Trong nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của lễ hội Tịch điền, phải kể tới Hội thi vẽ trang trí Trâu diễn ra trọn ngày mùng 6 Tết. Đây là một trong những sự kiện độc đáo thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách.
Theo các văn tự cổ, lễ Tịch điền bắt nguồn từ thời Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) năm 987, cách nay chừng 1027 năm. Thủa ấy, mỗi độ xuân về, vua cùng văn võ bá quan về cánh đồng dưới chân núi Đọi, nay thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, làm lễ Tịch điền. Sau ba đường cày của vua, các quan cũng lần lượt xuống ruộng cày một vài đường nhằm khích lệ nông dân chăm lo sản xuất, phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển lúa nước.
Các họa sĩ trổ tài vẽ trâu tạo không khí vui vẻ tại lễ hội
Trong lễ Tịch điền đầu tiên ở Việt Nam diễn ra vào năm 987 ấy, khi cày ruộng, vua Lê Đại Hành đã phát hiện được một hũ vàng. Năm sau (988), nhà vua cày ở thửa ruộng khác lại được một hũ bạc. Vì thế mà hai thửa ruộng này được đặt tên là “Kim ngân điền”. Thực ra, số vàng, bạc ấy là do vua cho người chôn sẵn, nhằm khích lệ nhân dân ham cày ruộng thì có ngày sẽ “bắt được vàng”. Ý nghĩa sâu xa hơn là siêng năng cày cấy là sẽ làm ra vàng bạc.
Lễ tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị Vua đối với người nông dân mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp.
Năm nay, lễ hội Tịch điền diễn ra trong 3 ngày từ mùng 5 đến mùng 7 Tết Âm lịch. Trong nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc, phải kể tới Hội thi vẽ trang trí Trâu diễn ra trọn ngày mùng 6 Tết. Đây là một trong những sự kiện độc đáo thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách. Được biết, những con trâu được trang trí này sẽ theo “nhà vua” xuống ruộng cày vào lễ Tịch điền được tổ chức hàng năm.
Từ mờ sáng, các chú trâu “nền” được ban tổ chức lễ hội chọn lựa từ các thôn xóm trong vùng, đã được các chủ trâu tập kết tại bãi gần sân khấu chính để sẵn sàng làm giá vẽ cho họa sĩ. Cũng có mặt từ rất sớm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam và các vị lãnh đạo huyện Duy Tiên cùng các họa sĩ của tỉnh nhà chào đón các họa sĩ từ Hà Nội về giao lưu. Các họa sĩ tham gia đều được trân trọng trao cờ lưu niệm và bốc thăm mã số trâu của mình.
Tác phẩm đoạt giải nhất
Đúng 9h sáng, sau hồi trống khai hội , các họa sĩ tỏa về khu sân bãi nhận trâu và bắt đầu công việc với bút, màu. Các ý tưởng nghệ thuật tạo hình của các họa sĩ nhanh chóng được thể hiện. Các họa sĩ chủ nhà Hà Nam có khuynh hướng trang trí các biểu tượng truyền thống như cảnh canh tác nông nghiệp, mây trời, âm dương ngũ hành… Các họa sĩ từ thủ đô Hà Nội tập trung thể hiện thể yếu tố trang trí, đồ họa với tạo hình ngựa trên cơ thể trâu.
Sau một ngày làm việc miệt mài của các họa sĩ, thành 20 tác phẩm trên 20 chú trâu đã được hoàn thành với vẻ đẹp sống động, rực rỡ sắc màu, đề tài phong phú, ấn tượng. Ban giám khảo đã gặp khá nhiều khó khăn trong việc xem xét, so sánh, cân nhắc kỹ lưỡng để tìm ra 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 3 giải Ba trong số 20 tác phẩm xuất sắc trên. Giải nhất năm nay thuộc về con trâu mang số báo danh 02 được vẽ bởi họa sĩ Lê Thị Lựa, hội viện Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Xuất phát từ ý tưởng năm Giáp Ngọ nên họa sỹ Lựa đã chọn tông màu vàng và đỏ làm chủ đạo, trên thân trâu có biểu tượng yên ngựa tượng trưng cho sự cứng cáp, trống đồng Ngọc Lũ tượng trưng cho bản sắc dân tộc và hình đồng tiền, lúa vàng tượng trưng cho sự ấm no và phú quý.
Hội thi vẽ trang trí trâu cùng hòa vào không khí lễ hội “Tịch Điền Đọi Sơn” đã làm nên nét văn hóa độc đáo, tiếp nối truyền thống mà vẫn mang hơi thở đương đại, cũng như góp phần khuyến khích, cổ vũ nhân dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của đất nước.