Nhìn lại chặng đường 78 năm (27/3/1946 - 27/3/2024), hoạt động thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, giành thành tích cao tại đấu trường khu vực và quốc tế. Nhiều vận động viên (VĐV), đội tuyển đạt kết quả tích cực, phát triển sự nghiệp góp phần tăng cường sức khỏe, lối sống lành mạnh cho nhân dân. Để thể thao VN ngày càng nâng cao vị thế ở đấu trường quốc tế thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị sẽ là "kim chỉ nam" xuyên suốt.
Thể thao vì mục tiêu dân cường thì quốc thịnh
Cách đây 78 năm, sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, dù đất nước đang trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta cùng một lúc phải lãnh đạo nhân dân ta chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” và xây dựng chế độ mới, nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng và Bác Hồ vẫn dành cho công tác TDTT sự quan tâm đặc biệt.
Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14 thành lập Bộ Thanh niên Nha Thể dục Trung ương, chính thức khai sinh ra nền Thể thao cách mạng Việt Nam với nhiệm vụ “nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc” nhằm “tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”. Tiếp đó, ngày 27/3/1946, Người thay mặt Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục. Cùng ngày, Người viết bài Sức khỏe và Thể dục đăng trên báo Cứu quốc, kêu gọi toàn dân tập thể dục.
Từ đó những triển khai tổ chức, điều hành các hoạt động TDTT được phát động và hưởng ứng vô cùng mạnh mẽ. Ngành TDTT đã bền bỉ nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, nhiều phong trào TDTT thiết thực, hiệu quả trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Góp phần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sức chiến đấu của quân và dân, cùng cả dân tộc hoàn thành sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều môn thể thao dần được chuyên nghiệp hóa; thể thao thành tích cao dần tiếp cận với phương pháp tập luyện, thi đấu hiện đại và trình độ khu vực. Không ít môn thể thao có tính truyền thống, nhất là võ thuật, đã phát triển mạnh và rộng khắp, trở thành môn thể thao được yêu thích, được đưa vào thi đấu ở các nước, trong các giải khu vực và thế giới.
78 năm qua cũng chứng kiến những giọt mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu của các thế hệ vận động viên, huấn luyện viên đã phấn đấu không ngừng để thể thao thành tích cao của Việt Nam được xướng tên trên các đấu trường thế giới, châu lục và khu vực. Nhiều tấm gương nỗ lực của những người làm công tác gây dựng phong trào TDTT trên cả nước để thực hiện cho mục tiêu bồi bổ sức khỏe cho nhân dân.
Trải qua 78 năm xây dựng và trưởng thành, ngành TDTT luôn giữ vị trí quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế.
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”.
Đảng ta từng chỉ rõ, phát triển TDTT là một yêu cầu khách quan của xã hội nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển TDTT là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và của mỗi người dân... Đầu tư cho TDTT là đầu tư cho con người, đầu tư cho sự phát triển của đất nước.
Các hoạt động thể thao cơ sở được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp tham gia. Công tác bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được chú trọng như: Võ cổ truyền, vật dân tộc, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, bắn ná, lân sư rồng, tung còn, đánh quay…
Đối với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, muốn làm chủ nhân tương lai của đất nước phải rèn luyện đạo đức cách mạng; học tập văn hóa, kỹ thuật chuyên môn, đồng thời phải rèn luyện sức khỏe và thể chất, “có khỏe mạnh mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ vào những công việc ích nước lợi dân”.
Thực hiện các nhiệm vụ với phương châm đổi mới mạnh mẽ
Ông Trần Đức Phấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT cho biết: “Ngành thể thao Việt Nam quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ với phương châm đổi mới mạnh mẽ, phát huy các thành tích đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, làm cơ sở phát triển thể thao thành tích cao. Trong đó, việc thực hiện tốt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 được chú trọng. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng một số bộ, ngành triển khai các chương trình, nhằm thúc đẩy công tác giáo dục thể chất, hoạt động TDTT trong trường học, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Lĩnh vực thể thao thành tích cao, kể từ khi hội nhập trở lại tại kỳ SEA Games 1989, thể thao Việt Nam đã có những bước tiến phát triển không ngừng, luôn giành vị trí trong tốp đầu tại các kỳ SEA Games. Tại đấu trường quốc tế, thể thao Việt Nam đã có những bước tiến đáng nể, đó là những tấm huy chương vàng Olympic quý giá. Hay đấu trường World cup của đội tuyển nữ Việt Nam.
Một đỉnh cao đang chờ đợi thể thao Việt Nam chinh phục trong năm nay chính là Olympic Paris 2024. Ban đầu, lãnh đạo Cục TDTT cho biết hướng tới việc giành từ 18-20 suất dự Olympic 2024, nhưng từ những khó khăn gặp phải, ngành thể thao đã hạ chỉ tiêu còn 12-15 suất vượt qua vòng loại.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt nhấn mạnh tại Hội nghị Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030: 'Ngành thể thao xác định còn rất nhiều việc phải làm, và việc phát triển thể thao thành tích cao không phải chỉ trong ngày một, ngày hai là có ngay các nhà vô địch Olympic và châu Á."
Phát triển thế mạnh, tạo vị thế tương lai
Các môn thể thao truyền thống đã gắn bó với đời sống, lao động của đồng bào các dân tộc là nét văn hóa luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong nhiều giai đoạn phát triển. Đây cũng là điểm tựa quan trọng để thúc đẩy phong trào TDTT của mỗi địa phương.
Tại Hà Nội, địa phương có gần 110 nghìn người dân tộc thiểu số, phân bố chủ yếu ở các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất với các đồng bào dân tộc Mường, Dao chiếm số lượng lớn. Trong những năm qua, các cấp, các ngành TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
"Việc đưa các môn thể thao truyền thống vào hoạt động TDTT thường xuyên tại các xã, thị trấn được xem là giải pháp quan trọng để huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, việc tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi, trò diễn dân gian tại các lễ hội lớn tại nhiều địa phương, các ngày hội văn hóa, thể thao của các xã, thị trấn cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới cũng là điều kiện quan trọng để vừa thực hiện công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển phong trào TDTT", ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài khẳng định, việc tổ chức các môn thể thao dân tộc mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc nhằm thực hiện hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Để thể thao thực sự trở thành một nhịp cầu hội nhập, một kênh dẫn để văn hóa dân tộc hoà chung trong dòng chảy văn hóa thế giới mà sự kiện môn thể thao truyền thống và một trò chơi dân gian là kéo co được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể chung giữa Việt Nam - Campuchia – Hàn Quốc - Philippines là một minh chứng sống động.
Với truyền thống tự hào của 78 năm phát triển, trưởng thành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên ngành TDTT sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó để TDTT không ngừng lớn mạnh.
Còn đây đó nhiều khó khăn, gian khổ nhưng với phẩm chất của một nền thể thao cách mạng, tin chắn rằng các thế hệ hôm nay của ngành sẽ không ngừng vươn lên để phấn đấu cho một nền thể thao vì mục tiêu dân cường thì quốc thịnh, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.