Thủ tướng Chính phủ vừa mới công nhận Bia Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi (Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao) tại khu Di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) là Bảo vật Quốc Gia.
Năm 1496, Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao qua đời được đưa về an táng tại Sơn Lăng( Lam Kinh), cách Vĩnh Lăng khoảng 500m về phía Đông.
Ngoài việc xây lăng, đắp mộ, còn dựng cả một tấm bia có kích thước lớn để ghi lại lai lịch, công đức của người yên nghỉ trong lăng. Bia Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi (Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao) được dựng theo hướng Đông Nam cách lăng mộ khoảng 70m, trước mặt là cánh đồng và khe nước.
Toàn cảnh Bia Khôn Nguyên Chí Đức Bi BI
Hoàng thái hậu luôn đề cao lối sống cần kiệm, liêm chính mà bản thân bà là tấm gương sáng. Do có một cuộc sống nội tâm trong sáng, nhân hậu, bao dung, là một phụ nữ có sức sống mãnh liệt và sự trẻ trung tới cuối cuộc đời. "Điều đặc biệt là ở Thái hậu tuy đã già, nhưng tóc không bạc, răng không rụng, mắt không mờ, dáng mạo không suy, tự có sắc thái riêng, như người chừng 40 tuổi vậy".
Sau khi mất (1496), thọ 76 tuổi bà được đưa về an táng tại Sơn Lăng ( Lam Kinh).
Bia hình chữ nhật, được đặt trên lưng rùa, trán bia hình vòng cung. Mặt trước, xung quanh diềm bia mỗi bên khắc 2 đường chỉ chìm và 2 đường chỉ nổi chạy song song theo chiều dài từ đỉnh bia đến đế bia. Khoảng cách giữa các đường chỉ khắc nổi 24 rồng yên ngựa, hai bên mỗi bên khắc 9 rồng, miệng nhả ngọc hướng về đỉnh bia chầu vào mặt nguyệt.
Dưới chân đế bia khắc 6 rồng, mỗi bên 3 rồng chầu vào mặt nguyệt xen lẫn hình vân mây và các đao lửa xoắn ngược kim đồng hồ, tượng trưng cho bầu trời. Phía dưới đỉnh trán bia ở giữa khắc rồng ổ uốn lượn, mặt hướng ra phía trước, thân có vẩy, bàn tay rồng lộ rõ 5 móng. Hai bên khắc 2 rồng nhỏ trong tư thế vươn cao chầu vào hình vuông, giữa thân rồng khắc lồng vân mây, phía ngoài vân mây trang trí hình lá đề móc câu, chóp lá đề trang trí hoa cúc dây cách điệu.
Phía dưới rồng khắc 1 đường chỉ, phía trên và phía dưới khắc 4 đường chỉ nổi và 4 đường chỉ chìm, khoảng cách giữa các đường chỉ là: 0,32m khắc tên của bia theo hàng ngang gồm 6 chữ theo lối chữ Triện. “Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi ”.
Nội dung văn bia viết theo lối chữ Khải chân phương khoảng 70 dòng, 3.000 chữ, ghi về gia tộc, ngày sinh, ngày mất và sự nghiệp, công lao của Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, đức độ sánh ngang với trời đất, công lao rạng danh cả 3 vua. Điều đặc biệt, trong một tấm bia lại có tới 36 bài thơ họa ca ngợi Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.
Bà Bì Thị Tuyết, Trưởng phòng nghiệp vụ khu di tích Lam Kinh đang giới thiệu về tấm Bia
Bia Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao là một tài liệu quý để nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc về Hoàng hậu ở Việt Nam thời Lê Sơ. Với nghệ thuật điêu khắc, trang trí cầu kỳ, công phu, tỷ mỷ có sự bố cục chặt chẽ, hình mẫu trọn vẹn, sự linh hoạt và thanh tú về đường nét....
Trước đó cũng tại Khu di tích Lam Kinh bia Vĩnh Lăng được xem là tấm bia “độc nhất vô nhị”, vừa mang tính giáo dục truyền thống cho hậu thế và là tài liệu quý khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc dưới thời Lê Sơ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.