Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình vừa ký Chỉ thị số 04/CT-CA về triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND).
Chỉ thị nêu rõ: Luật Tổ chức TAND số 34/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 24 tháng 6 năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Đây là đạo luật quan trọng về tổ chức và hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án, bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Luật được xây dựng trên tinh thần thể chế hóa các quan điểm lớn, tiến bộ của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (sau đây gọi chung là Nghị quyết số 27-NQ/TW) và các nghị quyết, văn kiện của Đảng; cụ hóa các quy định của Hiến pháp về TAND thực hiện quyền tư pháp, về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thi hành Luật Tổ chức TAND kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Chánh án TANDTC yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC, Chánh án các TAND, TAQS tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nội dung sau:
Tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Tổ chức TAND
Tổ chức thực hiện nghiêm Kế hoạch của TANDTC về việc triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND trong phạm vi nhiệm vụ được phân công.
Phổ biến, quán triệt cho Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý nội dung và tinh thần các quy định mới của Luật Tổ chức TAND.
Nghiên cứu, biên soạn cuốn sách về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp để góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW”.
Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học có trách nhiệm biên soạn, in ấn tài liệu phục vụ việc phổ biến, quán triệt về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, những nội dung cơ bản của Luật, đề cương giới thiệu Luật; tài liệu khác phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tham mưu cho Chánh án TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến kết hợp trực tiếp toàn quốc để phổ biến, giới thiệu về những nội dung mới, quan trọng của Luật.
Báo Công lý, Tạp chí TAND, Cổng thông tin điện tử TANDTC có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành; mở chuyên trang, chuyên mục để giới thiệu về nội dung mới, quan trọng của Luật.
Học viện Tòa án đưa các nội dung của Luật và nội dung về cải cách tư pháp của Đảng vào chương trình, tài liệu, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và kiểm soát quyền lực
Tiếp tục thực hiện công khai hoạt động xét xử và hoạt động khác của Tòa án theo quy định của pháp luật. Việc quy định phân công ngẫu nhiên Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền phải bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan.
Nghiên cứu sửa đổi quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND ban hành kèm theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017.
Yêu cầu các Thẩm phán nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc những quy định mới về trách nhiệm của Thẩm phán, những việc Thẩm phán không được làm.
Chế độ bảo vệ Tòa án, Nội quy phiên tòa, phiên họp phải được ban hành và bảo đảm thực hiện nhằm duy trì an ninh, trật tự và sự tôn nghiêm của Tòa án.
Các Tòa án tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định về việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp.
Các TAND tổ chức sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị mình; nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan để bảo đảm tổ chức và hoạt động của Tòa án hiệu lực, hiệu quả.
Các đơn vị thuộc TANDTC có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế về tổ chức và hoạt động của đơn vị mình cho phù hợp ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.
Kiện toàn tổ chức bộ máy TAND
Thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc TANDTC; Thành lập các Tòa án nhân dân cấp cao, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc TAND cấp cao; Thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt; Tổ chức các Tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc trong TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Kiện toàn tổ chức, hoạt động của các Tòa án quân sự.
Thành lập Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán TAND; Quy chế tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán TAND; Xây dựng và đề xuất về chế độ bảo vệ Thẩm phán; bậc Thẩm phán; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án; Sắp xếp, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, cán bộ có chức danh tư pháp, công chức khác, viên chức trong TAND.
Kiện toàn chức vụ lãnh đạo tại các đơn vị mới được thành lập; Bố trí đội ngũ Thẩm phán TAND tại TANDTC; Sắp xếp lại đội ngũ Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phản cao cấp sang ngạch Thẩm phán Tòa án nhân dân;
Chuyển đổi nhiệm kỳ của Thẩm phán; Xây dựng cơ cấu tỷ lệ bậc Thẩm phán, ngạch Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án tại Tòa án các cấp;
Bố trí nhân sự công tác tại các TAND sơ thẩm chuyên biệt; Bố trí nhân sự công tác tại các vụ thuộc TAND cấp cao, Vụ Giám đốc kiểm tra mới được thành lập tại TANDTC.
Bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động cho các TAND
Xây dựng, đề xuất về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các Tòa án phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 147 của Luật Tổ chức TAND, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết để các Tòa án hoạt động, nhưng phải chặt chẽ, tiết kiệm, tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Thực hiện việc chuyển xếp lương khi chuyển ngạch Thẩm phán; Bố trí trụ sở làm việc cho các TAND sơ thẩm chuyên biệt, TAND cấp cao mới được thành lập; Xây dựng Đề án biên chế giai đoạn 2026-2031; Đề xuất bổ sung trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc cho các TAND.
Bảo đảm điều kiện hoạt động của Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm
Chánh án các TAND, TAQS chủ động rà soát, lập dự toán kinh phí hoạt động cho Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm theo quy định của Luật; đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Đoàn Hội thẩm và kinh phí tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm; Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn hội thẩm
Xem toàn văn nội dung Chỉ thị tại đây.