Chính trị

Thí điểm cơ chế đặc thù để TP. Hồ Chí Minh bứt phá đi lên

Mai Thoa 12/05/2023 20:27

Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại phiên họp UBTVQH chiều 12/5 khi cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH &ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh nhằm tạo ra các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội TP, góp phần xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.

120520230246-z4338952134972_9552d597b5ff19bef1bbdcd68623bb77.jpg

Theo đó, dự thảo Nghị quyết bao gồm 12 Điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TP và TP. Thủ Đức.

Cùng với đó là thí điểm 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về: Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của Thành phố…

Về một số nội dung cụ thể, dự thảo cũng quy định HĐND TP quyết định dự toán, phân bổ ngân sách bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ; quy định TP. được tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp…

Thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Vũ Thị Lưu Mai cho biết, hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, song phạm vi chính sách được đề xuất là khá rộng, trên nhiều lĩnh vực; Một số chính sách mới, tác động trực tiếp đến NSNN, đến đời sống, xã hội; chứa đựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành.

Vì vậy, để có căn cứ vững chắc cho việc quyết định, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị trong báo cáo đánh giá tác động cần đầy đủ về những tích cực, khó khăn thách thức mà các chính sách này mang lại, đặc biệt là sự tác động đến thu chi ngân sách.

120520230420-z4339261524834_7f5bf74adddc23716a0884af1db370d4.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại phiên họp.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần lưu ý một số quan điểm và nguyên tắc cơ bản sau: Các quy định cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng thời gian qua; song tuyệt đối không lợi dụng việc xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm.

Đồng thời, chính sách mới cần “mang tính đột phá”, “vượt trội” theo đúng tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội; song cũng cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí…

Về những chính sách mới liên quan đến sử dụng nguồn tăng thu NSĐP để bổ sung kế hoạch đầu tư công, Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với quy định này. Về quy định bố trí vốn để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí bố trí nguồn lực để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm quy định tại Điều 4.

Thường trực Ủy ban TCNS cũng cho rằng, nên giao TP linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội, song cần quy định rõ nghĩa vụ của các chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Về hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Thường trực Ủy ban TCNS tán thành về chủ trương, song để có căn cứ quyết định chính sách miễn, giảm thuế, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, đề nghị đánh giá tác động theo hướng lượng hóa; một mặt thu hút nguồn nhân lực, không tác động tiêu cực đến NSNN, đảm bảo tính trung lập của thuế.

120520230442-z4339285420906_b1c76a1e45cd93e3f77d1aa7a9b29461.jpg
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh: Mạnh dạn thí điểm cơ chế đặc thù giúp TP. Chí Minh bứt phá đi lên.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước. Mấy năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho TP bị ảnh hưởng nặng nề, ảnh hưởng chung đến tình hình kinh tế của cả nước.

Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết 54 là cần thiết, cần mạnh dạn thí điểm giúp TP. Hồ Chí Minh bứt phá đi lên.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đối với chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14 cơ bản đã có đầy đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cả điều kiện thực tiễn áp dụng cho cả TP. Với những chính sách mới, chưa có trong Nghị quyết số 54/2017/QH14, Quốc hội đã cho phép áp dụng ở một số địa phương cơ bản nhận được sự thống nhất cao. Còn khoảng 6 chính sách dự kiến sẽ quy định trong các luật sửa đổi tới đây thì đề xuất cho TP. Hồ Chí Minh áp dụng trước…

Về một số nội dung chính sách cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nhận định, đa số ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội và UBTVQH đồng ý với việc cần mở rộng phạm vi áp dụng PPP hơn so với nội dung đề xuất, không chỉ là lĩnh vực thể thao mà có thể văn hóa, y tế, tức là những gì mà luật không quy định, nhưng TP thấy cần thiết thì có thể mở rộng; không cần thiết phải quy định tổng mức đầu tư mà phân cấp cho TP chủ động thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, bên cạnh việc ban hành quy trình, thủ tục để thực hiện nghị quyết, phải ban hành chương trình hành động và kế hoạch, các đề án, quy trình, thủ tục để thực hiện và nghị quyết cá biệt theo thẩm quyền.

Phát biểu tiếp thu ý kiến cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là Nghị quyết quan trọng, phức tạp, khó và có quy mô lớn, đòi hỏi phải đáp ứng được 3 yếu tố: Giải quyết điểm nghẽn cản trở sự phát triển của TP.Hồ Chí Minh; tạo động lực mới và cú hích mới phát triển hết tiềm năng của TP trong thời gian tới; đồng thời phải bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội.

120520230522-z4339446417609_ed6472ba5c1facf6e0a77d9fd16458e4.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với TP.Hồ Chí Minh, Ủy ban TCNS của Quốc hội và các Bộ, ngành hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm cơ chế đặc thù để TP. Hồ Chí Minh bứt phá đi lên