Đến thời điểm này, đề án thí điểm đưa xe buýt dành riêng cho phụ nữ vào sử dụng vẫn đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến đồng tình, nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc làm này không thực sự hợp lý.
Phóng viên báo điện tử Công lý đã thực hiện cuộc khảo sát ý kiến của chuyên gia xã hội học và một số nữ sinh, sinh viên thường xuyên đi học, đi làm bằng xe buýt để tìm hiểu rõ hơn về quan điểm của họ trước vấn đề này.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết Minh – Giảng viên khoa Xã hội học, Học viện Báo chí – Tuyên truyền:
Chủ trương của lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc mở tuyến xe buýt cho riêng phụ nữ để giảm thiểu nạn quấy rối tình dục là điều rất đáng hoanh nghênh và cần ủng hộ.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết Minh (thứ 2 từ phải sang)
Tuy nhiên, việc mở tuyến xe buýt cho phụ nữ có làm giảm tình trạng quấy rối tình dục ở Việt Nam hay không cần làm rõ nguyên nhân, nguồn gốc sâu xa của việc tại sao phụ nữ và trẻ em gái lại dễ trở thành nạn nhân của bạo lực hay quấy rối tình dục hơn nam giới và trẻ em trai. Hiện nay, tình trạng bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam hơn nữ còn phổ biến và tồn tại dai dẳng là nguyên nhân sâu xa của hiện tượng trên.
Do đó, việc mở tuyến xe buýt chỉ là một trong nhiều giải pháp tình thế, trước mắt đáp ứng nhu cầu giới thực tế để hạn chế thực trạng quấy rối tình dục trên xe buýt, giảm nguy cơ bị quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khi tham gia sử dụng dịch vụ xe buýt công cộng. Để xây dựng một thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái nói riêng cũng như nam giới nói chung thì thành phố cần tính đến nhiều các giải pháp đồng bộ, chiến lược hơn nữa.
Về khía cạnh bình đẳng giới, tôi không nghĩ rằng việc đưa tuyến xe buýt cho phụ nữ vào hoạt động sẽ tạo ra phân biệt đối xử giữa nam nữ, bởi vì, có một hiện thực là phụ nữ và trẻ em gái hiện tại vẫn đang chịu nhiều nguy cơ và là nạn nhân của bạo lực và quấy rối tình dục hơn nam giới. Do đó, các biện pháp hỗ trợ, tình thế trước mắt đối với phụ nữ không bị coi là phân biệt đối xử với nam nữ.
Tuy nhiên, giải pháp nào cũng có những điểm mạnh và điểm yếu. Giải pháp đưa tuyến xe buýt cho phụ nữ vào hoạt động cũng như vậy. Về điểm mạnh, đây là giải pháp tình thế rất tốt vì tình trạng quá tải xe buýt giờ cao điểm hiện nay; là một hình thức đưa ra quan điểm mạnh mẽ bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ chính thức từ phía các cơ quan chức năng một cách thiết thực; là một hình thức đưa thông điệp cho nam giới và xã hội về việc tại sao một nửa xã hội là phụ nữ lại cần phải có các giải pháp mạnh mẽ để được bảo vệ khỏi các hành vi quấy rối tình dục từ phía nam giới. Đây có phải là điều đáng để nam giới chia sẻ cùng nữ giới, thay đổi giá trị để cùng hướng đến thành phố an toàn cho tất cả, trong đó có nam, nữ.
Về một vài điểm cần phải tính toán trong giải pháp này để xem giải pháp có khả thi không là: Thứ nhất cần tính đến các trường hợp như những người nam nữ đi cùng nhau (vợ chồng, bố mẹ con gái, anh – em gái, người yêu, bạn nam – nữ….) thì đến điểm xe buýt phải chia tay nhau vì tuyết xe buýt đó chỉ dành cho nữ thì có khả thi và bất lợi gì không?.
Coi phụ nữ và trẻ em gái là người cần bảo vệ và tạo ra môi trường an toàn bằng cách tách biệt với nam giới, trong khi các tương tác và giao tiếp trong hoạt động sống hàng ngày họ vẫn không thể tách biệt, các nguy cơ quấy rối lại không chỉ xảy ra khi sử dụng xe buýt… các kỹ năng tự bảo vệ của bản thân nữ giới trong các trường hợp đó như thế nào?
Sự vào cuộc của nam giới và xã hội để thay đổi giá trị về vấn đề tôn trọng phụ nữ ra sao nhằm giải quyết tận gốc rễ vấn đề bình đẳng giới để hướng đến một thành phố an toàn mà không cần thiết phải ứng xử với một nhóm xã hội nào đó theo cách đặc biệt, tạo môi trường hòa nhập an toàn cho tất cả, nam và nữ? Xe buýt là dịch vụ xã hội và cần tính đến lợi nhuận và việc có thêm các tuyến xe dành riêng cho nữ thì phí xe buýt tính như thế nào?
