Thị trường Tết Bính Thân: Đảm bảo nguồn cung, tăng cường kiểm soát giá

Hương Lan| 29/01/2016 15:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị tốt trên cơ sở bám sát nhu cầu thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát giá cả.

Hơn 230.000 tỉ đồng hàng hóa phục vụ Tết

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Để bảo đảm chuẩn bị tốt các điều kiện cho người dân đón năm mới và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, điều hành, nhằm bình ổn thị trường dịp Tết. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, DN chuẩn bị tốt nguồn hàng, tổ chức các chương trình, phương án phục vụ Tết, các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; chuẩn bị tốt các mặt hàng chính sách cung ứng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa…

Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ  đạo, trong tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu trong dịp Tết, phối hợp với một số Bộ, ngành (Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, NHNN) tổ chức đoàn làm việc tại một số địa phương về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và triển khai chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm của các địa phương. Đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh, thành phố đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ trong các tháng cuối năm 2015 và Tết Nguyên đán, trong đó có 40 địa phương thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.

Thị trường Tết Bính Thân: Đảm bảo nguồn cung, tăng cường kiểm soát giá

Nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong dịp Tết

Theo xu hướng của những năm gần đây, năm nay nhiều địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách mà làm theo phương thức kết nối các tổ chức tín dụng với DN có nhu cầu tham gia Chương trình hoặc DN tự nguyện tham gia không nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách.

Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, DN, hộ kinh doanh chuẩn bị trên cơ sở bám sát nhu cầu thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Đồng thời các DN cũng chuẩn bị các hoạt động khuyến mại, đẩy mạnh tiêu thụ dịp trước Tết và không để tồn nhiều hàng sau Tết.

Theo báo cáo đánh giá sơ bộ, lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết ước đạt hơn 230.000 tỉ đồng, tăng khoảng 10-15% so với Tết năm trước.

Với sức mua dự báo không tăng quá cao và sự chuẩn bị về nguồn hàng hóa phục vụ Tết khá chu đáo của các địa phương nếu không có vấn đề bất thường, nguồn cung hàng hóa này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bảo đảm các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Tổ chức tốt hệ thống phân phối

Ông Võ Văn Quyền cho biết: Bên cạnh công tác chuẩn bị nguồn hàng, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp với nhiều địa phương tiếp tục chú trọng tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng phục vụ Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn.

Hàng hóa phục vụ Tết được lưu thông qua gần 8.600 chợ, hơn 750 siêu thị và khoảng 150 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, các chuyến bán hàng lưu động trên khắp cả nước và bày bán tại các hội chợ xuân, chợ nông sản phục vụ Tết, phiên chợ hàng Việt...

Trước đó, trong dịp cuối năm 2015, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức 3 Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM thu hút gần 1.000 DN tham gia. Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các thành phố lớn tổ chức các Hội nghị phổ biến mô hình chuỗi cửa hàng bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời giới thiệu kết nối đưa các sản phẩm thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối của các DN phân phối lớn nêu trên.

Bên cạnh việc bảo đảm nguồn cung, cũng như chất lượng sản phẩm, công tác kiểm soát giá cả trong dịp Tết năm nay được chú trọng hơn. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra dịp trước, trong và sau Tết, tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra, giám sát chất lượng, giá bán hàng hóa tại các hội chợ…

Bên cạnh đó, nhằm giảm áp lực cho thị trường những ngày cận Tết, tránh tình trạng tăng giá đột biến đối với những mặt hàng có nhu cầu cao, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương và DN tăng thời gian phục vụ Tết tại các điểm bán hàng bình ổn theo hướng nghỉ Tết muộn, nhiều siêu thị đã cam kết sẽ phục vụ đến tối ngày 29 Tết (do năm nay tháng Chạp không có ngày 30) và mở cửa sớm vào mùng 2 Tết. Một số DN bố trí điểm bán hàng không nghỉ Tết nhằm hạn chế tâm lý mua hàng tích trữ gây tăng giá những ngày giáp Tết và sau Tết.

Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Chỉ thị 02/CT-BTC, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã tổ chức ba đoàn công tác kiểm tra, nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá tại các địa phương năm 2015, Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 và kế hoạch thực hiện cho năm 2016.

Về kế hoạch, biện pháp quản lý, điều hành giá và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, các đoàn công tác của Bộ Tài chính sẽ kiểm tra công tác dự báo diễn biến cung cầu, tình hình giá cả dịp Tết tại các địa phương cũng như kế hoạch triển khai, các biện pháp cụ thể thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành về việc đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá.

Đặc biệt, các đoàn kiểm tra cũng sẽ tiến hành kiểm tra các biện pháp tăng cường quản lý giá cước vận tải của các địa phương. Trong đó tập trung tìm hiểu tình hình diễn biến giá cước vận tải hành khách bằng ô tô tại địa phương năm 2015 và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường Tết Bính Thân: Đảm bảo nguồn cung, tăng cường kiểm soát giá