Chiều 29/6, thí sinh cả nước làm bài thi Ngoại ngữ, môn cuối cùng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong các môn ngoại ngữ, đề thi tiếng Anh được đánh giá mới mẻ, đòi hỏi thí sinh phải có kĩ năng và kiến thức ở mức độ rộng hơn so với đề thi năm ngoái.
Trong số 7 ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn, số lượng thí sinh thi Tiếng Anh chiếm đa số.
Sau thời gian 90 phút làm bài kết thúc, các thầy cô giáo dạy bộ môn tiếng Anh tại các trường THPT đều có chung nhận định: “Đề thi môn tiếng Anh năm 2023 bám sát dạng thức, cấu trúc của đề thi tham khảo. Đề tập trung vào các kiến thức cơ bản, có độ phân hóa tốt. Năm nay có nhiều kiến thức mới mẻ đáp ứng đúng mục tiêu của một đề thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học.
Về nội dung kiến thức, các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, bám sát các đơn vị kiến thức ở đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố hồi 31/3/2023 với ngữ pháp quen thuộc.
Ngoài ra, đề thi còn kiểm tra kĩ năng sử dụng từ vựng, phân biệt các cụm từ dễ gây nhầm lẫn, vốn hiểu biết về thành ngữ và cụm từ cố định. Đề thi cũng tập trung kiểm tra kỹ năng đọc và viết của thí sinh khi vận dụng các kiến thức ngữ pháp và từ vựng để đọc hiểu được văn bản, kết hợp khả năng tư duy phân tích thông tin trong bài đọc để xử lý các dạng câu hỏi như tiêu đề bài đọc, câu hỏi chi tiết, đại từ thay thế, tìm từ gần nghĩa nhất, phát biểu nào đúng/không đúng, câu hỏi suy luận.
Về kỹ năng viết, thí sinh cần áp dụng các cấu trúc ngữ pháp để hình thành nên một câu đảm bảo đúng về thì, thể, ngữ nghĩa. Cả hai kỹ năng này đều không xuất hiện các dạng câu hỏi mới so với các năm trước.
Về độ khó của đề thi, khoảng 80% câu hỏi của đề ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.
Cô Đinh Thu Hà, giáo viên tiếng Anh của Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) nhận định, đề thi tiếng Anh năm nay có cấu trúc mới mẻ, nhiều câu gây bất ngờ cho cả người làm công tác giảng dạy.
“Cấu trúc rất quen thuộc với học sinh với 5 phần: Ngữ âm, Từ Vựng – Ngữ Pháp, Đọc, Viết và Giao Tiếp. Trong đó, 5 đến 7 câu hỏi liên quan đến từ vựng và đọc hiểu vẫn luôn là thách thức thật sự cho các thí sinh muốn giành điểm 9-10”, cô Hà chia sẻ.
Theo cô Hà, đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh có tính ổn định và hiệu quả để giải quyết 2 nhiệm vụ: Xét tốt nghiệp và làm căn cứ để các trường xét đại học. Đề thi chính thức mang lại cho thí sinh sự tươi mới, đòi hỏi thí sinh phải có kĩ năng và kiến thức ở mức độ rộng hơn.
“Đề thi năm nay tiếp tục mang lại sự tin tưởng về khả năng sàng lọc trình độ của học sinh. Với bài từ vựng, kĩ năng đoán nghĩa của từ, cụm từ theo ngữ cảnh cộng thêm với một nền tảng từ vựng nhất định là yêu cầu của những câu hỏi theo dạng bài này. Kĩ năng làm bài và lượng từ vựng nền tảng chính là chìa khóa để đạt điểm 9-10”, cô Hà phân tích.
Em Nguyễn Trần Gia Bảo, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận xét với đề tiếng Anh năm nay, việc kiếm được 7 điểm là không khó nếu làm cẩn thận.
Trong khi đó, Lê Thùy Dung, học sinh Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) chia sẻ đề thi năm nay cấu trúc như mọi năm, độ khó tương đương năm ngoái. Dung làm được khoảng 80% đề thi và dự kiến 8 điểm. Em khá hài lòng với bài thi môn tiếng Anh của mình. Theo Dung, các câu hỏi ở phần bài Đọc hiểu có vẻ là khó nhất của đề thi này.