đoàn cơ sở đăng ký và triển khai có hiệu quả ít nhất một việc làm cụ thể chăm lo phúc lợi cho đoàn viên. 

“Rất mừng là đến nay, chúng tôi đã nhận được nội dung đăng ký các việc làm tiêu biểu, điển hình, có tính khả thi và nhân rộng của 4.975 công đoàn cơ sở doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với đoàn viên và người lao động tiếp tục được nâng cao; vị thế của tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới tiếp tục được khẳng định”, ông Thanh nói.

Ngoài ra, các hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân, lao động cũng thường xuyên được tổ chức để lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân lao động về việc làm, thu nhập và đời sống; qua đó, tổng hợp và phản ánh ý kiến tới Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm khả thi, sát thực tế.

Tạo sự gắn kết chặt chẽ 

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của công nhân, người lao động. Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình hình việc làm, đời sống, chế độ bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thưởng của đoàn viên, người lao động hiện tại vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

anh-30.4-2-a-thanh.jpg
Ông Phạm Quang Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội trao quà tặng đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động.

Chăm lo đời sống người lao động cần có sự đồng lòng, chung tay của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương bám sát tình hình cơ sở, nhất là các đơn vị bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để kiến nghị với người sử dụng lao động trong việc đề ra những giải pháp phù hợp khắc phục khó khăn, bảo đảm chế độ chính sách cho công nhân, người lao động theo quy định.

Để các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động không chỉ là điểm nhấn trong Tháng Công nhân, công đoàn Thủ đô luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong tình hình mới.

Cùng với đó, công đoàn Thủ đô cũng cố gắng nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là các văn pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động như: Việc làm, tiền lương, bảo hiểm; nhà ở và các thiết chế phục vụ đoàn viên, người lao động. 

Công đoàn chủ động phối hợp với người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động, kịp thời chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động; đồng thời, nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết và tăng cường giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp; chú trọng thương lượng về tiền lương, thưởng, chất lượng bữa ăn giữa ca, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho công nhân…

“Đích đến là tạo gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên và tổ chức công đoàn, để Công đoàn Thủ đô thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Nhân “Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân” năm 2023, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã trích 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và bị tai nạn lao động trên địa bàn thành phố (mỗi trường hợp được hỗ trợ từ 1 đến 3 triệu đồng). Thành phố trao tặng 100 suất quà tặng người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động và 50 suất quà cho con công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn (mỗi suất quà trị giá 1,5 triệu đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực chăm lo, bảo vệ người lao động