Bảo hiểm cầu thủ Việt nhìn từ vụ Quế Ngọc Hải - Anh Khoa

M.N| 05/11/2015 13:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuối cùng, số tiền chữa trị cho Anh Khoa tại Singapore cũng đã được công bố là 680 triệu đồng và theo phán quyết của VFF, Quế Ngọc Hải sẽ phải bồi thường. Nhưng đó có phải là cách giải quyết triệt để vấn đề?

Cách đây ít ngày, Anh Khoa đã trở về Việt Nam sau quá trình chữa trị tại Singapore. Theo các bác sĩ, khả năng trở lại sân cỏ của cầu thủ SHB Đà Nẵng là khoảng 70%, cao hơn gấp đôi dự kiến ban đầu. Đó là tín hiệu mừng cho Anh Khoa, đồng thời cũng có một tín hiệu mừng cho Quế Ngọc Hải, người đã gây ra chấn thương cho Anh Khoa. Lý do là vì chi phí chữa trị cho Anh Khoa rơi vào khoảng 680 triệu đồng chứ không phải 800 triệu đồng như dự kiến trước đó.

Tuy nhiên, việc một cầu thủ phải lo toàn bộ chi phí cho nạn nhân của mình trên sân cỏ là điều chưa từng có. Số tiền hơn 600 triệu đồng với Quế Ngọc Hải không phải là nhỏ với một cầu thủ có mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Như vậy, cầu thủ đang khoác áo Sông Lam Nghệ An sẽ phải nhịn ăn, nhịn tiêu trong 4 năm mới đủ tiền trả cho Anh Khoa.

Bảo hiểm cầu thủ Việt nhìn từ vụ Quế Ngọc Hải - Anh Khoa

VPF đã quyết định mua bảo hiểm cho cầu thủ sau vụ việc của Quế Ngọc Hải - Anh Khoa

Sau vụ Anh Khoa, làng bóng đá mới giật mình vì các cầu thủ Việt mới chỉ mua bảo bảo hiểm y tế, còn không có bảo hiểm thân thể. Trong khi đó, bóng đá là môn thể thao đối kháng, va chạm trực tiếp và không thể tránh khỏi những chấn thương.

Việc án phạt với những cầu thủ thi đấu thô bạo là điều cần thiết, nhưng bóng đá thế giới cũng chỉ treo giò và phạt tiền cảnh cáo chứ chưa có tiền lệ việc phải chi trả toàn bộ chi phí chữa trị như trường hợp của Quế Ngọc Hải. Bởi tất cả đã có bảo hiểm chi trả và việc mua bảo hiểm cho cầu thủ là trách nhiệm của các đội bóng.

May mắn cho làng bóng đá Việt, trong một động thái mới nhất, Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã ngồi làm việc cùng Tổng công ty CP Bảo hiểm PVI để bàn về các gói bảo hiểm cho các cầu thủ tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ mùa giải 2016.

Phát biểu trên VTV, ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng Giám đốc VPF cho biết: Mùa giải tới, có 182 trận ở V-League, 90 trận ở giải hạng nhất, 30 trận ở Cúp Quốc gia, chúng tôi mua toàn bộ 302 trận đấu đó. Sẽ có 720 cầu thủ được VPF mua bảo hiểm. Các mức mua bảo hiểm cũng dao động từ 2 triệu đến 200 triệu đồng. Đây sẽ là một động thái tích cực để bảo đảm quyền lao động và thụ hưởng chính đáng cho giới cầu thủ của các CLB tham dự giải”.

Rõ ràng, việc bây giờ mới tiến hành việc mua bảo hiểm thân thể cho cầu thủ khi Việt Nam đã có một giải đấu chuyên nghiệp là V-League được 16 năm là điều quá muộn. Nhưng muộn còn tốt hơn không, bởi nếu không may bị chấn thương, các cầu thủ và gia đình sẽ không còn lo lắng kiếm tiền chữa trị hay kiếm tiền để trả cho nạn nhân như Quế Ngọc Hải đang làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm cầu thủ Việt nhìn từ vụ Quế Ngọc Hải - Anh Khoa