“Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV có thể nói là toàn diện, đổi mới và rất căn cơ. Trong đó, có điểm nổi bật là Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ…”, đó là chia sẻ của thẩm phán Đinh Ngọc Huân, Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc với PV Báo Công lý.
PV: Thưa Chánh án, xin ông cho biết trong số những nội dung của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, ông ấn tượng với nội dung nào nhất, vì sao?
Chánh án Đinh Ngọc Huân: Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đây là nội dung tôi ấn tượng nhất. Quy định này nhằm cụ thể hóa quy định tại Khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; đồng thời thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “cụ thể hóa và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp”; “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”
Quyền tư pháp đã được quy định tại Điều 2 của dự án luật: “Quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Vì làm rõ được nội hàm quyền tư pháp sẽ là cơ sở để quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án.
PV: Chánh án có thể chia sẻ giữa Luật Tổ chức Tòa án hiện hành và Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) có gì khác nhau? Có những điểm gì nổi bật?
Chánh án Đinh Ngọc Huân: Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV có thể nói là toàn diện, đổi mới và rất căn cơ. Trong đó có những điểm nổi bật:
Thứ nhất, về quy định Toà án thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 3), quy định điều này nhằm thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”; đồng thời, cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.
Thứ hai, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Tại khoản 7 Điều 15 dự thảo quy định “Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”. Quy định này phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành.
PV: Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nội dung: Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Chánh án có thể phân tích rõ hơn về điều này?
Chánh án Đinh Ngọc Huân: Nghị quyết số 49 - NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định rõ: Xét xử và nâng cao tính tranh tụng và lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa là cơ sở để phán quyết tiếp. Kết luận số 84 - KL/TW của Bộ Chính trị ngày 29/7/2020 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp cũng khẳng định tiếp tục cải cách pháp theo hướng tranh tụng.
Gần đây nhất, Nghị quyết số 27 - NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đã nêu: Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Hướng tới Nhà nước pháp quyền XHCN, thì người dân phải thực hiện theo đúng các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức của Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý để bảo vệ cho quyền lợi của mình. Đây không phải là việc đẩy khó cho người dân, mà là một cơ chế tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình trong điều kiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Như Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khi giải trình dự thảo luật trước Quốc hội đã nói: Theo quy định pháp luật mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Thực tế khi các bên đương sự có tranh chấp thì, nguyên đơn và bị đơn đều là nhân dân, có khả năng và điều kiện tự mình thu thập, cung cấp chứng cứ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình và điều này làm cho vụ án trở nên khách quan. Phục vụ nhân dân là đảm bảo công lý phán xử đứng đắn, tuân thủ pháp luật.
Thực tế, trong quá trình xét xử, Tòa án cũng dựa trên các chứng cứ của các bên đương sự thu thập để đi thẩm tra, xác minh, đánh giá chứng cứ của các bên đương sự cung cấp, kết quả tranh tụng,… Đây là nhiệm vụ theo quy định của Thẩm phán, Hội đồng xét xử phải làm, không thể nhầm lẫn là Tòa án thu thập chứng cứ để xử, mà thực tế Tòa án chỉ thẩm tra, xác minh chứng cứ của các bên đưa ra.
Đồng thời, việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành, cũng như thông lệ quốc tế trong giải quyết các tranh chấp.
PV: Thưa Chánh án, trong trường hợp, người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ tại Tòa thì Tòa án sẽ có hướng xác minh như thế nào để đảm bảo tính khách quan?
Chánh án Đinh Ngọc Huân: Trong trường hợp các bên xuất trình tài liệu, chứng cứ, sẽ có tài liệu cần xác minh, có tài liệu không cần xác minh. Tòa án sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, nếu cần thiết phải xác minh thì Tòa án sẽ xác minh.
Ví dụ: Trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, nguyên đơn xuất trình bản trích đo diện tích đất, bị đơn cũng xuất trình một bản trích đo khác đều có xác nhận của đơn vị đo vẽ có thẩm quyền.
Tòa án cần xác minh thẩm định tại chỗ thửa đất đang tranh chấp để xác định tính chính xác của chứng cứ cho các bên xuất trình. Từ đó mới có thể phán quyết đúng đắn, đồng thời đảm bảo cho việc thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật.
PV: Xin cảm ơn Chánh án!