Cho nên, đưa tuyến xe buýt cho phụ nữ là một ý tưởng rất tốt nhưng cũng cần cân nhắc, nghiên cứu, tham vấn các bên có liên quan và đặc biệt cần gắn với các giải pháp đồng bộ khác mới có thể khả thi và hiệu quả.
Bế Thu Thảo (Sinh viên năm cuối Học viện Tài chính):
Tôi thường xuyên đi học bằng xe buýt, tuy nhiên 5 năm ở Hà Nội tôi chưa gặp trường hợp nào bị quấy rối hay lạm dụng tình dục trên các tuyến xe buýt tôi thường đi. Việc đưa thêm tuyến xe buýt riêng cho phụ nữ vào sử dụng theo tôi là không cần thiết bởi việc đầu tư thêm xe, nhân lực sẽ tạo ra sự lãng phí không đáng có, trong khi đối tượng phục vụ bị chia nhỏ ra. Đường phố Hà Nội vốn đã chật lại gánh thêm một loạt xe buýt nữa thì không hình dung được sẽ tắc nghẽn đến thế nào.
Với những đối tượng là vợ chồng, nhóm bạn bè, người yêu đi với nhau, khi lên xe buýt lại phải chia ra mỗi người một xe, sẽ gây ra sự bất tiện vô cùng. Hơn nữa, hiện nay tôi thấy ở Hà Nội, tình trạng trộm cắp trên xe buýt mới là phổ biến. Số lượng xe chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, nhất là những tuyến cao điểm, nên mới để xảy ra chen chúc, tạo điều kiện cho trộm cắp hoành hành. Vì thế, thay vì mở thêm xe buýt mới cho riêng phụ nữ, tôi ủng hộ việc nâng cấp, bổ sung xe buýt hiện nay để tránh tình trạng chen lấn trên xe buýt những giờ cao điểm.
Dương Thị Yến (SN 1992, Cầu Giấy, Hà Nội):
Mình đồng tình với việc mở thêm tuyến xe buýt cho phụ nữ, bởi với tình trạng như hiện nay, phụ nữ đi xe buýt rất hay phải chịu cảnh chen lấn xô đẩy, dễ dàng bị quấy rồi tình dục từ các đối tượng biến thái nhưng lại không dám lên tiếng. Nên có xe buýt riêng cho phụ nữ để giảm tình trạng này, hơn nữa cũng tránh thêm được việc mất trộm trên xe buýt vì phần lớn các đối tượng trộm cắp trên xe buýt đều là nam giới.
Nguyễn Thu Quỳnh (nhà văn trẻ):
Theo tôi, việc mở thêm tuyến xe buýt mới giống như hình thức cách ly phụ nữ khi ra ngoài xã hội. Thay vì bảo vệ họ và dạy họ cách tự bảo vệ mình bằng cách lên tiếng, đấu tranh, phản đối, thì hình thức này giống như đưa họ vào tình thế trốn chạy. Đây khác nào chúng ta đi ngược lại con đường dẫn đến sự công bằng quyền lợi giữa đàn ông với phụ nữ, con đường của bình đẳng giới.
Theo khảo sát tại Hà Nội và TP HCM, có 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) cho rằng đường phố là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối trên xe buýt. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra những địa điểm công cộng khác mà phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối là bến xe, công viên, nhà chờ xe buýt. Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, dù kết quả khảo sát chỉ thực hiện trên một mẫu nhỏ (2.046 người), nhưng phần nào phản ánh nguy cơ bị xâm hại về thân thể và nhân phẩm, gây tổn thương về tâm lý, tình cảm và sức khỏe của phụ nữ khi sử dụng dịch vụ công cộng. Ở một khía cạnh khác, theo số liệu cập nhật trong 8 tháng gần đây (từ 1/4-31/11/2014), đường dây nóng của Transerco nhận được 43.012 cuộc gọi phản ánh của khách hàng, trong đó, 5 vụ phản ánh liên quan đến quấy rối tình dục, chiếm tỉ trọng 0,4% trong số vụ phản ánh về chất lượng dịch vụ và chiếm tỉ trọng 0,01% trong tổng cuộc gọi khách hàng gọi đến đường dây nóng Hanoibus. Như vậy, cứ 10.000 lượt khách hàng phản ánh thì có 1 lượt khách phản ánh về tình trạng liên quan đến quấy rối tình dục. |