Thị trường bán lẻ: Cuộc "so găng" nội - ngoại

Trần Lan| 05/05/2016 15:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự đổ bộ của các nhà các nhà bán lẻ ngoại từ Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là việc Central Group (Thái Lan) thâu tóm Big C thực sự đang gây sức ép lớn lên các doanh nghiệp trong nước.

Cuộc đổ bộ của doanh nghiệp bán lẻ ngoại

Ngày 29/4 vừa qua, tập đoàn Casino (Pháp) công bố bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam cho tập đoàn Central Group (Thái Lan). Theo đó, tập đoàn của tỷ phú Thái Lan Chirathivat đã chi 1,14 tỷ USD để chính thức làm chủ Big C Việt Nam với hệ thống gồm 32 siêu thị, đại siêu thị và trung tâm thương mại trải dài trên nhiều tỉnh thành; 10 cửa hàng thực phẩm tiện lợi và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn tại Việt Nam. Central Group chính là doanh nghiệp  đang nắm  49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Cuối năm 2015, tập đoàn này cũng mua cổ phẩn của Lan Chi Mart, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực siêu thị hiện đại tại nông thôn - một phân khúc thị trường vốn được xem là của các nhà bán lẻ trong nước.

Thị trường bán lẻ: Cuộc

Big C chính thức về tay tập đoàn Central Group (Thái Lan). Ảnh: T.Lan

Central Group không phải là doanh nghiệp ngoại duy nhất đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đó đã có hàng loạt những “ông lớn” trong ngành bán lẻ tham gia vào thị trường Việt như Aeon Mall (Nhật Bản); Lotte (Hàn Quốc), Berli Jucker (Thái Lan)...Con số thống kê cho thấy, trong số 8 doanh nghiệp thâu tóm hệ thống phân phối tại Việt Nam thì có đến 3 doanh nghiệp Nhật Bản, 3 doanh nghiệp Thái Lan, 1 doanh nghiệp Hàn Quốc và 1 doanh nghiệp Hồng Công (Trung Quốc). Những doanh nghiệp bị thâu tóm chủ yếu là hệ thống bán lẻ như siêu thị Citimart, Fivimart, Trần Anh, Diamond Plaza, Indochina Plaza Hà Nội, Pico và Metro.

Thị phần chuỗi bán lẻ hiện đại Việt Nam hiện nay mới đạt mức 25%. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực khu vực châu Á như Thái Lan (34%), Malaysia (60%), Phillippines (33%) Singapore ( 90%)... Bên cạnh đó, đến năm 2018 thuế suất nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm mạnh, đặc biệt với Hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA), thuế hầu hết các mặt hàng đều giảm về 0% và mức thuế suất cao nhất chỉ là 5%, nên các nhà đầu tư ngoại không bỏ lỡ cơ hội nhảy vào cuộc đua chiếm lĩnh thị phần bán lẻ tại Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân các thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ diễn ra rầm rộ thời gian qua.

Những cuộc đổ bộ rầm rộ của các doanh nghiệp ngoại đang khiến nhiều người lo lắng số phận các doanh nghiệp nội sẽ ra sao trong cuộc cạnh tranh ngay chính trên sân nhà.

Doanh nghiệp Việt gặp khó?

Thị trường bán lẻ đang duy trì 2 loại hình chính là bán lẻ hiện đại và bán lẻ truyền thống. Bán lẻ hiện đại tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện ích, chuyên doanh. Bán lẻ truyền thống là các chợ, cửa hàng nhỏ lẻ. Giá trị thị trường bán lẻ hiện đại đang chiếm 25% giá trị thị trường, 75% còn lại thuộc về các kênh khác.

Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là hình thức bán lẻ hiện đại đang tăng nhanh do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tại Việt Nam. Cả nước hiện có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại. Theo quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị (tức là thêm 550 siêu thị so với hiện nay), 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.

Thị trường bán lẻ: Cuộc

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải nỗ lực đề giữ thị phần. Ảnh: DNSG

Xét ở thời điểm hiện tại, các nhà bán lẻ trong nước vẫn đang chiếm giữ phần lớn thị trường bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, khó có thể nói trước thị phần này sẽ giữ được ổn định khi các nhà đầu tư ngoại đang lấn lướt với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, trong khi các doanh nghiệp trong nước thường thiếu sự gắn kết.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội từng phát biểu rằng lâu nay các công ty trong nước thường thiếu sự liên kết. Đặc biệt là phong cách làm việc tiểu nông, chụp giật, nay làm mai bỏ của siêu thị Việt sẽ là con dao tự mình hại mình. Trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài với sức mạnh về tài chính cùng với sự khác biệt ở phong cách dịch vụ, chủng loại hàng hóa, sản phẩm... sẽ có khả năng đánh bại doanh nghiệp nội ngay trên sân nhà. Do đó các nhà bán lẻ Việt cần phải tự đổi mới mình để làm cuộc cách mạng cho ngành bán lẻ trong đó việc quản trị doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh là thước đo sống còn cho sự tồn tại của doanh nghiệp.

Trong Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển của kinh tế đất nước” mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Diệp Dũng, Chủ tịch của Hợp tác xã Thương mại Saigon Co.op cũng nêu ý kiến cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn non trẻ, đang đối mặt với nhiều cơ hội cũng như thách thức. Dù đã có những lộ trình bảo vệ doanh nghiệp trong nhưng việc cụ thể hóa để bảo vệ doanh nghiệp nội còn chậm. Theo đó, ông Dũng đề nghị Chính phủ có giải pháp bảo vệ thị phần doanh nghiệp bán lẻ trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế; Xây dựng chiến lược quốc gia phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam; Xây dựng phát triển nhóm 20 doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có thực lực, sẵn sàng cạnh tranh; cải tiến quy định về mua bán sáp nhập; ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp bán lẻ…

Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương, quy mô thị trường bán lẻ năm 2015 đạt 102 tỷ USD và dự kiến đạt 179 tỷ USD sau 5 năm. Theo đó, tốc độ tăng trưởng năm 2015 đã đạt 7,3% và dự kiến đạt 11,9% vào năm 2020. Với nền tảng 93 triệu dân, trong đó có tới 60% là người tiêu dùng trẻ, ngành bán lẻ Việt Nam đang rất hấp dẫn. Tuy nhiên, bước vào cuộc cạnh tranh sòng phẳng khi hàng loạt các hiệp định thương mại có hiệu lực, các doanh nghiệp nội có giữ được thị phần trên chính sân nhà hay không vẫn đang là bài toán khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bán lẻ: Cuộc "so găng" nội - ngoại