Việc nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cho ngân hàng là điều kiện cần thiết để các ngân hàng tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, góp phần ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang tích cực xây dựng khung pháp lý mới nhằm luật hóa các yêu cầu cốt lõi của Basel III trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Minh chứng là NHNN đã thông qua Dự thảo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại (NHTM).
Đáng lưu ý, NHNN vừa ban hành Thông tư số 14/2025/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư 14 hướng dẫn cách xác định và giá trị tối thiểu của các tỷ lệ an toàn vốn mà các ngân hàng cần phải duy trì gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Theo đó, NHTM không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ gồm: tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu 4,5%; tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu 6% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%.
Đối với NHTM có công ty con, các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và hợp nhất cũng phải đáp ứng các mức tương ứng: vốn lõi cấp 1 tối thiểu 4,5%, vốn cấp 1 tối thiểu 6% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%.
Bên cạnh đó, Thông tư 14 cũng đưa ra hướng dẫn cách tính tài sản có rủi ro tín dụng theo phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp xếp hạng nội bộ. Trong đó, phương pháp tiêu chuẩn tại Thông tư 14 giống phương pháp hiện được các ngân hàng áp dụng theo Thông tư 41 nhưng điều chỉnh một số nội dung như khoản phải đòi bất động sản, khoản cấp tín dụng chuyên biệt.
Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 15/9/2025. Kể từ ngày 01/01/2030, Thông tư này bãi bỏ các quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo các chuyên gia, dù nhiều ngân hàng có thể gặp thách thức trong việc thực hiện lộ trình tăng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 14 song quy định này buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh hơn chiến lược tái cơ cấu hoạt động, nâng cao năng lực quản trị để tăng vốn, thậm có thể phải giảm tỷ lệ cho vay với các lĩnh vực có hệ số rủi ro tín dụng cao. Đây điều kiện quan trọng để các ngân hàng tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế của Basel III.